Trăm năm nghề chiếu Phú Tân

Phơi lác giữa trưa nắng ven đầm Ô Loan. Ảnh: LÊ TRÂM

Xóm Chiếu ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư (huyện Tuy An) có tuổi đời trên 100 năm. Để có nguyên liệu đan chiếu, người dân phải trồng lác, rồi đến cắt lác phơi. Nếu như nắng gắt khiến lao động các ngành nghề khác sợ bao nhiêu, thì với công việc phơi lác, cái nắng đó tạo niềm vui cho người làm chiếu lớn bấy nhiêu.

Trông nắng sợ mưa

Trưa nắng như đổ lửa, bà Phan Thị Như ra khu đất trống trước nhà phơi lác. Công việc phơi lác là nắm một túm ngọn lác rồi đập mạnh phần gốc xuống đất, làm vậy để cho lá úa, lá già dưới gốc rơi ra. Thường một bó lác nặng gần bằng 7 bó lúa.

Bà Như tâm sự: Công việc phơi lác là trông nắng sợ mưa. Mỗi năm người dân xóm Chiếu thu hoạch lác 2 vụ, tháng 4 và tháng 8. Đến mùa thu hoạch, nông dân ra các cánh đồng Gò Bùn, Đồng Dỡ, Gò Giữa lội ruộng cắt lác. Cái khó trong khâu thu hoạch là cắt lác về tìm chỗ phơi khô, vì nếu để lâu bó lác đổ mồ hôi mềm nhũng. Vậy nên thu hoạch lác từng đợt, một ngày cắt 10 bó phơi khô rồi cắt đợt khác.

Theo nhiều người dân làm nghề đan chiếu, nếu lác ngấm nước mưa cọng chiếu sẽ bở rệt. Vậy nên, người làm nghề phải luôn theo dõi dự báo thời tiết; sợ nhất là những cơn mưa đám mây, tức là mưa giông bất chợt. Lác bị ngấm nước mưa thì trở màu đỏ bầm, phải bỏ công phơi liên tiếp bốn, năm nắng nữa mới khô. Bà Bùi Thị Nga cho hay: Ông bà khuyên rằng để thu hoạch lác tránh mưa thì tối đi thăm đồng, từ nhà lên cánh đồng lác Gò Giữa, Đồng Dỡ, lắng tai nghe, nếu ếch nhái kêu thì dừng cắt lác vì khi đang nắng ếch nhái kêu là chuyển trời sắp mưa.

Lác sau khi phơi khô, người dân đem nhuộm xanh, đỏ, vàng, tím. Và để giữ màu lâu hơn, khi lác ngậm màu, người làm nghề sẽ tiếp tục đem phơi nắng. Lác khô cân cho xưởng 18.000-20.000 đồng/kg. Trung bình một sào lác thu hoạch được 7 triệu đồng, chi phí các khâu hết 3 triệu đồng.

Trong xóm có người trồng 2 sào lác, phơi khô bán cho xưởng 1 sào, còn 1 sào để lại đan thủ công. Có người trồng 1 sào lác phơi khô được 30 bó, bán cho xưởng 20 bó, còn nhín lại 10 bó để trong nhà, rảnh hồi nào ngồi đan chiếu hồi đó. Người lớn truyền nghề con cháu. Đan xong, chiếu được bán cho thương lái. Thu nhập nghề đan chiếu chủ yếu lấy công làm lời, tuy nhiên người dân không bỏ nghề vì đan chiếu truyền thống không cần vốn đầu tư lớn.

Đan chiếu xong bó lại đi bỏ mối tiêu thụ. Ảnh: LÊ TRÂM

Nghề trăm năm

Sau khi lác nhuộm màu phơi khô, người dân đem đi đan chiếu. Qua lời kể của những người cao niên trong xóm, nghề đan chiếu Phú Tân ngót nghét trên 100 năm tuổi. Người dân xóm Chiếu đan 2 loại, chiếu thường là chiếu giữ màu tự nhiên, còn chiếu bông là chiếu nhuộm. Hiện một đôi chiếu bông rộng 1,5m được bán với giá 80.000 đồng, còn chiếu thường 50.000 đồng. Một ngày công đôi tức là 2 người ngồi đan được 3 đôi chiếu. Ông Nguyễn Văn Dũng, nhà ở xóm Chiếu cho hay: Đan chiếu là nghề đặc thù ở đây. Gia đình tôi 3 đời đan chiếu, ông nội rồi cha chú sau đó đến tôi. Tuy thu nhập thấp nhưng nhờ biết dành dụm, đến nay tôi đã xây được nhà lô, mua ti vi, xe máy... từ nghề này.

Ở xóm Chiếu, ngoài những người làm nghề đan chiếu thủ công truyền thống, nay một số hộ của làng nghề đã sắm máy móc làm xưởng dệt chiếu.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, những năm qua, nông dân làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Sản phẩm chiếu của làng nghề không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định…

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/297835/tram-nam-nghe-chieu-phu-tan.html