Trạm Tấu tăng cường bảo vệ rừng mùa khô

Là huyện vùng cao, Trạm Tấu có diện tích tự nhiên lớn, trong đó diện tích có rừng chiếm 61,3%. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng luôn được các cấp, ngành, đoàn thể quan tâm chú trọng, nhất là thời điểm mùa khô hiện nay.

Ban Chỉ đạo chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Trạm Tấu kiểm tra công tác QLBVR - PCCCR tại thôn Tà Chử, xã Bản Công.

Trạm Tấu có địa hình phức tạp, giáp ranh nhiều huyện, xã của tỉnh Yên Bái và tỉnh Sơn La, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn vẫn diễn ra.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn luôn được các cấp, ngành, đoàn thể quan tâm chú trọng, nhất là thời điểm mùa khô hiện nay.

>> Trạm Tấu phát hiện 17 vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng

Theo ông Đào Công Trình - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trong niên vụ khô hanh 2023-2024, Ban Quản lý đã nghiêm túc thực hiện phương án PCCCR của huyện, phương án của chủ rừng đã đề ra, đồng thời phối hợp với Hạt Kiểm lâm, UBND các xã và 55 chủ hợp đồng tích cực kiểm tra diện tích rừng đã khoán, tuyên truyền bảo vệ rừng tới 6.172 hộ nhận khoán tại các thôn nhằm nâng cao công tác phòng cháy rừng, đặc biệt trong các ngày nắng.

Tại các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao như: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Túc Đán, Làng Nhì, Tà Xi Láng... đều có cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với UBND xã, các chủ hợp đồng duy trì trực 24/24 giờ tại những điểm xung yếu.

Đối với các hộ nhận khoán rừng, ông Trình cho biết: "Đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền các xã kiên quyết xử phạt, buộc khắc phục hậu quả đối với các hộ vi phạm, đồng thời đưa hộ vi phạm ra khỏi danh sách nhận khoán bảo vệ rừng 2 năm và chỉ được tham gia trở lại khi có sự đồng thuận của cả cộng đồng thông qua các buổi họp thôn và được UBND xã xác nhận”.

Cùng với bảo vệ diện tích rừng hiện có, Trạm Tấu cũng tập trung chăm sóc trên 554 ha rừng trồng đang trong thời gian kiến thiết cơ bản theo phương án quản lý rừng bền vững. Các địa phương đã chủ động rà soát nương rẫy, bãi chăn thả trong quy hoạch được giao quản lý để thống nhất xây dựng kế hoạch trồng rừng năm 2024 (dự kiến 250 ha) tại các xã: Bản Mù 35,64 ha, Bản Công 12 ha, Xà Hồ 24,13 ha, Túc Đán 178,23 ha.

Ban quản lý hiện tiếp tục khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 1.573 ha và tiến hành làm giàu rừng bằng các loại cây gỗ quý, nguồn gốc bản địa như: pơ mu, re hương, dổi xanh, tô hạp và trồng thử nghiệm cây gù hương, cây gió bầu... góp phần nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng.

Huyện Trạm Tấu có gần 45.780 ha đất có rừng (trong đó rừng phòng hộ trên 33.938 ha, rừng sản xuất 11.841 ha), 35.477,02 ha rừng tự nhiên, trên 10.300 ha rừng trồng, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp gần 16.000 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 61,3%.

Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Trạm Tấu cho biết, niên vụ 2022-2023, toàn huyện đã trồng mới 318/250 ha, vượt 27,2% so với kế hoạch giao. Chất lượng các công trình chăm sóc rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và trồng rừng mới được thực hiện đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, mật độ cây tái sinh và sinh trưởng tốt.

Trong công tác PCCCR, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững huyện, điều chỉnh, bổ sung phương án bảo vệ rừng, PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện , trang thiết bị, dụng cụ tại chỗ, hậu cần tại chỗ); kiện toàn 12 Ban chỉ đạo cấp xã, thành lập 12 tổ cơ động bảo vệ rừng tại các xã, thị trấn với 252 thành viên. Các thôn bản cũng đã thành lập 55 tổ đội bảo vệ rừng PCCCR với tổng số 636 người. Cả 55 thôn đều ký cam kết QLBVR, PCCCR.

