Trải lòng của những người lính chiến trường Quảng Trị ở Liên bang Nga

Nhiều thế hệ người Việt Nam, trước đây sang Liên Xô học tập, nghiên cứu và lao động, đã ở lại LB Nga làm ăn và sinh sống.

Ông Lưu Công Niệm (phải), quê Chương Mỹ, Hà Nội, Bí thư Chi bộ Docuchaev thuộc Đảng bộ tại LB Nga, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại LB Nga nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Trong số này có không ít những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam từng đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Họ đã hàng chục năm sống ở xứ sở Bạch Dương, coi đây như quê hương thứ hai của mình, đồng thời vẫn một lòng trung thành đi theo Đảng, có những đóng góp đáng kể cho cộng đồng người Việt Nam ở sở tại.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Moskva, ông Trần Văn Hiển, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, 50 năm tuổi Đảng, cho biết ông vừa tốt nghiệp phổ thông đã tòng quân, tham gia chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Khi đó cả nước hừng hực khí thế ra trận. Lớp thanh niên các ông bị cuốn vào bầu không khí đó mà không hề suy tính gì. Ông Hiển chia sẻ: “Giữa cái sống, chết, hy sinh, giữa cái tiễn biệt anh em xảy ra hàng ngày, tôi cho là người lính lúc đó chỉ có trách nhiệm, nhiệm vụ của mình với đất nước và không suy nghĩ, dao động gì cả”.

Nhớ lại những năm tháng ác liệt ngoài chiến trường, ông Trần Văn Hiển hồi tưởng nhiều kỷ niệm đáng nhớ ở Trường Sơn, trong đó đáng nhớ nhất là mùa mưa Quảng Trị. Ông kể rằng vào mùa mưa Quảng Trị, ông cùng các đồng đội đứng bên này suối phải nhịn đói vài ngày, dù bên kia là kho gạo mà không qua lấy được. Ông cũng chia sẻ nước lũ dữ dội vào mùa mưa Quảng Trị cho thấy sự gian lao của người lính, nhưng với sức trẻ, sức khỏe và nhiệt huyết thời đó, ông cùng các đồng đội đã vượt qua tất cả.

Năm 1994, ông Hiển là Bí thư Chi bộ “ốp” Salut-2 với 36 đảng viên thuộc Tổng công ty Bến Thành Moskva. Thời kỳ đó, khu buôn bán này của người Việt Nam ở Moskva thường xuyên được đánh giá là đơn vị cộng đồng tốt, yên ổn, tạo điều kiện cho nhiều người làm ăn và thành đạt. Hiện nay ông Hiển là chủ khu khách sạn-nhà hàng Rybak, từng rất đông người Việt Nam sinh sống và làm ăn ở thủ đô Moskva những năm 2000. Đề cập đến kinh nghiệm thành công trong thời gian chật vật làm ăn ở LB Nga, ông Hiển cho rằng điều quan trọng là cần phải lao động nghiêm túc, có trách nhiệm và đặc biệt là tạo được lòng tin với mọi người. Những người lớn tuổi, đã kinh qua quân đội nên là tấm gương, tạo niềm tin cho cộng đồng, tổ chức hợp lý để bà con ổn định làm ăn.

Ông Lưu Công Niệm, 50 năm tuổi Đảng, quê Chương Mỹ, Hà Nội, Bí thư Chi bộ Docuchaev thuộc Đảng bộ tại LB Nga, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại LB Nga. Ông cho biết cũng từng có mặt tại chiến trường Quảng Trị ở Cửa Việt, tham gia nhiều trận đánh và ông có rất nhiều kỷ niệm trong thời kỳ quân ngũ. Tuy nhiên, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông là ngày giải phóng miền Nam. Ông kể: “Chúng tôi khi đó, tất cả, từ người dân, đến cán bộ chiến sĩ đều rất hào hứng, phấn khởi và chúng tôi cảm thấy rất vinh dự, khi là những người lính trong ngày trọng đại này”. Ông Niệm cũng tâm đắc vì đã gắn bó với Đảng suốt chặng đường hơn 50 năm. Theo ông Lưu Công Niệm, mặc dù đã trở về với đời thường, song ông luôn tâm niệm làm sao phát huy được truyền thống của anh bộ đội cụ Hồ, luôn giữ được phẩm chất và đạo đức của anh bộ đội cụ Hồ.

Ông Nguyễn Viết Đon (phải), quê Quảng Ninh, Quảng Bình nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Đon, 40 năm tuổi Đảng, quê Quảng Ninh, Quảng Bình, cho biết ông đã tham gia chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong mùa hè “hoa lửa” năm 1972. Lớp sinh viên và giáo viên các ông khi vào chiến trường là những người lính trẻ, hăng hái và không suy nghĩ về ngày trở về. Cho đến nay, ông vẫn yêu màu xanh áo lính. Nhắc đến những người đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường, ông Đon bày tỏ tiếc thương cho những người không được may mắn trở về và những người đồng đội chưa tìm ra được mộ chí.

Bài và ảnh: Duy Trinh (P/V TTXVN tại LB Nga)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/nguoi-viet-4-phuong/trai-long-cua-nhung-nguoi-linh-chien-truong-quang-tri-o-lien-bang-nga-20231221075921044.htm