Trải nghiệm đáng giá tại hòa nhạc 'Đất nước trọn niềm vui'

Đêm diễn đầu tiên kể từ khi khánh thành Nhà hát Hồ Gươm, khán giả đã có trải nghiệm đặc biệt khi thưởng thức âm nhạc trong không gian nghệ thuật đẳng cấp với dàn nghệ sĩ tài năng.

Hòa nhạc Đất nước niềm vui diễn ra tối 17/8 tại Nhà hát Hồ Gươm là đêm diễn đầu tiên trong 3 chương trình nghệ thuật đặc biệt do Bộ Công an tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc khánh 2/9 và Ngày truyền thống lực lượng CAND.

Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji, các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và NSƯT Bùi Công Duy, Nguyễn Việt Trung, NSƯT Lệ Giang, NSƯT Đăng Dương, Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan, Bùi Thị Trang thăng hoa trên từng nốt nhạc, mang tới cảm xúc dạt dào cho khán giả trong những ngày mùa thu Cách mạng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa các nghệ sĩ.

Mở đầu, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam chơi bản giao hưởng thơ Người về mang tới niềm vui - sáng tác của nhạc sĩ Trọng Bằng dựa trên câu hát "Người về đem tới ngày vui" trong tác phẩm nổi tiếng Ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Văn Cao.

Tác phẩm thể hiện cảm xúc và tình yêu thương của người dân Việt Nam nói chung và tác giả nói riêng đối với Bác Hồ. Đây cũng là một trong những tác phẩm giúp cho nhạc sĩ Trọng Bằng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V về văn học nghệ thuật năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chúc mừng các nghệ sĩ với đêm diễn thành công.

Tiếp đến, NSƯT Lệ Giang thể hiện Aria đàn bầu (Trần Mạnh Hùng). Đây là lần đầu tiên tác phẩm được công diễn.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ với PV VietNamNet, bản nhạc không lời này được chuyển soạn từ một aria của nhân vật chính trong vở opera Công Nữ Anio - vở nhạc kịch nhạc sĩ viết dựa trên kịch bản của Oyama Daisuke (lời ca tiếng Nhật của Oyama Daisuke và lời ca tiếng Việt của Hà Quang Minh).

NSƯT Lệ Giang.

Trong tình huống kịch bản, lúc Anio đang sống với chồng con tại Nagasaki, một lần nghe thấy tiếng đàn bầu vang lên ở quê hương mới, cô đã vô cùng xúc động nhớ về cố hương và cha mẹ… Bản nhạc không lời chuyển soạn cho đàn bầu và dàn nhạc được Hà Quang Minh đặt tên là Giọt đàn vọng cố hương.

Ca sĩ Phạm Thu Hà.

Với giọng nữ cao trữ tình được đào tạo bài bản và điêu luyện, ca sĩ Phạm Thu Hà thể hiện tình cảm nhớ thương, tha thiết của người dân miền Bắc đối với miền Nam trong những ngày chiến đấu giành độc lập qua Bài ca hy vọng (Văn Ký).

Tiếp mạch nguồn cảm xúc đó, Phạm Thu Hà cất tiếng hát Đất nước tình yêu (Lệ Giang). Vào thời điểm viết ca khúcnày, tác giả Lệ Giang còn đang là sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Bài hát được sáng tác đúng dịp Quốc khánh 2/9/1980, vừa ra đời đã gây ấn tượng bởi ngôn từ giản dị dễ đi vào lòng người, giàu chất thơ và mạch cảm xúc tuôn trào từ một tâm hồn thiết tha với Tổ quốc.

Ca sĩ Đăng Dương.

Nếu ca sĩ Phạm Thu Hà thể hiện nỗi nhớ thương da diết khi hai miền Bắc - Nam chia cắt thì NSƯT Đăng Dương với chất giọng khỏe, vang, trầm ấm đã truyền tải hết thông điệp của Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh).

Đất nước trọn niềm vui được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác năm 1975, trong bối cảnh đất nước đang sục sôi ngày vui thống nhất, khi chiến dịch Hồ Chí Minh tiến gần đến thắng lợi cuối cùng.

Giai điệu như bay lên trong ngày vui của cả nước, tạo nên một bức tranh Bắc - Nam sum họp: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say, những bước chân dồn về đây”.

Giữa những ngày mùa thu lịch sử, khán giả được dịp thưởng thức tác phẩm Mùa xuân đầu tiên với giọng soprano Bùi Thị Trang. Bài hát nói về niềm vui sum họp, sự bồi hồi của những đứa con lần đầu nhận biết quê hương mình, lần đầu được bày tỏ tình yêu thương với đồng bào.

Ca sĩ Đào Tố Loan.

Phần I của chương trình khép lại khi ca sĩ Đào Tố Loan thăng hoa cùng Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi) - bài hát ca ngợi Hà Nội, những người con của Thủ đô trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp; và Tự nguyện (Trương Quốc Khánh) - bản hùng ca về tinh thần tự nguyện dấn thân đã đi sâu vào tâm thức lớp lớp thanh niên Việt Nam, như nhắc nhở mỗi người hãy chiến đấu cho quê hương, cho đất nước.

NSƯT Bùi Công Duy.

Phần II, người yêu nhạc được thưởng tức tài nghệ đặc biệt của NSƯT Bùi Công Duy với Introduction and Rondo Capriccioso Op. 28. Tác phẩm do nhà soạn nhạc người Pháp Camille Saint-Sans viết cho violin và dàn nhạc giao hưởng vào năm 1863. Đây là một trong những tác phẩm violin khó, đòi hỏi cao cả vễ kỹ thuật lẫn sự tinh tế trong biểu cảm. Biểu diễn tác phẩm này được coi là một thách thức đối với bất cứ nghệ sĩ violin nào. NSƯT Bùi Công Duy nhận được sự tán thưởng không ngớt của giới mộ điệu bằng tài năng của mình.

'Thần đồng âm nhạc' Nguyễn Việt Trung.

Khán giả còn có dịp thưởng thức tài nghệ của Nguyễn Việt Trung - nghệ sĩ trẻ từng được báo chí trong và ngoài nước gọi là “thần đồng âm nhạc”, “cậu bé vàng piano”. Nguyễn Việt Trung trình diễn bản Concerto số 2 cho piano của nhà soạn nhạc lừng danh - Frédéric Chopin.

Đêm diễn đầu tiên kể từ khi khánh thành Nhà hát Hồ Gươm, công chúng đã có trải nghiệm đặc biệt khi thưởng thức âm nhạc trong không gian nghệ thuật đẳng cấp với hệ thống âm thanh hiện đại.

NSƯT Bùi Công Duy với 'Introduction and Rondo Capriccioso Op. 28':

Đào Tố Loan - 'Tự nguyện':

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trai-nghiem-dang-gia-tai-hoa-nhac-dat-nuoc-tron-niem-vui-2178874.html