Trần Tuệ Tri: Một 'siêu nhân mẹ'

Câu nói quan trọng nhất mà chị Trần Tuệ Tri, Tổng giám đốc Pharmacity, tác giả sách 'Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng để lại' sau cuộc trò chuyện dài không phải là những thành tích hay trải nghiệm vượt trội ở môi trường toàn cầu, mà là một điều đặc biệt hơn: 'Chưa bao giờ tôi bỏ lỡ bất kỳ một cuộc họp phụ huynh nào ở trường, cũng như chưa bao giờ tôi vắng mặt ở bất kỳ một buổi biểu diễn văn nghệ nào của con gái mình'. Đây quả thực là một bà mẹ siêu nhân.

Ba điều cốt yếu của người ra biển lớn

Chúng tôi hẹn nhau có phần hơi vất vả vì lịch làm việc, đào tạo dày đặc của chị Tri. Cuối cùng, tìm được một đoạn dài 45 phút lúc 12g trưa. Chị Tri vừa đào tạo xong, bạn tiếp tân nửa như vô tình nửa như cố ý thông tin rằng tiếp theo sẽ có cuộc họp nữa, tất nhiên là xuyên buổi trưa. Vậy nên… tranh thủ. Cũng may, tôi đã kịp đọc hết tập sách mới của chị, nghe một vài bài phát biểu trên Youtube tại các hội nghị, và nghiên cứu… Facebook của chị khá đủ.

“Làm siêu nhân có vui không ạ?” - “Tôi không nghĩ mình là siêu nhân gì đâu, chỉ là làm việc mình thích và thấy có ích là được. Tôi sẽ cố gắng làm được nhiều việc nhất và hiệu quả nhất trong ngày, vì sau 6g chiều là tôi… ngừng làm việc, về với gia đình”.

Trần Tuệ Tri đầy ắp năng lượng, sải những bước chân dài và nhanh nhẹn so với vóc dáng Á châu của mình. Hình ảnh này làm tôi chợt nhớ tới hình ảnh chị Tri bước lên bục của một hội nghị quốc tế, cái bục có phần quá to so với chị, cho tới khi câu chuyện cất lên, thì tầm vóc của suy nghĩ, của góc nhìn và của khát khao chợt vượt lớn ra ngoài cái không gian vật lý của hội trường khổng lồ này.

Chị Trần Tuệ Tri và cuốn sách vừa phát hành đầu năm 2023, được chị nghiên cứu trong hơn ba năm.

Chị Trần Tuệ Tri và cuốn sách vừa phát hành đầu năm 2023, được chị nghiên cứu trong hơn ba năm.

“Một cô gái trẻ từ Việt Nam đi ra nước ngoài làm cán bộ quản lý thì gặp những điểm hạn chế nào và chị đã vượt qua nó như thế nào để chinh phục thế giới?” - không ngăn được mình, tôi hỏi. Chị Tuệ Tri cười, có chút hồi tưởng: “Thật ra, tôi nghĩ Việt Nam đã cho mình quá nhiều điều mà có khi mình không nhận biết được, cứ nghĩ đó là điều đương nhiên vì là người Việt. Cho tới khi đi xa, mới hàm ơn những điều này ghê gớm. Mình hàm ơn không chỉ những điều tốt, mà còn cả những thử thách mà quê hương đã rèn luyện để mình có sự kiên trì, bền bỉ và mong muốn vươn lên nhiều hơn…”.

Chị Tri nói, thoáng một tia hạnh phúc lóe lên trong đôi mắt tinh anh. “Tôi luôn luôn nhớ lời dặn của người quản lý đã chọn đưa tôi đi làm việc ở nước ngoài lần đầu tiên: Tri là người Việt đầu tiên của tập đoàn đi xa, hãy nhớ là ngoài trách nhiệm phải làm thật tốt phần của mình, Tri còn chịu trách nhiệm về hình ảnh nhân sự Việt Nam trong mắt quốc tế, ảnh hưởng rất lớn tới những bạn trẻ khác về sau có được ưu tiên mời đi làm việc toàn cầu không nhé…”.

Và tâm niệm “làm tốt phần việc của mình cũng là góp một chút cho Việt Nam”, Tuệ Tri nhanh chóng phát hiện ra ba điểm yếu mà mình, có lẽ là cả thế hệ bạn bè của mình, phải đối mặt khi tham gia cuộc chơi lớn hơn. Đầu tiên, đó là truyền thông giao tiếp. Tiếng Anh chỉ là lớp vỏ của ngôn ngữ, phần lõi đòi hỏi hiểu biết về văn hóa, ứng xử, phương thức trình bày và… 1.001 điều khác nữa.

Những va vấp vì lúng túng không biết nên quan tâm với nhân sự người Thái Lan như vầy là chưa đúng mức hay lại bị trách là hỏi quá nhiều về đời tư của nhân sự người Brazil, những lần ngồi nghe các diễn giả quốc tế trình bày một cách hút hồn làm mình thấy nhỏ bé, những lần quan sát, học tập, thử nghiệm chưa thành công khi thực hiện báo cáo… Trần Tuệ Tri tin rằng, nếu mình tuân thủ các nguyên tắc kỷ luật của bản thân, mình sẽ làm được. Nguyên tắc đó là gì? Là học từ những người giỏi nhất, “làm bài tập về nhà” - tức là chuẩn bị tốt nhất để hạn chế những điểm chưa mạnh của bản thân. Dần dà, Tri vượt qua thách thức đầu tiên này.

