Trần Bá Giao bình thơ

Trần Bá Giao vốn là thầy giáo dạy văn trung học. Ông viết bình thơ đã lâu nhưng đăng dày hơn có lẽ từ khi ông về hưu. Bây giờ thơ nhiều và bài bình cũng nhiều, người yêu thơ cũng không đọc xuể. Nhưng với tôi, thấy bài của Trần Bá Giao tôi đều giữ đọc. Thì cả đời chăm chút bình thơ cho học trò nghe, nay hầu chuyện thơ người thiên hạ, hẳn là ông giáo Giao có nhiều sâu sắc, tinh tế, tinh xảo.

Dạo này thấy có nhiều bài bình thơ đăng lên báo, in thành sách. Tôi thích đọc thể loại này. Đó là những ý kiến ngắn gọn, phát hiện vẻ đẹp ẩn giấu trong bài thơ. Có bài thơ đọc đã lâu, đọc nhiều lần, cũng chỉ thấy vậy vậy. Ngẫu nhiên đọc bài bình thơ thì bài thơ hiện ra với dáng vẻ khác. Được lời bình phát hiện, thuyết phục thì nhớ mãi. Nhớ suốt đời.

Bạn đọc yêu văn phê bình của Hoài Thanh là yêu từ cái tài bình thơ của ông. Nhiều lúc chỉ như một câu nói xen vào bài phê bình nhưng thật sự là một phát hiện làm sáng lên một sáng tạo của nhà thơ, tạo cho người thưởng thức một nhận thức nghệ thuật, một cảm xúc, một nghĩ ngợi việc đời sâu sắc hơn và tinh tế hơn.

Thầy Trần Bá Giao (bên trái) và học trò cũ.

Hoài Thanh nhận định nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều: “Là người của trời đất của bốn phương”, ông dẫn hai câu “Trông vời trời bể mênh mang/ Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong” và như tiện bút, điểm thêm một nhận xét nhỏ: “Cái hình ảnh của con người thanh gươm yên ngựa tưởng như che đầy cả trời đất mênh mang”. Chính cái nhận xét nhỏ này đã cho thấy sức cảm thụ lớn của Hoài Thanh. Những kinh nghiệm này ít được nói tới trong các giáo trình lí luận văn học. Khó mà khái quát được những nét tinh tế của bút pháp, của kiểu nghĩ mà nâng thành lí luận. Nhưng nó lại là đóng góp đặc sắc của những cây bút bình thơ. Thấy được vẻ đẹp của thơ cũng là một thứ cảm hứng trời cho. Hay nói một cách khoa học" hơn là những thứ lí luận sách vở nhờ học mà có, và nó phải được nhuyễn trong anh thành một bản năng cảm thụ.

Đọc bình thơ của Trần Bá Giao tôi cũng từng có nhiều chỗ tâm đắc, thích thú. Một kiểu thích thú lặng thầm, tri kỉ. Có gặp anh, tôi cũng ít khi nói ra. Người ta khen nhau một bài thơ, một cái truyện. Mấy khi ầm ỹ khen nhau bài bình thơ. Xuân Diệu, thuở sinh thời, trong chỗ riêng tư, ông bảo tôi: “Bình thơ là đi che lọng cho thiên hạ. Em phải chọn mặt mà che. Anh là anh chọn các cụ cổ điển. Em nên chọn đám Thơ Mới. Bây giờ họ chưa in, nhưng sau rồi người ta sẽ in”.

Tôi thấy ông có lí. Mà cũng tội nghiệp. Nhưng tôi không làm theo ông được. Cứ thích là tôi viết. Cả ca dao, cả thơ cổ điển, thơ mới cũng nhiều, nhiều hơn là thơ từ hai cuộc kháng chiến và thơ bây giờ. Tác giả chuyên nghiệp đã đành mà gặp bài ưng ý của những người không chuyên lại càng hào hứng. Tôi thấy anh Trần Bá Giao cũng không có ý định chọn tác giả mà chủ yếu là chọn bài. Chọn theo quan niệm thẩm mỹ của mình hoặc thấy trong lòng có điều cần nói, có phát hiện cần trao đổi.

Anh chọn bài “Giữa thiên đàng” của nhà thơ nữ người Nga Marina Tsvetaeva vì anh bắt được ý thơ chính trong bài,bản dịch Hồng Thanh Quang: “Ký ức trên vai đè quá nặng/ Giữa thiên đàng em khóc tiếc trần gian”.

