Trận đánh khủng khiếp ở hồ băng thời Thế chiến I

Con số thương vong của Nga trong trận đánh đẫm máu thời Thế chiến I này là 56.000 người. Tổn thất của phía Đức tương đối nhỏ.

Ngày 7/2/1915, giữa cơn bão tuyết dày đặc, Tập đoàn quân số 8 của Đức do Tướng Fritz von Below thống lĩnh đã thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ vào tiền tuyến của Nga ở phía bắc Hồ Masurian ở Mặt trận phía Đông, bắt đầu trận chiến Mùa đông ở hồ Masurian trong Thế chiến I.

Trước đó ở khu vực hồ Masurian, gần các làng Frogenau và Tannenberg tại Đông Phổ, một trận chiến đã diễn ra vào tháng 9/1914 và kết thúc với thất bại của người Nga trước quân Đức dưới quyền Erich Ludendorff.

Trận chiến này đánh dấu khởi đầu của chiến lược xâm lăng nhắm vào quân Nga do Tổng tư lệnh Paul von Hindenburg đề xuất, nhằm loại Nga ra khỏi cuộc chiến và tập trung cuộc đối đầu với Anh và Pháp ở phía Tây.

Chiến lược của Hindenburg cần hai đội quân, là Tập đoàn quân số 8 và số 10, đến triển khai ở Đông Phổ nhằm chống lại Tập đoàn quân số 10 của Nga, do tướng Thadeus von Sievers chỉ huy, bao gồm bốn quân đoàn đóng ở phía Bắc hồ Masurian.

Ngày 7/2/1915, Tập đoàn quân số 8 dưới quyền Below đã tấn công cánh trái của Nga trong cơn bão tuyết và nhanh chóng chiếm thế thượng phong, dễ dàng tiến vào vị trí quân Nga từ phía Nam.

Sang ngày thứ hai, Tướng Hermann von Eichorn và Tập đoàn quân số 10 tấn công quân Nga từ phía Bắc, hoàn toàn áp đảo và gần như bao vây hết đoàn quân của Sievers vốn khi ấy đã phải rút lui vào rừng Augustow.

Đối mặt với kẻ thù cực mạnh, Quân đoàn 20 của Nga đã cố gắng kìm hãm bước tiến của quân Đức trong hơn hai tuần, đủ để ba quân đoàn còn lại của Nga thoái lui. Vào ngày 21/2/1915, Quân đoàn 20 đầu hàng quân Đức, trận chiến Mùa đông ở hồ Masurian kết thúc.

Con số thương vong của Nga trong trận này là 56.000 người, chưa kể hơn 100.000 người đã bị bắt làm tù binh. Tổn thất của phía Đức tương đối nhỏ, mặc dù họ đã gặp nhiều khó khăn khi phải chiến đấu trong điều kiện thời tiết băng giá.

Với chiến thắng này, Đức đã tiến sâu vào đất Nga hơn 70 dặm. Tuy nhiên, đường tiến quân về phía Đông của Đức bị chặn lại khi Tập đoàn quân số 12 của Nga tấn công cánh phải của Đức vào ngày 22/2/1916.

Rốt cuộc, ý đồ của Tổng tư lệnh Paul von Hindenburg đã không thành, và chiến thắng tại Hồ Masurian của Đức chỉ có rất ít tác động chiến lược lên tình hình mặt trận phía Đông.

Mời quý độc giả xem video: Bảo tàng Đức mất đồng xu lớn nhất thế giới | VTV.

T.B (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/tran-danh-khung-khiep-o-ho-bang-thoi-the-chien-i-1619302.html