Trân trọng gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc

ĐBP - Bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa luôn là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thì yêu cầu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa càng có giá trị và ý nghĩa to lớn. Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã và đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình, hành động để vừa bảo tồn; đồng thời phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc ngày càng đậm nét và đặc sắc hơn.

Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc, Điện Biên có 19 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc không chỉ mang những đặc trưng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán... mà còn nhiều nét riêng văn hóa truyền thống, tạo nên bức tranh đa sắc màu đưa Điện Biên trở thành địa phương có hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện và tìm hiểu cuộc sống của nghệ nhân Lý A Lệnh, bản Chan 2, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng. Ông là nghệ nhân có tiếng ở tỉnh Điện Biên với sự ưu tú và đa tài của mình. Trong muôn vàn nét đẹp văn hóa của dân tộc, nhiều năm qua, nghệ nhân Lý A Lệnh không chỉ đam mê, am hiểu khèn Mông, ông còn là người thành thục diễn xướng sáo Mông, đàn môi và chế tác khèn nổi tiếng ở vùng Mường Ảng.

Ông Lệnh cũng đã có những đóng góp tích cực trong việc giữ gìn, bảo tồn nhạc cụ quý này bằng cách chế tác, biểu diễn, nhất là truyền dạy cho thế hệ trẻ. Với những đóng góp cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Mông, năm 2019, ông Lý A Lệnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật dân gian.

Niềm nở, thân tình, ông Lệnh cho biết, với người Mông, cây khèn, cây sáo không chỉ là nhạc cụ truyền thống độc đáo mà còn là vật thiêng. Từ lúc sinh ra cho đến khi về với tổ tiên, âm thanh của những nhạc cụ này luôn có mặt. Đó là tiếng nói của tâm hồn, phương tiện kết nối cộng đồng. Khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ và cũng là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần với thế giới tâm linh, hướng con người đến những khát vọng thuần hậu, vươn lên trước những khó khăn của cuộc sống.

Được suy tôn là những người nắm giữ hồn văn hóa dân tộc Mông, những năm qua, nghệ nhân Lý A Lệnh đã mở nhiều lớp, truyền dạy cho hàng trăm học trò cách thức diễn xướng sáo Mông, đàn môi và chế tác khèn Mông.

Cùng với nghệ thuật diễn xướng, chế tác khèn Mông, toàn tỉnh hiện có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, cơ quan chức năng đã tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể 7 loại hình (tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian).

Đặc biệt, đối với các lễ hội truyền thống, xác định đây là nét độc đáo của từng dân tộc, những năm qua, với sự quan tâm của các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức, phục dựng. Toàn tỉnh hiện có hơn 40 lễ hội truyền thống, trong đó hơn 20 lễ hội được tổ chức thường xuyên và hàng chục lễ hội được phục dựng, như: Lễ hội Đền Hoàng Công Chất; lễ mừng nhà mới của người Thái đen; lễ cưới truyền thống của người Xạ Phang; Lễ hội Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì; Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Nà Bủng…

Nỗ lực bảo tồn và phát huy

Đánh giá kết quả sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU năm 2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc đã làm phong phú sản phẩm du lịch, định vị hình ảnh, quảng bá thương hiệu du lịch, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Xác định giữ gìn, phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều hoạt động thiết thực để gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Nhất là việc ban hành các chương trình, hành động liên quan đến công tác phát triển văn hóa, như: Nghị quyết số 11-NQ/TU về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 24/NQ-HĐND về Đề án “Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”; Kế hoạch của UBND tỉnh về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030...

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/213033/tran-trong-gin-giu-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-dan-toc