'Trái ngọt' sản phẩm OCOP trên đất Mường Động

Gương mặt khắc khổ của ông Đỗ Khắc Vương ở thôn Đội 3, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi trở nên rạng ngời khi được cầm trên tay giấy chứng nhận sản phẩm bưởi da xanh của gia đình đã được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2023.

Gương mặt khắc khổ của ông Đỗ Khắc Vương ở thôn Đội 3, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi trở nên rạng ngời khi được cầm trên tay giấy chứng nhận sản phẩm bưởi da xanh của gia đình đã được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2023.

Hợp tác xã Green life, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) tích cực tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP.

Được biết, từ năm 2012 đến nay, gia đình ông Vương đã trồng khoảng 600 gốc bưởi da xanh trên diện tích 2,6 ha. Trước kia, gia đình chỉ canh tác theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2020, được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã quan tâm có nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích ông phát triển mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn OCOP, ông Vương như được tiếp thêm động lực, đầu tư sản xuất để đất cằn "nở hoa”. Hiện nay, với giá bán 25.000 đồng/kg, năng suất đạt từ 40 - 50 tấn quả, mỗi năm từ trồng bưởi da xanh đã đem lại cho gia đình ông Vương nguồn thu ổn định trên 1 tỷ đồng.

Ông Đỗ Khắc Vương tâm sự: Không như các loại bưởi khác, bưởi da xanh là giống cây cần nhiều nước, nhất là thời kỳ ra hoa, đậu quả nhưng cũng không chịu được ngập úng nên gia đình đã xây dựng hệ thống tưới ngầm, tưới phun kết hợp với tưới gốc và đào rãnh để thoát nước hợp lý. Bên cạnh đó, tôi sử dụng nguồn nước sạch để tưới cho cây, dùng phân hữu cơ tự ủ, nói không với thuốc diệt cỏ. Nhờ đó, vườn bưởi da xanh của gia đình luôn sai quả, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa. Hiện nay, mô hình trồng bưởi của gia đình tôi tạo việc làm ổn định cho 6 nhân công với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/ tháng.

Với phương châm "Thiên nhiên trong từng giọt mật”, thời gian qua, chàng trai 9X Đinh Công Thuần - Giám đốc Hợp tác xã Green life xóm Lươn, xã Hợp Tiến đã không quản ngại khó khăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa mật ong - đặc sản của người dân xã Hợp Tiến trở thành một trong số hai sản phẩm đầu tiên đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của huyện Kim Bôi. Anh Đinh Công Thuần cho hay: Để đạt được chứng nhận OCOP 4 sao đầu tiên cần phải đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ 3 chỉ tiêu về dinh dưỡng và đạt chứng nhận ISO 22000:2018. Hiện nay, 11 thành viên trong hợp tác xã đều nắm vững quy trình sản xuất mật ong đạt tiêu chuẩn. Với trên 5.300 đàn ong, năm 2023, hợp tác xã đã đạt doanh thu 12 tỷ đồng, sản lượng mật ong từ 50.000 - 60.000 lít mật/năm. Mật ong đã được hạ thủy phần, đựng trong lọ thủy tinh hoặc đóng gói dạng ống hay dạng gói stick rất thuận tiện cho người sử dụng.

Đồng chí Đinh Tất Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi trao đổi: Chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện Kim Bôi sau 6 năm triển khai đã đạt được những "trái ngọt đầu mùa” với 12 sản phẩm được công nhận, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể định hướng phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng quy trình sản phẩm, cung cấp các thông tin ra thị trường. Cùng với đó, khuyến khích sự nỗ lực, cố gắng, đổi mới tư duy sản xuất của các chủ thể để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn huyện, góp phần vào thực hiện nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngô Hường

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/188308/trai-ngot-san-pham-ocop-tren-dat-muong-dong.htm