Trầm trồ trước nét đẹp Tòa Thánh Tây Ninh

Nếu ai đã có dịp đặt chân đến tham quan Tòa Thánh Tây Ninh cũng đều phải trầm trồ và ngỡ ngàng trước lối kiến trúc độc đáo tọa lạc trên đường Phạm Hộ Pháp, Thị trấn Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.

Nếu như những công trình lớn đều cần có kiến trúc sư thiết kế, xây dựng theo bản vẽ, Tòa Thánh Tây Ninh được Giáo chủ Phạm Công Tắc (Đức Hộ pháp) xây dựng không dựa trên bất kỳ giấy tờ, hình vẽ nào. Tất cả hoàn toàn dựa vào người lao động, người thợ nghĩ đến đâu làm đến đó. Chuyên đề Xuân 2024 giới thiệu một số góc nhìn du lịch từ công trình tín ngưỡng này.

Tòa Thánh Tây Ninh ngày khởi công được đánh dấu là 16/3/1927. Tuy nhiên vì nhiều lý do, mãi đến năm 1931, công trình mới chính thức được động thổ và được khởi công năm 1933.

Sau 3 lần xây dựng dở dang vì nhiều lý do, ngày 14/2/1936 ông Phạm Công Tắc - Giáo chủ đạo Cao Đài - đứng ra trực tiếp chỉ huy công trình. Lần xây dựng thứ 4 này đã huy động 500 tín đồ nam, nữ lập đàn tuyên thệ giữ tịnh khiết suốt thời gian trực tiếp tham gia xây dựng. Những tín đồ này phải thề không lấy chồng, lấy vợ. Công trình được hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành.

Tòa Thánh Tây Ninh được phác họa thành 3 phần: Bát Quái đài, Cửu Trùng đài và Hiệp Thiên đài. Cả 3 tòa kiến trúc này dính liền với nhau tạo thành Tòa Thánh, có chiều ngang 27 mét và chiều dài 135 mét, rộng hơn 2.000 m2 được xây dựng trên tổng diện tích khuôn viên khoảng gần 12km2.

Trong suốt thời gian xây dựng Tòa Thánh, tất cả các công đoạn đều làm bằng tay và không dựa trên bất kỳ giấy tờ, hình vẽ nào mà hoàn toàn dựa vào người lao động. Điều lạ là, rất nhiều người là nông dân chưa từng học qua trường lớp mỹ thuật nào, họ cũng không vẽ trước bản kiến trúc mà xây dựng theo sự hướng dẫn của cơ bút mà vẫn tạo tác thành công hàng chục ngàn họa tiết điêu khắc, hàng chục bức tượng đạt trình độ mỹ thuật cao.

Bát quái đài là khu vực nằm ở phía cuối của Đền Thánh, là phần đuôi của Long Mã hướng thẳng về phía Đông. Bát quái đài có phần mái được sơn màu vàng, có 8 cột trụ rồng xếp thành hình Bát Quái. Ở giữa là quả Càn Khôn với đường kính 3,3m. Đây cũng chính là phần đặc biệt của Tòa Thánh so với các thánh thất khác của đạo Cao Đài.

Với du khách phương xa, đến viếng thăm Tòa Thánh Tây Ninh cũng đều trầm trồ và ngỡ ngàng trước lối kiến trúc độc đáo.

Mặt chính của Tòa Thánh với hàng ngàn họa tiết điêu khắc, hàng chục bức tượng thể hiện sự trang nghiêm

Mai Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tram-tro-truoc-net-dep-toa-thanh-tay-ninh-post503733.html