Trọng lượng của ký ức quả là quá lớn, đến mức được lên thiên đàng rồi, ở cõi hạnh phúc vĩnh cửu rồi, người phụ nữ này vẫn khóc nhớ trần gian. Ý thơ ấy thành tứ của bài thơ ca ngợi tình yêu, dù trong khổ ải, của cõi người. Phát hiện ra một kiểu cấu tứ, một tư thế phát ngôn cho tình yêu trong bài thơ cụ thể này, quả là Trần Bá Giao đã đưa người đọc lọt vào được cốt lõi thi vị của bài thơ.Điều thú vị là tứ thơ ấy đã mang dấu vết đặc hiệu của thời hiện đại. Thời trung cổ ca ngợi tình yêu chưa thể có tứ thơ ấy.

Thầy Trần Bá Giao với bạn văn trong ngày thơ Việt Nam.

Đọc bài “Thuyền và biển”, Xuân Quỳnh viết lúc còn trẻ, khi mới bước vào thơ, Trần Bá Giao nhanh chóng lướt qua các câu thơ thừa thãi, dù rất nồng cảm xúc, có tính kể chuyện để nhận ra phần trữ tình tinh túy của bài thơ, chính là phần mà nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã dùng làm ca từ cho bản nhạc phổ thơ của ông (12 trong 30 câu). Đọc như thế là tinh. Và lời bình Trần Bá Giao đã khen được cả nhà thơ lẫn nhạc sỹ rất thấu tình đạt lý: “Phan Huỳnh Điểu bằng cảm quan nghệ thuật của mình đã phổ nhạc đúng với sự sâu lắng trữ tình của bài thơ, còn làm cho người đọc người nghe yêu quý bài thơ”.

Về bài “Vào thu” đăng báo trong năm 2013 khi ấy tác giả của nó, nhà giáo Nguyễn Đình Minh, chưa có đông độc giả như bây giờ, Trần Bá Giao đã chọn đúng được bài thơ trội, có chất thơ tinh tế để bình. Ông nhận ra đề tài này nhiều nhà thơ đã viết nhưng câu thơ của Nguyễn Đình Minh vẫn có sức gợi riêng. Ông còn trích ra được câu thơ kết rất dư ba, đóng bài nhưng lại mở ra một không gian xao xuyến như một hơi thơ cổ điển “Tiếng gọi đò khuya lay thức cả đôi bờ”.

Ở bài “Tình yêu và tuyết” của Phạm Đức, Trần Bá Giao phát hiện ra cách cấu tứ sáng tạo, gọn, rõ, ôm chứa được nhiều biểu hiện ngỡ như trái khoáy của tình yêu: tuyết tinh khiết xao xuyến... nhiều phẩm chất giống như tình yêu lắm, chỉ khác: “Khi ta nâng bông tuyết/ Tuyết tan liền trên tay”. Nhân ý nghĩa của tứ thơ, người bình Trần Bá Giao lưu ý một “công dụng" của bài thơ này mà bạn đọc nên khai thác: “Bài thơ "Tình yêu và tuyết" là một bài thơ hay khi nói về tình yêu, giúp cho mọi người tỉnh táo và sâu sắc hơn trong mối quan hệ yêu đương”. Ý bình này hơi thật thà nhưng nó ý vị là ở chỗ: các bậc “trưởng lão” thương tích đầy mình, thì thào khuyên nhau kinh nghiệm ái tình (!) .

Nhà giáo Phạm Trọng Thanh đứng trên bục giảng đến ngày hưu. Ông song song dạy học và làm thơ, thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã lâu, Và cũng đã lâu, ông là cây bút thơ chủ lực của Hội Văn nghệ Nam Định quê tôi. Tôi thấy Trần Bá Giao chọn bài thơ “Dắt nhau đi bộ”, tả hai cụ “dắt nhau đi bộ tuổi già / Anh và em cũng là ta với mình” thâu tóm được cả tâm lý tuổi lão thực, lẫn nền nếp nhà giáo và nhất là đặc tính trữ tình cá thể của hồn thơ Phạm Trọng Thanh

Tôi tự biết cứ đà này, tôi dễ sa đà vào việc bình những lời bình của Trần Bá Giao nên xin dừng ở đây để được “thì thào khuyên” ông, như hai ông mê tình, thương tích đầy mình trên kia khuyên nhau, là ông không nên để những phát hiện của mình bị tan lẫn vào những lời bình có tính diễn giải bằng phẳng, đủ cả nội dung bài thơ mà nên tập trung bút lực, làm gồ lên những phát hiện của chính ông. Người đọc sẽ thấy nhanh hơn ý ông và do vậy mà cảm thụ cũng nhanh hơn, đầy đủ hơn vẻ đặc sắc của bài thơ.

