Tràn lan rau quả Trung Quốc nhập lậu dịp gần Tết

(Baonghean) - Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển rau củ nhập lậu, không có nguồn gốc vào Nghệ An tiêu thụ. Điều này càng làm cho người tiêu dùng lo lắng về thực phẩm hàng ngày.

Nhiều lô hàng nhập lậu từ Trung Quốc

Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nhất là các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm. Tại chợ đầu mối, TP. Vinh, Đội QLTT số 3 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An liên tục phát hiện các xe tải chở cải thảo, bắp cải, củ cà rốt... vào tiêu thụ, hầu hết đến từ các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Thái Bình. Cá biệt có những chuyến hàng được xác định nhập lậu từ Trung Quốc. Trong ngày 15/11, lực lượng phát hiện 2 vụ việc: Xe tải mang BKS 17C-05245 do ông Đinh Văn Hiếu trú tại xã Quỳnh Trang, Quỳnh Phụ, Thái Bình điều khiển đang dừng bốc dỡ hàng nhập lậu tại chợ đầu mối TP. Vinh. Qua kiểm tra, Đội quản lý thị trường số 3 phát hiện trên xe tải chở 860 kg bắp cải, 780kg cải thảo, 1 tấn cà rốt không có giấy tờ hợp lệ, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trị giá lô hàng gần 30 triệu đồng.

Sau khi kiểm tra, cơ quan QLTT xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với lái xe; Cùng ngày, phát hiện xe tải BKS 34K-8725 do ông Nguyễn Đình Pho trú tại Thạch Khôi, Hải Dương vận chuyển 100 kg cà rốt vào chợ đầu mối thành phố Vinh tiêu thụ. Đây là lô hàng nhập lậu có nguồn gốc Trung Quốc, trị giá 1,2 triệu đồng. Đội QLTT số 3 đã xử phạt hành chính lái xe 1 triệu đồng.

Xe tải chở rau quả nhập lậu từ Trung Quốc bị các lực lượng chức năng Nghệ An bắt giữ.

Trước đó, vào hồi 23h ngày 27/9, Đội QLTT Cơ động phối hợp với phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Nghệ An phát hiện và bắt giữ xe tải mang BKS 34L - 141.74 do lái xe Nguyễn Văn Quyến (trú tại thôn Qua Bộ, xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc, Hải Dương) điều khiển đang dừng bốc dỡ hàng bên lề đường. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe vận chuyển 3.000kg bắp cải và 800kg cải thảo có xuất xứ từ Trung Quốc, không có chứng nhận kiểm dịch. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15.000.000 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm nói trên theo quy định của pháp luật.

Ông Hoàng Thế Thái - phòng kế hoạch tổng hợp, Chi cục QLTT cho biết, những tháng qua, cơ quan QLTT cùng lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý gần 10 vụ liên quan đến rau củ nhập lậu. Tất cả số hàng vi phạm đã được cơ quan chức năng tiêu hủy ngay tại chỗ theo quy định của pháp luật. Hiện nay, lượng rau củ quả nhập về các cửa khẩu, cảng biển tăng trong hai tháng cuối năm. Điều đáng lo ngại là chất lượng của số rau củ này là không đảm bảo, không được kiểm định. Trong khi đó, việc kiểm tra lấy mẫu xử lý gặp nhiều khó khăn.

Khi nghi ngờ, muốn xử lý phải lấy mẫu phân tích, theo quy trình phải sau 12 ngày mới có kết quả. Nếu số rau củ vi phạm thì không sao, nhưng ngược lại, nếu không phát hiện ra sai phạm, lúc này số rau củ của chủ hàng sẽ bị hư hỏng, cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm...

Cần tổ chức tốt sản xuất rau an toàn nội địa

Vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là mối bận tâm của người nội trợ, của toàn xã hội. Hiện không chỉ hàng nhập lậu, mà ngay cả sản xuất trong nước, người nông dân vẫn sử dụng hóa chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục để rau, củ lớn nhanh, đẹp mắt nhằm thu lợi bất chính, làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Chị Thu Hà ở khối Yên Phúc, phường Hưng Phúc lo lắng: Đang là mùa rau nhưng có rất nhiều mặt hàng rau củ Trung Quốc bày bán tại chợ được giới thiệu là hàng Việt, là rau củ Hà Nội với giá khá rẻ. Để an toàn, tôi cũng như nhiều bà nội trợ khác không dám mua rau ở hàng buôn mà tranh thủ đi sớm để chọn những mớ rau của người dân vùng ven thành phố mang lên bán.

Tiêu hủy rau quả nhập lậu.

Theo ông Dương Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở NN&PTNT, không chỉ rau nhập lậu, hiện nay cách sản xuất và bảo quản sau thu hoạch của nông dân ta cũng có nhiều điều đáng bàn. Chính vì vậy việc áp dụng quy trình sản xuất sạch an toàn thì mới mong thu hút được người mua. Xung quanh vấn đề này, cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ để nông sản của người dân có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh.

Vậy để tự bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên làm thế nào? Nhiều ý kiến cho rằng, người dân khi mua rau lựa chọn theo hình thức bên ngoài là không khả thi bởi hiện nay bất cứ hình thức nào cũng có thể làm được. Quan trọng nhất khi lựa chọn rau củ cần quan tâm nguồn gốc trên bao bì, nhãn mác sản phẩm phải có các thông tin của nhà sản xuất, nhà cung cấp; Nên chọn rau vào vụ chính, là thời điểm cây trồng phát triển bình thường, ít bị sâu bệnh, dẫn đến số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực và phân bón ít. Người tiêu dùng không nên mua sản phẩm trôi nổi.

Về lâu dài, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức, người nông dân cần có giải pháp xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, có nhãn mác, địa chỉ cụ thể. Để đảm bảo việc phát triển sản xuất bền vững rau an toàn, khi xây dựng mô hình cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa tiêu thụ với người sản xuất. Đây là giải pháp để hàng nông sản rau củ của bà con thâm nhập thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu. Như vậy, người tiêu dùng mới tin tưởng, lựa chọn sản phẩm an toàn cho bữa cơm gia đình.

Việt Phương

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/kinh-te/201611/tra-lan-rau-qua-trung-quoc-nhap-lau-dip-gan-tet-2758721/