Trải nghiệm bị kiến độc cắn giúp nhà văn viết tác phẩm nổi tiếng

Nhà văn khoa học viễn tưởng Bernard Werber luôn hy vọng ngòi bút của mình có thể đưa độc giả đến một thế giới của sự sáng tạo, vui vẻ, thoát khỏi thực tại.

Với niềm đam mê khoa học mãnh liệt cùng trí tưởng tượng phong phú, Bernard Werber là nhà văn Pháp đương đại nổi tiếng. Danh tiếng nhà văn gắn liền với bộ tiểu thuyết Kiến gồm 3 cuốn: Kiến - Ngày của kiến - Cách mạng kiến.

Ông luôn tâm niệm con người không thể giới hạn tầm nhìn và suy nghĩ mà phải có cái nhìn rộng hơn, vượt thời gian và không gian. Với ông, một nhà văn thành công không chỉ là có sách bán chạy, mà còn phải mang tới món ăn phong phú cho đời sống tinh thần của độc giả.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhà văn Bernard Werber nêu quan điểm văn chương cùng mong muốn mang lại niềm hạnh phúc cho độc giả.

Muốn đưa bạn đọc vào thế giới thư giãn

- Điều gì khiến ông chọn thể loại phiêu lưu, khoa học viễn tưởng cho nhiều tác phẩm của mình?

- Khoa học viễn tưởng là thể loại tiểu thuyết có yếu tố khoa học đòi hỏi người sáng tạo phải có bộ não tưởng tượng phong phú, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những cái mà không ai dám làm.

Với thể loại này, tôi thoải mái đắm mình vào trong trí tưởng tượng, những suy tư mà không bị giới hạn bởi thực tế. Và tất nhiên chúng ta hoàn toàn có thể nói đến cả chuyện ở tương lai mà không sợ bị phán xét.

Khi viết về khoa học viễn tưởng, bạn có thể thoải mái sáng tạo, viết ra những thứ bạn nghĩ sẽ xuất hiện ở tương lai, những thứ chưa hề tồn tại trên thực tế. Những tác phẩm khoa học viễn tưởng hay sẽ đưa người đọc đến một thế giới khác, nơi ngập tràn sự sáng tạo, mơ mộng không còn là hiện thực đơn thuần.

Bộ ba sách Kiến và Chiếc hộp Pandora của tác giả Bernard Werber.

Nhà văn của dòng tiểu thuyết khoa học viễn tưởng sẽ khác so với những nhà văn khác. Tôi không phải là nhà tiên tri hay nhà chiêm tinh học để mà dự đoán những điều xảy ra trong tương lai, đơn giản tôi chỉ là nhà văn sống trong trí tưởng tượng của mình.

Tuy nhiên, trong những điều tôi viết đã có tình tiết thành sự thật. Nếu bạn đã đọc cuốn The Empire of the Angels (Đế chế của các thiên thần), bạn sẽ thấy hình ảnh những chiếc máy bay đâm vào tòa tháp, tất nhiên điều này đã xảy ra trong thực tế.

- Làm thế nào để ông kết hợp giữa các yếu tố khoa học và tưởng tượng trong việc xây dựng các câu chuyện của mình, bởi dường như đây là 2 yếu tố đối lập nhau?

- Phải nói tôi là người rất đam mê khoa học, thích tìm tòi, nghiên cứu về nó. Xuất phát điểm của tôi là nhà báo, thường xuyên phải làm các phóng sự về đề tài khoa học. Có lẽ đây là cái duyên khó tránh, càng tiếp xúc tôi lại càng hứng thú,

Những phát minh, sáng chế trên thực tế là chất liệu đầu vào được tôi chọn lựa để xây dựng nên giả thuyết về phát triển công nghệ trong tương lai.

Khoa học viễn tưởng hay nhất không phải là tưởng tượng bay bổng nhất, mà là khoa học viễn tưởng lấy chất liệu trên chính thực tế hàng ngày để viết.

Bernard Werber

Nói là khoa học viễn tưởng nhưng lúc nào trong đó cũng phải đan xen cả sự thật. Vì thế mà tôi luôn cập nhật rất nhiều dữ liệu trong sách vở lẫn thực tế, cũng như tranh luận với các nhà sử học, nhà khoa học rất nhiều trước khi đặt bút viết.