Điểm tiếp theo, là các mối quan hệ, mà không phải là các kết nối đơn thuần, phải là một “supporting network” - mạng lưới những người hỗ trợ mình, một cộng đồng người Việt nương tựa ủng hộ lẫn nhau. Cái mạng lưới này, ngày trước, chưa hình thành. Tuệ Tri phải bước ra khỏi vùng an toàn, đầu tư thực sự để xây dựng những mối quan hệ chất lượng về chiều sâu, để sự cống hiến của mình cũng sẽ được mọi người đón nhận và từ đó hình thành nên hệ sinh thái người Việt cùng nhau tiến bộ.

Cuối cùng, là khả năng khái quát hóa vấn đề - conceptualization là một trở ngại do môi trường giáo dục cũ tập trung nhiều vào giải quyết các chi tiết. Và theo nguyên tắc kỷ luật của mình tự đề ra, Tuệ Tri đi tìm học những người có năng lực khái quát hóa vấn đề số một thế giới. Không mất tiền đâu, những báo cáo phân tích, những bài nói chuyện của các doanh nhân lớn, tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới đều có sẵn ở đó, chờ mình đến tiếp cận và tự tìm ra những “tiêu chuẩn vàng” để nâng bản thân mình lớn lên…

Lòng yêu nước và tình yêu gia đình

Cứ như vậy, người con gái Việt Nam da vàng từng bước hoàn thiện các điểm hạn chế của mình, mang trong lòng sự kỷ luật và niềm tự hào là người Việt Nam từng bước chinh phục thế giới. Có những thời điểm, Trần Tuệ Tri quản lý một nhãn hàng toàn cầu có mặt hơn 40 quốc gia của một tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới. Đi nhiều, trải nghiệm nhiều, chị nghiệm ra nhiều điều quan trọng, nhất là sự quan trọng của mạng lưới các quan hệ, đặc biệt là với những người Việt xa xứ giống mình.

Tuệ Tri đưa thêm một yếu tố vào “khung kỷ luật sống” của mình: mỗi tháng sẽ dành thời gian để gặp gỡ và xây dựng quan hệ với một người mới, và tiêu chí của “người mới” này rất đơn giản: mình cảm thấy họ là người tốt - cụ thể là làm mình dễ chịu khi ngồi cạnh nhau… Cũng vì lý do này, mà Tuệ Tri tham gia các sáng kiến toàn cầu để cố vấn, hỗ trợ và chia sẻ cho nhiều người trẻ hơn, từ những chương trình đào tạo ngắn hạn của các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Insead,… cho tới sáng kiến đêm nhạc “Nối vòng tay lớn - Đất nước đồng lòng, vượt qua Covid-19”, được tổ chức ngay trong những ngày tháng giãn cách ở TP.HCM.

Và tập sách Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng ra đời, như một tổng kết của lòng biết ơn đất nước lẫn những trải nghiệm “Việt Nam toàn cầu” này…

Thăm nơi con gái Tri Giao đang theo học ở Đại học Princeton (Mỹ). Tri Giao từng là tài năng trẻ vòng chung kết cuộc thi Vietnam’s Got Talent 2012.

Thăm nơi con gái Tri Giao đang theo học ở Đại học Princeton (Mỹ). Tri Giao từng là tài năng trẻ vòng chung kết cuộc thi Vietnam’s Got Talent 2012.

Phía bên ngoài văn phòng, tôi chợt thấy bóng dáng cao to của mấy ông Tây đang đi qua đi lại, nhìn đồng hồ đã thấy hết giờ của mình. Tuệ Tri mỉm cười: “Không sao, chúng ta còn 5 phút nữa, và mỗi khoảnh khắc đều có ý nghĩa riêng của nó mà, chúng ta sẽ dùng 5 phút này thật hiệu quả”. Và rồi chúng tôi nói với nhau về định nghĩa hạnh phúc: với Tuệ Tri, là không lo lắng, có thể tận hưởng từng đoạn đường mình đi.

Chúng tôi lại nói về định nghĩa tự do: với Tuệ Tri, là sự nguyên bản chính mình, không cần phải chứng minh cho ai thấy mình… là ai, vậy sẽ được nói những điều đúng mà mình cần nói. Chúng tôi lại nói với nhau về định nghĩa Trần Tuệ Tri, chị mong muốn đó là “một con người tốt, luôn làm việc đúng và có khả năng tạo giá trị cộng thêm cho những người bên cạnh”.

Còn lại, định nghĩa về thành công, Tuệ Tri chọn khái niệm “là làm được những gì mình mong muốn”. Viết quyển sách Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng, với Tuệ Tri, là một sự thành công như thế, vì chị đã vượt qua chính mình để làm việc này, đã góp sức mình để đánh thức giấc mơ thương hiệu Việt Nam cho nhiều nhiều người khác…

Câu hỏi cuối “điều chị tự hào nhất là gì” làm ánh mắt Tuệ Tri lập tức ánh lên niềm vui: “Tôi rất tự hào, là mình chưa bao giờ vắng mặt tại bất kỳ cuộc họp phụ huynh nào hay bất kỳ buổi biểu diễn văn nghệ nào của con mình cả, chưa bao giờ!”.

Bài: Bung Trần - Ảnh: TLNV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tran-tue-tri-mot-sieu-nhan-me-38985.html