Trải lòng của Á hậu đầu tiên được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân

Khi các báo nói về 'Á hậu đầu tiên của Việt Nam được phong Nghệ sĩ Nhân dân' Trịnh Kim Chi cho biết, điều ấy khiến chị vui vì mỗi thành công của mình đều được quan tâm ghi nhận.

“Á hậu đầu tiên của Việt Nam được phong Nghệ sĩ Nhân dân” Trịnh Kim Chi

- Lựa chọn theo con đường nghệ thuật của chị bắt đầu từ cơ duyên nào? Từng tham gia thi hoa hậu, từng tham gia tứ ca "Ngẫu nhiên", điều gì gắn bó chị với sân khấu kịch?

Học xong lớp 12, tôi thi vào trường Sân khấu Điện ảnh, học khoa Kịch nói (lúc đó còn là trường Nghệ thuật sân khấu 2). Học xong năm thứ 2, tôi đăng ký thi Hoa hậu Việt Nam. Tức là tôi đã chọn học sân khấu trước đó rồi.

Thời điểm song song với cuộc thi hoa hậu, tôi còn đang tham gia một vai diễn trong phim Thời thơ ấu của đạo diễn Lê Văn Duy. Tôi nhớ kỷ niệm sau hôm thi chung kết ở Hà Nội, ngày hôm sau phải bay ngay vào TPHCM, không có thời gian về nhà mà đi thẳng xe xuống Kiên Giang tiếp tục vai diễn, vì lúc này cả đoàn phim đang đình lại những cảnh quay có mình để tạo điều kiện cho tôi tham gia cuộc thi.

Thời đó không có internet nhanh nhạy như giờ. Thi hôm nay, ngày mai báo đưa tin, về đến TPHCM có người biết, có người không.

NSND Trịnh Kim Chi

Chú Lê Văn Duy đọc báo sáng hôm sau, chú biết và bất ngờ cùng anh em tổ chức một bữa tiệc chúc mừng nhỏ, ngay trong khung cảnh mùa nước nổi ở Kiên Giang (một trong những bối cảnh phim Thời thơ ấu là mùa nước nổi). Có người phải lội nước đến dự tiệc. Tôi thực sự xúc động, bất ngờ và nhớ mãi kỷ niệm đó.

Cái tình của những người làm nghề với nhau, của công chúng với nghệ sĩ, và việc được theo đúng chuyên môn mình đam mê là nền tảng rất vững để tôi theo đuổi nghề lâu dài. Nhưng có phần không nhỏ chính từ sự động viên của gia đình.

Ngày trước là sự ủng hộ của bố mẹ, sau là sự ủng hộ của chồng, con. Khi ông xã tôi từ nước ngoài về, ban đầu chưa biết gì về nghệ thuật, biểu diễn, tôi đưa anh đi cùng những đêm mình biểu diễn. Anh ngồi đợi xem kịch, nhìn mọi người làm việc và anh thấy thương những nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật.

Có khi thấy mọi người tập tới 2 giờ sáng, hết mình trên sân khấu, ăn uống thì thất thường nhưng vẫn say mê, quên hết cả mọi thứ. Vừa diễn xong có khi người lao đao muốn xỉu nhưng cảm giác có gì đó rất sướng khi được sống, được làm việc hết mình với nghề.

Anh nói: Sao cực khổ quá mà mọi người lao vào hết mình như thế? Và dù không nói ra nhưng anh vẫn luôn âm thầm ủng hộ vợ, ủng hộ sự hy sinh của vợ mình với nghề. Sự ủng hộ của gia đình chính là chất xúc tác để tôi gắn bó với nghệ thuật lâu bền đến bây giờ và có điều kiện để mình phấn đấu được nhiều hơn trong nghề.

- Còn các con, sự ủng hộ của các bé với mẹ như thế nào?

Thực sự, bây giờ các bạn nhỏ không quan tâm nhiều phim ảnh của mẹ đâu. Đơn giản vì không có thời gian. Chỉ đến hè các con thi thoảng mới xem phim truyền hình dài tập có mẹ tham gia.

Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi (giữa) trong một lần đến thăm các bậc tiền bối tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ

Đôi khi mẹ có vở diễn mới sẽ đòi đi xem, ban đầu vì tò mò nhưng sau sẽ cảm nhận được, hiểu được những vai diễn lẫn hiểu được công việc nên rất thương mẹ. Có một kỷ niệm vui, khi con gái út còn nhỏ, con hỏi sao ra đường mọi người đều cười với mẹ?

Tôi nói, sau này con lớn lên, con muốn người ta thân thiện với mình thì hãy giữ nụ cười thường trực trên môi, cười chào thì sẽ được cười chào lại thôi mà. Con nghe xong nói với mẹ, "A, con biết rồi, vì mẹ là diễn viên, là người nổi tiếng". Sự hãnh diện, niềm vui của các con cũng thêm nhiều động lực để tôi cố gắng.

- Khi nhìn vào những gia đình nghệ sĩ, mọi người đôi khi nghi ngờ tự hỏi họ có hạnh phúc thật không vì chuyện hợp tan trong giới nghệ diễn ra khá nhiều. Hàng chục năm giữ được "lửa ấm" gia đình mình, chị có bí kíp gì không?

Tôi có được hạnh phúc như vậy là nhờ ông xã biết thông cảm cho công việc của tôi. Tất cả điều ấy phải xuất phát từ yêu và thương. Biết rằng chồng thông cảm, thương yêu mình nhưng không nên lấy đó làm vũ khí hay để sống bạt mạng với công việc hay những niềm vui của mình.

Đôi khi mình cũng có giới hạn của một người vợ, người mẹ. Tôi cố gắng có những bữa cơm cùng gia đình, có những buổi vợ chồng con cái cùng ra ngoài ăn, dành thời gian để có mặt trong những dịp họp mặt gia đình… quan trọng hơn cả vẫn là sự sum vầy. Có những lúc bạn bè rủ đi chơi, tôi phải khất để ở nhà với ba cha con.

Ngoài ra còn cần sự tế nhị trong đời sống gia đình. Dù biết chồng yêu thương, quan tâm nhưng ngược lại mình cũng phải tỏ tình cảm của mình, không phải vì được yêu thương mà lấn lướt.

- Là người nỗ lực trong lĩnh vực sân khấu hàng chục năm, cũng vật lộn để sân khấu kịch của mình đi qua nhiều biến động, chị còn thấy nhiều khó khăn trước mắt không?

Bây giờ đã gần Tết nên hoạt động sân khấu đã sôi nổi hơn đáng kể. Nhưng nói vậy thôi, sân khấu vẫn đang đối mặt rất nhiều khó khăn.

Các ông bầu, bà bầu hiện giờ phải gồng mình để "giữ lửa" cho sân khấu, để sân khấu được tồn tại. Bên cạnh đó, những nghệ sĩ, diễn viên cũng cố gắng hết mình để giữ "lửa nghề". Chỉ có lòng đam mê thực sự, sự mong muốn được đứng trên sân khấu lớn hơn cả họ mới đến và ở lại với sân khấu như vậy.

Bởi hiện nay, sân khấu không đủ lương để có thể nuôi anh em có được một cuộc sống bình thường. Điều đáng mừng là trong khó khăn chung ấy, anh chị em vẫn đến và ở lại chia sẻ cùng nhau, cùng chung sức chung lòng để giữ sân khấu sáng đèn và giữ được sự phát triển của sân khấu.

Ở đây tôi không dám đòi hỏi nhưng nếu có sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía các cơ quan, ban, ngành thì những người làm sân khấu sẽ vững tin hơn, sân khấu cũng sẽ được đầu tư nhiều hơn về chất lượng.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Khôi Nguyên Thảo (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/trai-long-cua-a-hau-dau-tien-duoc-phong-danh-hieu-nghe-si-nhan-dan-20240105163730085.htm