Trần Bá Giao vốn là thầy giáo dạy văn trung học. Ông viết bình thơ đã lâu nhưng đăng dày hơn có lẽ từ khi ông về hưu. Bây giờ thơ nhiều và bài bình cũng nhiều, người yêu thơ cũng không đọc xuể. Nhưng với tôi, thấy bài của Trần Bá Giao tôi đều giữ đọc. Thì cả đời chăm chút bình thơ cho học trò nghe, nay hầu chuyện thơ người thiên hạ, hẳn là ông giáo Giao có nhiều sâu sắc, tinh tế, tinh xảo.

Ngay trong khâu chọn bài, ông đã bộc lộ được cái tài nếm thơ của người trong cuộc. Nếm thôi, nếm để chọn đọc. “Nếm rượu tường đền được mấy ông”, như trong thơ “Chợ Đồng” của Nguyễn Khuyến, phiên tất niên, các cụ trong làng ra nếm rượu để mua về tế giao thừa ngoài đình. Ông Trần Bá Giao trong cơn nếm giữa chợ,thường đã chọn được thứ rượu đáng mua, đáng tế. Thích nhất là khi thấy ông chọn được bài hay của tác giả còn lạ. Nó như công phát hiện, công khẳng định. Còn bài hay của những tác giả đã quen thì tôi cứ hồi hộp sợ ông trùng vào ý người ta đã nói. Tôi có cảm giác ông rất ý thức về việc này.

Làm thầy giáo dạy văn, lại viết bình luận thơ và đôi khi đăng thơ nữa, hẳn ông đọc nhiều các sách phê bình nghiên cứu văn chương. Dễ bị ảnh hưởng thiên hạ lắm. Nhưng Trần Bá Giao đã có chủ kiến riêng, nhất quán, trong thưởng thức thơ. Biến hóa nhiều cách, thích ứng với các bút pháp khác nhau, thời đại khác nhau của tác giả tác phẩm. Ông không mắc phải cái khuyết điểm mà hiện nay nhiều cây bút bình luận văn chương mắc phải là tóm lược trở lại những điều mà người đi trước đã nói. Nhất là khi viết về những tác giả, những trào lưu quá khứ.

Trần Bá Giao bình thơ, nhưng ông lưu ý đến mạch tâm hồn tác giả, nhiều khi ông còn có ý lần mò đến diễn biến tâm lý người viết. Tri kỷ và thông cảm. Mến phục và độ lượng. Đối với các tác giả mới viết, ông cũng cẩn trọng như đối với người đã dày sự nghiệp nhưng cũng không giấu sự thân tình bè bạn. Đôi khi ông còn góp ý, sửa câu sửa chữ đối với bạn viết cùng thời.

Tôi là người bước vào văn chương bằng hành trang văn học của kiến thức học trò trung học phổ thông. Ảnh hưởng của các thầy dạy văn ngày ấy đối với đời văn của tôi là lớn lắm. Ấn tượng các thầy để lại rất sâu. Tôi còn nhớ được không khí lớp học của thầy Nguyễn Xuân Huy khi giảng “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu hay “Sơn tinh Thủy tinh” của Nguyễn Nhược Pháp hồi 1952-1953. Tôi còn giữ được quyển vở ghi hồi ấy.

Tôi nhớ mình như bừng tỉnh, kinh ngạc và đầy thích thú nhận ra sức mê đắm tài tình của chữ nghĩa, văn chương. Ngót bảy mươi năm rồi. Xa quá! Trong cái ký ức, đã bắt đầu mù mờ của tôi bây giờ, tôi vẫn như nghe được giọng nói câu cười của các thầy dạy văn tôi theo bậc học: Hoài Việt, Nguyễn Xuân Huy. Trần Lê Văn, Nguyễn Đình Phong, Nguyễn Tường Phượng, Đoàn Nồng… Tưởng nhớ và biết ơn. Thoáng chút ngậm ngùi năm tháng, dâu bể. Tôi đã đem lòng trân trọng ấy đọc các bài bình thơ yêu thơ tận tụy, chu đáo này của nhà giáo Trần Bá Giao. Đã gặp ở nơi anh những phát hiện thuyết phục và thân tình, những kiến giải có lý và cảm động. Đến đây cho tôi được gọi anh thân tình như vậy, người tri kỷ với thơ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tran-ba-giao-binh-tho-i650408/