Trái tim vàng hướng về đồng đội

Trở về từ 'mưa bom bão đạn' chiến tranh, người lính bản đồ Đàm Duy Thiên tiếp tục con đường học tập, đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực y học. Hơn 40 năm qua, ông dành nhiều công sức, tâm huyết để kết nối, gặp mặt, tặng quà, giúp đỡ nhiều đồng đội có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Người lính bản đồ đa tài

Ấn tượng ban đầu của tôi về cựu chiến binh (CCB) Đàm Duy Thiên là ông luôn trân trọng, giữ gìn những kỷ vật gắn với đời lính và đồng đội. Trong câu chuyện kể về trận Xuân Lộc năm 1975, ông cho tôi xem thẻ quân nhân, giấy ra ngoài đi lại khu vực Biên Hòa-Sài Gòn-Gia Định, hình ảnh chụp chung với đồng đội và cuốn nhật ký đã úa màu thời gian.

Nhìn nét chữ đẹp như in, những bài thơ viết vội bên chiến hào, nét vẽ tài hoa của ông, nghe giọng hát sâu lắng của ông, tôi tự nhủ: Người lính này lắm tài lẻ thật. Và một trong những tài lẻ ấy đã giúp Đàm Duy Thiên góp phần vào chiến thắng trận Xuân Lộc năm 1975, giúp quân ta tiêu diệt cái gọi là “cánh cửa thép” của địch.

Vốn quê gốc xứ Nghệ, lớn lên ở Quảng Bình, từ nhỏ, cậu bé Đàm Duy Thiên đã chứng kiến quê hương bị bom Mỹ tàn phá. Với lòng căm thù giặc sục sôi, năm 1972, khi chưa đầy 16 tuổi, Thiên viết đơn xung phong nhập ngũ. Khi ấy, Thiên nặng chưa đầy 40kg, là người nhỏ nhất đơn vị. Đổi lại, Thiên có cặp mắt sáng, lanh lợi, lại có năng khiếu vẽ, viết khiến nhiều người trong đơn vị ấn tượng.

Tiến sĩ, bác sĩ Đàm Duy Thiên hướng dẫn các học viên.

Nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 341 Nguyễn Văn Thắng nhớ lại: "Khi ấy, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 266 Đỗ Văn Giai đã nói với tôi rằng: Nhìn Thiên nhỏ quắt. Nếu để huấn luyện hành quân mang vác nặng đi khoảng chục cây số chắc nó chết mất. Nói xong, anh Giai xin Thiên về Ban Tham mưu Trung đoàn để bồi dưỡng làm công tác đồ bản".

Kể từ đó, Đàm Duy Thiên được rèn luyện trở thành chiến sĩ bản đồ thực thụ. Khi cả Sư đoàn hành quân vào Nam chiến đấu, Thiên được các đồng đội ưu ái chỉ mang tư trang và giấy vẽ bản đồ. Trong trận đánh Xuân Lộc, Đàm Duy Thiên được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ tác chiến của Trung đoàn 266. Từ khảo sát thực tế, anh đã thể hiện quyết tâm chiến đấu của Trung đoàn trên tấm bản đồ từng hướng, mũi tấn công, phòng ngự của ta cũng như các chốt phòng ngự của địch một cách chính xác và chi tiết đến cấp đại đội.

Từ tấm bản đồ do anh vẽ, Ban chỉ huy Trung đoàn 266 dễ dàng xác định đúng hướng tấn công, đúng mục tiêu của các đơn vị để có những quyết định kịp thời, chính xác cho trận đánh. Ngoài ra, Đàm Duy Thiên còn vẽ bản đồ tác chiến các trận đánh Bàu Cá, Hưng Nghĩa, Dầu Giây, Hố Nai và Trảng Bom (vẽ bản đồ tác chiến khi đơn vị làm lực lượng dự bị).

Trong những ngày tháng quân ngũ, điều khiến Đàm Duy Thiên nhớ nhất là tình cảm đồng đội. Anh từng bị sốt xuất huyết, cơ thể mệt mỏi đến kiệt quệ, song luôn được đồng đội động viên, khích lệ và ưu tiên. Khi trận đánh Xuân Lộc đang diễn ra ác liệt thì chiến sĩ Nguyễn Như Lương trúng đạn, bị thương rất nặng. Đàm Duy Thiên đã hỗ trợ chăm sóc, băng bó tận tình nhưng vì vết thương quá nặng nên Nguyễn Như Lương đã ra đi trên tay anh. Điều đó khiến Đàm Duy Thiên ám ảnh (cho đến tận bây giờ) và từ đó quyết tâm theo học ngành y với tâm niệm cứu người, hỗ trợ đồng đội chữa lành vết thương chiến tranh.

Sau ngày giải phóng, Đàm Duy Thiên là một trong những chiến sĩ tiêu biểu được đơn vị chọn đưa đi học để đào tạo cán bộ lâu dài cho Quân đội. Từ một học sinh chưa học xong trung học phổ thông trước khi vào quân ngũ, nhờ sự thông minh, chăm chỉ, Thiên đã tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đỗ Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y).