Bạn biết không khoa học viễn tưởng hay nhất không phải là tưởng tượng bay bổng nhất, màu sắc nhất mà là khoa học viễn tưởng lấy chất liệu trên chính thực tế hàng ngày để viết.

- Ông thường lấy cảm hứng từ đâu khi sáng tác?

- Thời sự là nguồn cảm hứng sáng tác của tôi. Cứ có vấn đề hay, hiện tượng nóng mà diễn ra trên thế giới thì đấy là đề tài của tôi. Các cuốn sách tôi viết là lời giải đáp cho những gì tôi nghe và thấy được. Thực lòng mà nói, tôi mong muốn thông qua cuốn sách có thể đưa ra cách giải quyết được các vấn đề đó.

Với tôi, nhà văn giỏi không phải chỉ biết giữ chân độc giả bởi cốt truyện hấp dẫn, ngôn từ lôi cuốn mà xa hơn nữa tôi hy vọng có thể đồng hành, kéo họ thoát ra khỏi thế giới thực tại, bước vào thế giới khác thư giãn, hạnh phúc, thoải mái nhất. Đó mới là đích đến của tôi.

- Được biết ông bắt đầu viết bộ ba cuốn “Kiến” từ năm 16 tuổi, mất tới 12 năm và viết lại 18 lần với cả trăm phiên bản khác nhau. Có thể nói ông là người theo chủ nghĩa hoàn hảo? Ông xem đây là điều bất lợi hay có lợi khi sáng tác?

- (Cười) Nói thế thì lại oan cho tôi quá rồi. Tôi mất 12 năm để hoàn thành tác phẩm vì vừa phải viết, học lẫn tìm tòi. Cái thú viết văn này vui đấy nhưng cũng vất vả tốn thời gian lắm.

Khi đặt bút viết những phiên bản đầu không hay, tôi quyết định phải viết lại đến khi nào bản thân thấy ưng thì thôi. Một nhà văn mà không có sự chỉn chu, cầu toàn như vậy thì khó mà có được tác phẩm hay gửi đến độc giả. Nhưng tôi cũng không đến mức là quá cầu toàn vậy, nếu không thì cũng phải mất 30 năm mới xong bộ tác phẩm ấy cho độc giả đọc.

Tự tạo kỷ luật cho mình khi sáng tác

- Ông có thói quen hay sở thích gì đặc biệt khi sáng tác, làm việc?

- Thường thì khi sáng tác tôi sẽ chọn khung giờ 9h-12h sáng, cứ viết đều đặn 10 trang mỗi ngày. Tôi tự tạo cho mình kỷ luật khi làm việc. Bạn muốn viết tốt, rèn giũa khả năng văn chương thì phải xây dựng được thói quen viết, kiên trì, viết liên tục không ngắt quãng. Bạn không có thiên phú nhưng nếu bạn thực sự chăm chỉ, nỗ lực có thể bạn sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Trong quá trình viết, khi xuất hiện những đoạn không có thoại tôi sẽ chọn cách nghe nhạc để lấy cảm hứng.

Để có nguồn cảm hứng sáng tạo, ngoài học hỏi trong sách vở và các nhà văn nổi tiếng khác tôi còn rất thích đi du lịch, trải nghiệm cái mới ở mỗi vùng miền để có thêm tư liệu cho các tác phẩm của mình. Chia sẻ với bạn, tôi tầm tuổi này rồi nhưng vừa tham gia hoạt động nhảy dù cách đây một tháng thôi.

Nhà văn trong buổi giao lưu chiều 16/3 tại Hà Nội.

- Các tác phẩm của ông, đặc biệt là bộ ba “Kiến” nhận được sự đánh giá chuyên môn cao lẫn sự đón nhận từ độc giả, ông nghĩ điều gì ở các tác phẩm của mình đem lại kết quả này?

- Tác phẩm của tôi từng bị những người bạn đồng môn chê là sáo rỗng, không giống bình thường rồi còn bị 6 nhà xuất bản từ chối phát hành nữa. Quả thực mà nói khi viết xong bộ ba Kiến tôi cũng không chắc chắn là nó sẽ thành công như vậy đâu. Tôi viết chỉ đơn giản là muốn được thỏa đam mê văn chương, khoa học của mình thôi.

