Trận chiến cuối cùng ở vùng sâu Hương Thủy - Bài 1: Kế hoạch tác chiến chu đáo

Cuối hè năm nay, cùng các cựu chiến binh (CCB) từng gắn bó với xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy), chúng tôi trở lại thăm đền Văn Thánh, nơi lưu giữ sự kiện trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được công nhận là 'Di tích lịch sử của tỉnh Thừa Thiên Huế'.

Đền Văn Thánh xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy). Ảnh: B. Phước

Theo các CCB và những người tham gia kháng chiến trong những năm chiến tranh, nhờ có hệ thống hầm bí mật được bố trí ở những vị trí bất ngờ, lại nằm giữa cánh đồng ruộng sâu mênh mông (để quan sát, tiện ẩn nấp) nên đền Văn Thánh trở thành cơ sở nuôi giấu, che chở cho nhiều cán bộ lãnh đạo của huyện xuống nằm vùng, bám trụ trực tiếp chỉ đạo phong trào.

Trước lúc kết thúc chiến tranh, chính đền Văn Thánh là nơi duyệt xét cuối cùng trước khi ta mở chiến dịch đợt I của cuộc tổng tấn công xuân 1975 ở Khu 3 Hương Thủy.

Ông Nguyễn Viết Giám, nguyên Tổ trưởng Du kích hợp pháp Thủy Thanh cho biết: Đêm 8/3/1975, dưới sự chủ trì của ông Lê Quý Cầu, Q. Bí thư Huyện ủy; Lê Hữu Tòng, Huyện đội trưởng; bà Đặng Thị Ni, Huyện ủy viên, Bí thư xã Thủy Thanh… Ban chỉ đạo chiến dịch Khu 3 Hương Thủy đã họp ở đây. Nhiệm vụ của tổ chúng tôi là cảnh giới và bảo vệ cuộc họp của Ban chỉ đạo Khu 3 Hương Thủy. Đêm đó tôi ở vòng trong, còn Tổ phó Nguyễn Quang Nghiêm và Tổ viên Trần Duy Hậu ở vòng ngoài, chủ yếu là đề phòng “lính Nghĩa quân” ở đồn Thanh Thủy Chánh tuần tra, phát hiện.

Sau thắng lợi ở chiến trường Nam bộ, nổi bật là tỉnh Phước Long hoàn toàn được giải phóng, tháng 01/1975, Bộ Chính trị họp (mở rộng) và đã khẳng định lần cuối “Quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976” và còn dự kiến “Nếu thời cơ đến vào đầu năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ của năm 1975 là “Tiến hành tổng công kích và khởi nghĩa, phá hẳn thế phân tuyến, cắt giao thông và đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của địch, giành dân, giành quyền làm chủ ở nông thôn, đồng bằng, nếu có thời cơ đột xuất thì kiên quyết và táo bạo chuyển phong trào lên một bước nhảy vọt giành thắng lợi to lớn”.

Sau khi kế hoạch được phê chuẩn, ngày 28/2/1975, Tỉnh ủy đánh giá lần cuối về công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng. Đồng thời, quyết định thành lập các ban chỉ đạo ở các huyện và hội đồng phục vụ tiền phương.

Chiến dịch mùa xuân 1975 ở Thừa Thiên Huế chia làm 2 đợt.

Đợt I, từ ngày 5-17/3, thực hiện tiến công theo “kế hoạch cơ bản”. Đợt II, từ ngày 18-26/3, thực hiện tiến công và nổi dậy theo "kế hoạch thời cơ”.

Theo ghi chép của ông Lê Sáu, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Ban chỉ đạo vùng Phú Thứ - Phú Vang và Khu 3 Hương Thủy gồm các ông: Dương Quang Đấu, Tỉnh ủy viên, Tỉnh đội trưởng kiêm Thành đội trưởng Huế; Ngô Văn Dũng, Chính trị phó Tỉnh đội; Lê Viết Phong, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Mân (Hòa), Phó ty An ninh, do ông Lê Hùng Vinh - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Thường trực UBNDCM Thừa Thiên Huế làm Trưởng ban. Do xác định tầm quan trọng của mặt trận phía Nam, Quân khu ủy Trị Thiên đã cử Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng trực tiếp chỉ đạo.