>> Cả bản cùng giữ rừng

Trong niên vụ qua, mặc dù đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ các cấp, ngành và sự vào cuộc quyết liệt của các xã trong công tác PCCCR song do điều kiện khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, khô hanh nắng nóng kèm theo gió lào thổi mạnh cộng thêm ý thức bất cẩn của một số người dân nên trong niên vụ 2022-2023 trên địa bàn huyện vẫn xảy ra 6 vụ cháy rừng làm thiệt hại 6,3 ha rừng trồng phòng hộ và rừng sản xuất.

Cùng đó, Hạt Kiểm lâm đã xử lý 24 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 19 vụ. Các xã, thị trấn xử lý 41 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 vụ.

Những vụ việc trên được Ban Chỉ đạo đánh giá xuất phát từ những khó khăn, hạn chế như: tại một số khu vực giáp ranh giữa các xã còn xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai, xâm canh, xâm cư gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp; nhân dân sinh sống trên địa bàn huyện chủ yếu là đồng bào Mông, đời sống phụ thuộc nhiều vào rừng, vẫn còn tình trạng nhỏ lẻ người dân lợi dụng sơ hở khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; thiếu ý thức trong việc sử dụng lửa đốt nương làm rẫy, đốt bãi chăn thả gia súc gây cháy lan vào rừng...

Rút kinh nghiệm từ mùa khô 2022-2023, ông Hưng nhấn mạnh, huyện tiếp tục phương châm "Phòng là chính, chữa cháy rừng kịp thời, triệt để”; kết hợp phương án "4 tại chỗ" với "4 sẵn sàng" là: chỉ huy sẵn sàng, lực lượng sẵn sàng, phương tiện, hậu cần sẵn sàng, thông tin liên lạc sẵn sàng trong thời gian tới.

Đồng thời yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo, các ngành có liên quan và các xã, thị trấn cần thực hiện tốt việc tuyên truyền phổ biến Luật Lâm nghiệp và các nghị định kèm theo một cách thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào nội dung cụ thể bằng nhiều hình thức phong phú.

Thành viên Ban Chỉ đạo huyện tăng cường xuống cơ sở, thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các xã được giao phụ trách làm tốt công tác QLBVR, PCCCR góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; tăng cường kiểm tra việc thực hiện QLBVR, PCCCR đối với Ban chỉ đạo các xã, thị trấn; kiểm tra trách nhiệm của chủ rừng, các chủ hợp đồng nhận khoán thường xuyên và đột xuất; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực bảo vệ rừng, PCCCR cho chính quyền địa phương các xã và nhân dân.

Lực lượng chức năng đảm bảo công tác dự báo chữa cháy rừng thông qua việc theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình thời tiết để dự báo, cảnh báo cháy rừng qua các kênh thông tin đến các xã, thôn bản, các chủ rừng để bà con nhân dân biết và phòng ngừa; tiếp tục xây dựng, tu sửa hệ thống biển cấp dự báo cháy rừng, chòi canh lửa ở những vị trí xung yếu có tầm nhìn hợp lý, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống quan sát để theo dõi và thông báo tình hình cháy rừng trong mùa khô hanh trên đài truyền thanh của huyện.

Cùng đó, xây dựng bản đồ xác định các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cháy cao để có biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR; thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong QLBVR, PCCCR; nghiêm cấm việc đốt nương làm rẫy, đốt đồng cỏ, bãi chăn thả gia súc trong thời gian nắng nóng, khô hanh; thực hiện tốt việc quản lý, chi trả kinh phí từ Quỹ bảo vệ môi trường rừng của tỉnh...

Hoài Văn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/304595/tram-tau-tang-cuong-bao-ve-rung-mua-kho.aspx