Trai làng hồ hởi 'nổ' pháo đất tại lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc

Là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024, Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ XI (năm 2024) thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến cổ vũ.

Pháo đất là trò chơi dân gian có từ lâu đời ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trò chơi mô phỏng các nghi lễ cầu mùa, hình thành trong quá trình chống chọi thiên tai của con người. Mọi người đều tin rằng, tiếng pháo càng lớn sẽ mang lại một năm thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp…

Những năm gần đây, ngoài việc duy trì hội thi giữa các làng, cấp huyện hoặc liên vùng, tỉnh Hải Dương đã đưa Hội thi Pháo đất toàn tỉnh vào chương trình Lễ hội truyền thống Mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ông Nguyễn Trường Thắng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: "Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ XI năm 2024 không chỉ là sân chơi rèn luyện sức khỏe, thi đua giữa các địa phương mà còn thể hiện sự kế thừa, phát huy di sản văn hóa của cha ông".

Khu vực thi đấu pháo đất tại cổng chùa Côn Sơn, thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sân chơi được đảm bảo bằng phẳng để khi pháo đất tiếp xúc bề mặt sân gây tiếng nổ rền vang.

Liên hoan Pháo đất tỉnh Hải Dương năm 2024 thu hút trên 200 pháo thủ, với 7 đội pháo đất truyền thống đến từ 3 huyện Gia Lộc, Ninh Giang, Tứ Kỳ (Hải Dương).

Theo thể lệ thi, mỗi đội pháo đại chọn 27 pháo thủ chính thức, 3 pháo thủ dự bị, 4 trọng tài; mỗi đội pháo tiểu chọn 24 pháo thủ chính thức, 6 pháo thủ dự bị, 4 trọng tài.

Mỗi đội được thi đấu 3 dây pháo, mỗi dây chỉ được gieo 27 pháo/27 pháo thủ (pháo đại từ 70 - 80 kg/quả), 24 pháo/24 pháo thủ (pháo tiểu dưới 35 kg/quả). Các đội cùng thi đấu trong thời gian 45 phút.

Các đội tham gia sẽ tự chuẩn bị đất làm pháo (thường là loại đất thịt pha sét có độ dẻo cao và không lẫn tạp chất) được lấy từ những cánh đồng. Sau đó, nguyên liệu được sơ chế theo bí quyết riêng, đảm bảo có độ dẻo, mịn, không dính tay khi làm pháo.

Quá trình làm ra một quả pháo đất đòi hỏi người chơi cần có sức khỏe cùng sự khéo léo, tỉ mỉ.

Pháo đất thường có hình bầu dục, thành dày hơn đáy với đa dạng kích thước. Mỗi quả pháo có trọng lượng từ 35 - 80 kg, có một số quả pháo nặng đến 100 kg. Chính vì vậy, trước khi gieo, các thành viên trong đội cùng hỗ trợ nâng pháo lên cho pháo thủ.

Khi gieo, pháo thủ phải mở chân bằng vai, dồn lực vào hai gối, khép hai tay sát người, dùng lực của hai cánh tay để tán pháo rồi mới gieo pháo xuống.

Các pháo thủ dùng sức gieo pháo đất.

Những màn thi đấu pháo đất được người dân và du khách cổ vũ cuồng nhiệt.

Thành tích được tính bằng khoảng cách giữa hai đầu “manh pháo” (phần viền ngoài của pháo sau khi bung ra). Pháo đất gieo bị xịt, không nổ, hoặc có tiếng nổ nhưng manh pháo không văng ra, manh pháo có văng nhưng bị đứt đoạn đều... sẽ không được tính.

Các thành viên trong đội thi đấu hò reo, ăn mừng khi gieo pháo xuống đất thành công.

Người dân chụp ảnh, phát trực tiếp cuộc thi trên mạng xã hội.

Du khách nước ngoài thích thú ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng của Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương năm 2024.

Linh Giang - Huyền Chi/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/trai-lang-ho-hoi-no-phao-dat-tai-le-hoi-mua-xuan-con-son-kiep-bac-post1078942.vov