Tốt nghiệp, Đàm Duy Thiên được nhà trường giữ lại làm bác sĩ điều trị, phẫu thuật sọ não và cột sống kiêm giảng viên hướng dẫn thực hành cho học viên tại Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y). Nhờ đôi tay khéo léo, ông đã thực hiện thành công nhiều ca mổ khó, cứu chữa các bệnh nhân. Với ý thức không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, ông học thạc sĩ, rồi nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài về đột quỵ não. Trên cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn được các đồng đội, đồng nghiệp nể vì, tôn trọng và tin yêu.

Chữ "tâm" đồng đội tôn vinh

Bên cạnh những kỷ vật chiến trường, trong phòng đọc của CCB Đàm Duy Thiên có để một chữ “tâm” được khắc gỗ. Tôi hỏi: “Vì sao bác lại trọng chữ tâm?”, CCB Đàm Duy Thiên mỉm cười đáp: “Dù làm bất cứ việc gì, tôi luôn đặt chữ tâm lên trên hết. Nhất là trong y học, chữ tâm còn thể hiện y đức của bác sĩ. Khi dành hết tâm cho công việc, đồng đội, đơn vị, lúc đó lòng tôi mới thoải mái”.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, chữ “tâm” do hội cựu chiến binh đặt, mang tặng CCB Đàm Duy Thiên để ghi nhận những đóng góp của ông dành cho đồng đội, đơn vị. Nhắc đến chuyện này, Đại tá Nguyễn Đức Nghinh, nguyên cán bộ tham mưu tác chiến của Binh chủng Pháo binh, cho biết: “Khi mới nhập ngũ, tôi và Thiên cùng Sư đoàn 341.

Trong trận Xuân Lộc, Trung đoàn 55 Pháo binh của tôi đã chi viện hỏa lực cho Trung đoàn 266 của Thiên. Sau ngày giải phóng, mỗi người một việc, Thiên đi học và đạt được nhiều thành tựu. Dù thành công hơn chúng tôi nhưng Thiên luôn trân trọng đồng đội, dành nhiều thời gian để thăm nom, gặp gỡ, kết nối anh em trong đơn vị cũ. Chúng tôi thấy Thiên sống tình cảm, có trái tim vàng dành cho đồng đội nên hội cựu chiến binh đã đặt làm một chữ “tâm” tặng Thiên”.

Dù đã gần tuổi “thất thập” nhưng CCB Đàm Duy Thiên vẫn rất bận rộn. Thời gian ông ở nhà rất ít vì phần lớn ông dành cho công tác thăm nom, giúp đỡ, khám, chữa bệnh miễn phí cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách; hỗ trợ những gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, ông còn tham gia công tác giảng dạy, hỗ trợ sinh viên, học viên làm đề tài nghiên cứu khoa học. Ông cũng dành nhiều thời gian tham gia công tác giáo dục chính trị tới thế hệ trẻ tại các sự kiện, ngày kỷ niệm của Sư đoàn 341.

Mỗi khi đồng đội và Sư đoàn 341 có việc, CCB Đàm Duy Thiên luôn có mặt. Người lính bản đồ năm nào tâm niệm: “Đồng đội chúng tôi trở về từ chiến tranh, người còn, người mất, người thương tật, tôi may mắn được lành lặn. Nhớ về đồng đội, tôi không bao giờ cho phép bản thân mình lãng quên những ngày tháng sinh tử. Tôi vẫn luôn xác định mình là Bộ đội Cụ Hồ, người lính Sư đoàn 341 anh hùng”.

Với tấm lòng hướng về đồng đội, nhiều năm qua, CCB Đàm Duy Thiên là thành viên hoạt động năng nổ của Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 341. Ông lặn lội đi từ Nam ra Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi đề tìm gặp, kết nối các đồng đội.

Biết đồng đội ốm đau, ông tổ chức đến khám, chữa bệnh miễn phí; nghe tin nhiều đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, ông đã vận động các nhà hảo tâm và bỏ tiền túi để đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa. Một số đồng đội giờ đã tuổi già, sức yếu được CCB Đàm Duy Thiên trợ cấp tiền hằng tháng. Mới nhất, Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 341 kêu gọi vận động xây dựng nhà bia để giáo dục truyền thống của đơn vị, tôi lại thấy tên CCB Đàm Duy Thiên đứng đầu tiên trong danh sách quyên góp.

Mỗi khi Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 341 gặp mặt, nhiều người trông ngóng CCB Đàm Duy Thiên đến giao lưu. Như thường lệ, ông lịch thiệp đến chào từng mâm rồi lại xin phép ra về sớm vì còn nhiều việc đang chờ.

Trung tướng Trần Anh Vinh, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, Trưởng ban liên lạc CCB Sư đoàn 341, nói: “Ban liên lạc CCB Sư đoàn 341 hiện có hàng nghìn hội viên trải khắp 23 tỉnh, thành phố. Những năm qua, chúng tôi đã vận động kêu gọi hỗ trợ xây dựng được 8 nhà tình nghĩa (trị giá 70 triệu đồng/nhà); tổ chức nhiều chuyến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, khám, chữa bệnh miễn phí cho các CCB, thương binh, bệnh binh. Trong đó, tấm lòng đóng góp, tinh thần nhiệt huyết của Đàm Duy Thiên cho ban liên lạc xứng đáng được biểu dương, trân trọng. Đồng chí Thiên là người tốt tính, luôn trách nhiệm với các hoạt động chung và đặc biệt là hết lòng vì đồng đội”.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/trai-tim-vang-huong-ve-dong-doi-773103