Trải nghiệm thú vị cưỡi voi, ngắm pháo đài cổ 400 tuổi ở Ấn Độ

Du khách đến tham quan pháo đài Amber ở thành phố Jaipur (Ấn Độ) có thể chọn cưỡi voi hoặc đi bộ trên những con đường đá để thưởng ngoạn công trình hơn 400 năm tuổi.

Đường lên pháo đài Amber. (Ảnh: Trung Hiếu)

Ở cách trung tâm thành phố Jaipur 11 km, Amber Fort (pháo đài Amber) từng là thủ phủ của bang Rajasthan, Ấn Độ thời xa xưa. Pháo đài này có tên ban đầu là Ambikeshwara, sau được rút gọn thành Amber hoặc Amer. Pháo đài được xây dựng năm 1592 bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ, tạo nên vẻ đẹp bền vững với thời gian.

Pháo đài nằm trên đồi rất cao, nên du khách có hai lựa chọn để lên thăm pháo đài Amber là cưỡi voi hoặc cuốc bộ trên những con đường lát đá. Anh Hoàng Dũng, hướng dẫn viên Công ty du lịch Xuyên Việt Travel cho biết, giá cưỡi voi là 1.000 Rupee cho 2 khách. Nếu không cưỡi voi, du khách cần mua vé tham quan là 200 Rupee/khách.

Ở đây hiện có khoảng 80 chú voi phục vụ du khách. (Ảnh: Trung Hiếu)

Đa phần khách du lịch lựa chọn cưỡi voi, để có được một trải nghiệm thật thú vị và cảm nhận được rõ ràng hơn vẻ đẹp hùng vĩ của bầu trời, pháo đài và cảnh sắc mê hoặc của hồ Maotha ngay cạnh pháo đài. (Ảnh: Hoàng Dũng)

Những chú voi ghé lưng sát bậc thềm cao, giúp du khách leo lên lưng dễ dàng. (Ảnh: Trung Hiếu)

Cưỡi voi ngắm cảnh là một trải nghiệm rất thú vị cho các du khách Việt Nam ở Ấn Độ. (Ảnh: Trung Hiếu)

Lối đi vừa vặn cho hai luồng voi có thể đi qua. (Ảnh: Trung Hiếu)

Ý tưởng về việc xây dựng pháo đài do nhà vua Raja Man Singh I khởi xướng. Thế nhưng, phải đến thế kỷ thứ 18, dưới triều đại của vua Sawai Jai Singh, pháo đài Amber mới được chính thức hoàn thành.

Pháo đài Amber tọa lạc trên đồi cao, với những bức tường thành phản chiếu hình ảnh xuống hồ Maotha xanh biếc ở dưới. (Ảnh: Trung Hiếu)

Toàn cảnh sân chính của pháo đài Amber với những dãy nhà cổ xưa vây quanh. (Ảnh: Trung Hiếu)

Kiến trúc Amber hoàn toàn khác biệt với những pháo đài khác ở quanh vùng, do nhìn bên ngoài giống như một thành trì quân sự. (Ảnh: Trung Hiếu)

Nhưng bên trong lại là những kiến trúc đẹp mắt và hệ thống đồ sộ cung điện, với nhiều phòng, đại sảnh, vườn cây và những tháp canh với tầm nhìn bao quát rất rộng. (Ảnh: Trung Hiếu)

Càng đi sâu vào bên trong, du khách càng bị lôi cuốn với những bức tranh tường, những đường nét chạm khắc, họa tiết mang đậm dấu ấn của đạo Hindu và đạo Hồi. (Ảnh: Trung Hiếu)

Pháo đài Amber là nỗ lực không ngừng nghỉ của 3 triều đại vua nhưng nó cũng đại diện cho sức mạnh của hoàng tộc trong suốt những năm dài trị vì. (Ảnh: Trung Hiếu)

Giếng nước bậc thang - nguồn cung cấp nước cho pháo đài vào thời xưa... (Ảnh: Trung Hiếu)

Năm 2013, pháo đài Amber, cùng với 5 pháo đài khác của bang Rajasthan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới tại kỳ họp thường niên lần thứ 37 tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia.

Quang cảnh thanh bình trên con đường lên pháo đài Amber. (Ảnh: Trung Hiếu)

Công việc đưa voi phục vụ du khách ngắm cảnh mang lại kế sinh nhai cho không ít người địa phương. (Ảnh: Trung Hiếu)

Hoàng Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trai-nghiem-thu-vi-cuoi-voi-ngam-phao-dai-co-400-tuoi-o-an-do-218656.html