Trái ngọt từ nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và kinh doanh nông sản. Nhờ đó, đến nay toàn Thành phố có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khó có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả bền vững nếu không được tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản hiện tại.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nguyễn Trung Tấn (sinh năm 1996) ở thôn Lễ Khê, xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đi lao động xuất khẩu ở Nhật Bản rồi trở về với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương. Bắt tay vào kinh doanh, anh Tấn đã mạnh dạn đầu tư hơn 600 triệu đồng xây dựng nhà màng để trồng dưa lê Hàn Quốc từ năm 2022.

Trên diện tích vườn nhà bao năm chỉ trồng ngô, nay anh đã dựng lên nhà màng quy mô 1.000m2 trồng 2.700 gốc dưa. Ngay vụ đầu tiên, vườn dưa lê Hàn Quốc đã cho thu hoạch hơn 3 tấn, giá bán tại vườn là 45.000/kg, giá bán lẻ 60.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Trung Tấn (ngoài cùng bên trái) giới thiệu mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc.

Những ngày mới bắt tay vào trồng dưa, anh Tấn đã phải tự tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc trên mạng. Đồng thời, đọc thêm các tài liệu trên sách, báo, xem các chương trình truyền hình; tham khảo ý kiến một số mô hình trồng dưa trong nhà màng. Sau đó, anh lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Phân bón được hòa với nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới tự động, chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều. Dưa lê Hàn Quốc có thời gian 2-3 tháng một vụ, có thể canh tác mỗi năm 3 vụ.

Khi được hỏi về khó khăn trong triển khai mô hình trồng dưa trong nhà lưới, anh Tấn cho biết: “Khó nhất với gia đình tôi vẫn là vốn. Mới khởi nghiệp nên tôi còn phải vay mượn. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích nhà màng trên diện tích vườn nhà ở xã Xuân Sơn nên rất mong địa phương, các cơ quan chức năng quan tâm, giúp tôi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng như hỗ trợ xây dựng nhà màng”, anh Tấn bày tỏ.

Nói về mô hình trồng dưa lê của anh Nguyễn Trung Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn Cao Thị Hào cho biết: “Đây là mô hình nhà màng trồng cây ứng dụng công nghệ cao đầu tiên ở địa phương. Chúng tôi rất ủng hộ và động viên các gia đình, cá nhân mạnh dạn đầu tư để phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, cũng kiến nghị lên thị xã và Thành phố có chính sách hỗ trợ cụ thể thiết thực đối với người nông dân. Từ đó có thể nhân rộng mô hình hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống xã hội ở địa phương”.

Thời gian qua, tại Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được đánh giá là mang lại lợi ích kinh tế vượt trội về giá trị hàng hóa. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao liên tục tăng và hiện chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Hiện toàn Thành phố có khoảng 160 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang phát triển tương đối hiệu quả. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 105 mô hình, chăn nuôi là 39 mô hình, còn lại là thủy sản 15 mô hình và 1 mô hình kết hợp trồng trọt - chăn nuôi.

Toàn Thành phố đang có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, hoa - cây cảnh, cây ăn quả, giống lúa mới, 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - chế biến - tiêu thụ nông sản; 95 hợp tác xã ở các địa phương đang bước đầu tiếp cận với những phương thức sản xuất mới. Tuy nhiên, quy mô các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được cho là còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Lý giải về nguyên nhân khiến nông nghiệp công nghệ cao chưa phát triển xứng tầm, theo bà Bùi Thị Bích Hường, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng), đó là nguồn vốn đầu tư thiếu hụt, nên hầu như mới chỉ được ứng dụng trong một số công đoạn trong chuỗi sản xuất, vì vậy ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm.

Điều đáng nói, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp hết sức quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp đô thị đã được cụ thể hóa trong các mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân”, và Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội” trong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố. Vì vậy, tại Nghị quyết ban hành quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp Thành phố Hà Nội vừa được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua tại kỳ họp thứ 12, nêu tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.124 tỷ đồng/năm. Trong đó, có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy định cụ thể là hỗ trợ 1 lần 100% lãi suất vay trong thời hạn 3 năm theo hợp đồng vay vốn. Còn chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp, quy định hỗ trợ 50% kinh phí mua sắm thiết bị giám sát và điều khiển dinh dưỡng tự động, thiết bị cảm biến, quan trắc môi trường, camera, đường truyền, phần mềm để sản xuất nông nghiệp… Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 10/2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố và có hiệu lực từ 1/1/2024.

Những người nông dân như anh Nguyễn Trung Tấn và các doanh nghiệp, Hợp tác xã đang rất mong chờ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố sớm đi vào thực thi để khuyến khích thêm nhiều cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, góp phần đưa Thủ đô dẫn đầu cả nước trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/trai-ngot-tu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-158372.html