Tuy nhiên, tôi nghĩ điều làm nên sự thành công cho tác phẩm của mình là tính toàn cầu, phổ quát và đặc biệt. Bạn biết đấy điều gì mà đặc biệt, có sự “lạ” mà lại còn liên quan đến toàn cầu thì chắc chắn là sẽ thu hút được nhiều người xem rồi.

Bộ ba Kiến của tôi nói là viễn tưởng nhưng cũng đều được kiểm nghiệm bởi các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học. Khác biệt ở đây là tôi đã nhân cách hóa cho loài kiến giống người mà thôi.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ mình may mắn khi có nhiều cơ hội được trải nghiệm, được tiếp xúc với loài kiến nên hiểu rõ chúng. Năm 20 tuổi, tôi có cơ hội đi làm phóng sự về loài kiến safari ở châu Phi, thậm chí tôi còn suýt bị chúng cắn chết nên phần nào cũng hiểu rõ đặc tính loại này hơn. (Cười).

Khi viết, tôi luôn đặt mình vào góc độ độc giả xem họ muốn gì, nghe gì để từ đó có tư liệu viết. Mỗi tiểu thuyết viết ra là sự mở mang, bắt đầu ý tưởng cho người đọc. Các bạn hoàn toàn có thể tìm ra đc giải pháp, đặt ra câu hỏi thông qua tiểu thuyết mình đọc.

Tác phẩm của tôi tính đến nay đã được dịch ra 37 thứ tiếng, phát hành khắp thế giới, cũng gọi là đã có tiếng vang. Tôi nghĩ điều làm nên kết quả ấy là tác phẩm của tôi được đầu tư kỹ càng, góc nhìn và nhân vật “lạ” chưa ai từng viết, quan trọng hơn là tôi viết được những cái mà độc giả muốn biết.

Phim ảnh lợi thế ở chỗ có hình ảnh sống động, âm thanh rõ nét tác động trực tiếp đến các giác quan của độc giả. Văn chương thì khác, cái khó của nhà văn chúng tôi là phải làm sao để có thể truyền tải đến độc giả những hình ảnh, trí tưởng tượng mà chỉ qua những con chữ. Họ đọc những trong đầu có thể tự tưởng tượng, chìm đắm vào từng câu chữ của chúng tôi, đấy là sự thành công.

- Liệu có những thể loại hoặc chủ đề mới nào ông muốn thử nghiệm trong tương lai?

- Tất nhiên, tôi luôn mong muốn được thay đổi, thử sức mình nhiều hơn. Thế nhưng tôi vẫn sẽ là tôi, vẫn là phong cách viết văn của Bernard Werber, giản dị, gần gũi.

Hiện nay trí tuệ nhân tạo rất phát triển, tương lai nhất định sẽ còn mở rộng hơn nữa. Các bạn sẽ thấy xuất hiện nhiều tác phẩm văn chương được viết bởi AI, thế nhưng nó là sự sao chép không phải sáng tạo. Tôi thấy lo ngại bởi có thể nhiều nhà văn sẽ dễ thay đổi và phụ thuộc vào AI.

(Cười) Tôi thì tôi không sợ ChatGPT đâu vì công nghệ này chẳng thể sao chép nổi tôi. Thú thật, tôi có từng sử dụng qua ChatGPT và nhờ nó viết thử hộ 1 chương. Không thể chối cãi nó viết rất nhanh, hay, thậm chí câu từ còn trau chuốt, hoa mĩ hơn cả tôi là khác. Thế nhưng tất cả chỉ là cóp nhặt, nó không có sự sáng tạo, không có tính mới lạ và tính riêng. Nhà văn mà không có dấu ấn riêng thì không được rồi.

Trong tương lai nếu có tổ chức các cuộc thi sáng tác, tôi tin chắc sẽ có nhiều tác phẩm dự thi bởi Chat GPT lắm đây.

Thu Hương (thực hiện)

Nguồn Znews: https://znews.vn/trai-nghiem-bi-kien-doc-can-giup-nha-van-viet-tac-pham-noi-tieng-post1465477.html