Trăm xe khách đất Cảng bị dồn ép về một bến

Hàng trăm xe khách đang khai thác ổn định tại các bến xe Hải Phòng bị 'ép' về bến xe Thượng Lý gây bất bình.

Sở GTVT Hải Phòng đã có dự thảo trình UBND TP và Bộ GTVT xin sắp xếp, điều chuyển các tuyến vận tải khách cố định tại một số bến xe trong khu vực nội đô để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phù hợp với hoạt động đi lại của nhân dân.

Theo đó, sẽ điều chuyển gần 300 lốt xe đi Quảng Ninh và các tỉnh Nghệ An trở vào, từ các bến Cầu Rào, Niệm Nghĩa, Lạc Long về hoạt động tại bến xe Thượng Lý.

Bến xe Cầu Rào lúc 18h hàng ngày, các xe khách đường dài không có chiếc nào xuất bến

Theo Sở GTVT Hải Phòng, bến Cầu Rào, Niệm Nghĩa, Lạc Long có tần suất xe ra vào lớn; nhiều đơn vị kinh doanh chưa chú trọng đến công tác ATGT; công tác tuyên truyền của các ban ngành còn mang tính phong trào, chưa có hiệu quả; chế tài xử lý về ATGT chưa đủ răn đe....

Do vậy, để bến xe Cầu Rào, Niệm Nghĩa và Lạc Long nằm trong nội đô TP sẽ nguy cơ ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm.

Sở dự kiến sẽ chuyển 144 xe (tương đương gần 200 chuyến/ ngày) từ bến xe Cầu Rào, Niệm Nghĩa, Lạc Long về bến xe Thượng Lý.

Nhà xe phản ứng

Dự kiến điều chuyển của Sở GTVT Hải Phòng đang vấp phải sự phản ứng của các bến xe và nhà xe đi các tỉnh từ Nghệ An vào phía nam đang khai thác tại bến Cầu Rào.

Các DN có tên trong danh sách điều chuyển đã có đơn gửi Sở GTVT, UBND TP Hải Phòng, Bộ GTVT....

Ông Trần Mạnh Hùng, PGĐ công ty cổ phần dầu khí Trường Anh, đại diện nhà xe Quốc Tuấn kiến nghị: “Công ty chúng tôi đã khai thác lâu năm tại bến xe Cầu Rào, đầu tư gần 35 tỷ đồng để mua 9 đầu xe giường nằm chạy tuyến Hải Phòng - Nghệ An, Hà Tĩnh.

Do đó, chúng tôi cùng các nhà xe chạy chung tuyến không chấp nhận phương án điều chuyển của sở GTVT Hải Phòng".

Ông Hùng lập luận, chúng tôi hoàn toàn không đi xuyên tâm thành phố. Giờ xuất phát và giờ về bến không phải là giờ cao điểm mà là sau 20h tối và trước 5h sáng hàng ngày. Xe ra khỏi bến là tiếp cận ngay với QL5, QL10 rồi vào QL1 thì không thể nói chúng tôi đang gây mất ATGT đô thị được.

"Việc điều chuyển sẽ đẩy chúng tôi vào nguy cơ phải bán xe, đối mặt với khoản vay ngân hàng nhiều tỷ đồng không thể chi trả” - ông Hùng nói.

Bến xe Cầu Rào và Niệm Nghĩa hiện chỉ mới khai thác gần 30% công suất.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Sang, đại diện nhà xe Thanh Sang chạy tuyến Hải Phòng - Quảng Bình cho rằng việc điều chuyển xe khách chạy các tuyến Nghệ An trở vào là có dấu hiệu bất thường, không hợp cả tình lẫn lý.

Ông Sang cho biết: Bến xe Cầu Rào có vị trí gần nhất với các trường ĐH Hàng Hải, ĐH Y dược Hải Phòng, các trường CĐ và các khu dân cư, quân đội, cảng biển, công nghiệp tập trung nhiều dân gốc từ các tỉnh từ Nghệ An và các tỉnh phía Nam sinh sống, học tập, làm việc.

Quy hoạch ngược?

“Không phải ngẫu nhiên mà các nhà xe chạy tuyến này lại đều tập trung mở lốt tại bến xe Cầu Rào. Việc này là nhằm rút ngắn khoảng cách đi lại, hạn chế chi phí cho người dân khi tham gia giao thông. Bây giờ chuyển các nhà xe này về Thượng Lý khác gì quy hoạch ngược.

Người dân lại phải mất thêm tiền để đi ngược về đó và vô hình trung sẽ phát sinh phương tiện cá nhân, taxi, xe ôm và xe trung chuyển. Điều này mới là nguyên nhân gây thêm ách tắc giao thông nếu dự thảo trên được thực hiện”, ông Đỗ Văn Toán, trưởng bến xe Cầu Rào lập luận.

Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch HĐQT công ty CP Bến xe Hải Phòng Lại Anh Dũng cho biết: Việc điều chuyển khách hàng của đơn vị này về cho đơn vị khác là điều không hợp lý.

Các bến xe Cầu Rào và Niệm Nghĩa hiện vẫn đang mời chào các nhà xe vào khai thác bởi sức chứa còn trống đến 2/3 diện tích theo quy hoạch. Riêng các tuyến xe đang phản đối quy hoạch là có căn cứ vì họ không nằm trong mục đích chính của dự thảo.

"UBND TP Hải Phòng cũng nên thận trọng xem xét, tránh gây thiệt hại cho DN” - ông Dũng đề xuất.

Nguyễn Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/tram-xe-khach-dat-cang-bi-don-ep-ve-mot-ben-393501.html