Thực hiện kế hoạch của đợt I, ngày 8/3/1975, các lực lượng vũ trang địa phương và cán bộ chỉ đạo của Phú Vang, Hương Thủy đã xuất hiện ở Phú Hồ, Vinh Thái, Thủy Thanh, Thủy Châu… chờ lệnh nổ súng.

Về kế hoạch triển khai cuộc tấn công đợt I, ông Lê Hữu Tòng cho biết, khi họp, tôi đề xuất với Ban chỉ đạo Khu 3 Hương Thủy “xin được đánh đồn Thanh Thủy Chánh vì sau khi trinh sát, C3 hiện đang áp mục tiêu, chờ lệnh”. Sau khi nghe tôi trình bày, đồng chí Lê Quý Cầu phân tích “nếu lực lượng vũ trang tấn công các đồn xung quanh, Nhân dân nổi dậy thì cái đồn Thanh Thủy Chánh này không đánh nó cũng bỏ chạy”.

Chấp hành ý kiến của Trưởng ban chỉ đạo Khu 3 Hương Thủy, đêm đó, Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng đã trao đổi với Đại đội trưởng của C3 là ông Hoàng Trọng Đinh (quê Thủy Biều, Huế) chuyển mục tiêu, khẩn trương triển khai đội hình thực hiện theo kế hoạch B.

Sau khi nhắc lại giờ và hiệu lệnh tấn công, Lê Hữu Tòng rút về Lang Xá Bàu chỉ huy chung; lúc này Đại đội 1 (C10 do Thiếu úy Đại đội trưởng Bùi Hòa (quê Thạch Thành, Thanh Hóa) áp sát thôn Chánh Đông, xã Thủy Châu chờ hiệu lệnh.

Háo hức vào cuộc, Ban chỉ đạo Khu 3 Hương Thủy đau đớn nhận tin: Bí thư Thủy Thanh hy sinh!

Ông Nguyễn Viết Giám kể lại:

- Họp xong, từ đền Văn Thánh tôi dẫn đường cho chị Đặng Thi Ni. Nào ngờ, khi chị Ni vừa chạm bờ “hói tiền làng” thì ở bên này tôi nghe tiếng súng nổ.

Chị Ni bị địch phục kích, hy sinh tại chỗ!

Theo y ước, đúng 5 giờ kém 15 phút ngày 9/3/1975, từ Sở chỉ huy ở Lăng Xá Bàu tiếng súng vang lên.

Nghe hiệu lệnh, theo phân công, các trung đội của C3 tiến đánh các đồn: Lăng Xá Cồn, Vân Thê, Nhất Đông; các trung đội của C1 tiến vào làng Chánh Đông tấn công Trung đội Địa phương quân đồn trú ở đây. Phía Phú Vang, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tỉnh đội trưởng Dương Quang Đấu tiếng súng đồng loạt vang lên.

Một vùng rộng lớn của nông thôn Phú Vang - Hương Thủy được giải phóng.

Ghi nhận thành tích của đợt tấn công này, Lịch sử đảng bộ xã Thủy Thanh cho biết:

- Từ ngày 8-12/3/1975 đã tiêu diệt, làm tan rã 3 trung đội “Nghĩa quân”, thu nhiều súng, vũ khí và đánh phản kích với 1 tiểu đoàn Dù của ngụy, ta đã tiêu diệt hàng chục tên, trong đó có tên thiếu tá tiểu đoàn phó tại am Bông, làng Lang Xá Bàu.

(còn nữa)

Bài 2: Mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng

Phạm Hữu Thu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/tran-chien-cuoi-cung-o-vung-sau-huong-thuy-bai-1-ke-hoach-tac-chien-chu-dao-131235.html