Trại giam An Phước nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì

(CATP) Sáng 18-10-2014, Trại giam An Phước (xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Trung tướng Cao Ngọc Oánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã về dự.

Trại giam An Phước được thành lập ngày 22-8-1994. Trong 20 năm qua, các thế hệ cán bộ chiến sĩ Trại giam An Phước đã nêu cao bản lĩnh chính trị, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng bộ và đơn vị trong sạch vững mạnh, đủ sức chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Đảng và ngành giao phó.

Trung tướng Cao Ngọc Oánh gắn Huân chương lên lá cờ truyền thống đơn vị

Trại đã tổ chức giáo dục chung 2.678 đợt cho 1.259.082 lượt phạm nhân tham gia, giáo dục riêng và giáo dục cá biệt 74.874 lượt phạm nhân, phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Phú Giáo tổ chức mở 26 lớp dạy văn hóa, xóa mù chữ cho 1.137 lượt phạm nhân, tổ chức 146 lớp giáo dục pháp luật, giáo dục công dân cho 3.611 phạm nhân và mở 36 lớp học chương trình tái hòa nhập cộng đồng cho 1.874 lượt phạm nhân sắp chấp hành xong hình phạt tù; phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên các tỉnh Bình Dương, Bình Phước tổ chức nhiều chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” cho trên 10 ngàn lượt phạm nhân; phối hợp với Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh tổ chức tư vấn pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, tìm kiếm việc làm cho phạm nhân sắp ra trại. Có 1.041 tập thể và 12.274 lượt phạm nhân được Ban Giám thị biểu dương khen thưởng qua các phong trào thi đua; tỷ lệ phạm nhân xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù từ trung bình trở lên hàng năm đạt trên 90%, trong đó có 70 - 80% cải tạo khá và tốt. Đề nghị Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 3.393 phạm nhân; giảm hết thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 2.054 phạm nhân; giảm thời hạn từ 2 tháng trở lên cho 22.848 lượt phạm nhân; có hơn 20.930 phạm nhân chấp hành xong án phạt tù về với gia đình.

Trại đã tổ chức truy bắt, thanh loại, vận động đầu thú 410 đối tượng trốn trại từ năm 1994 trở về trước. Nhiều trường hợp sau khi trốn trại đã thay tên đổi họ, thay đổi thường xuyên địa bàn cư trú; điển hình như phạm nhân Phạm Phi Long Thịnh trốn trại, thay đổi họ tên, đi bộ đội. Khi tổ truy nã đến bắt, y và gia đình dùng vũ khí thô sơ chống trả quyết liệt. Tuy nhiên nhờ làm tốt công tác phối hợp với chính quyền và công an địa phương đã nhanh chóng bắt được y đưa về trại. Phạm nhân Võ Xuân Thung (đối tượng nguy hiểm, phạm tội cướp tài sản, án 9 năm tù), sau khi trốn trại di chuyển địa bàn cư trú liên tục từ Đồng Nai, Bình Định, Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh và Kiên Giang. Lực lượng trinh sát của trại phối hợp với các cơ quan chức năng kiên trì theo dấu, phát hiện Thung đổi tên là Út Hiền đang làm thuê trên một tàu đánh cá ở vùng biển Kiên Giang. Phối hợp của Bộ đội Biên phòng thị xã Rạch Giá, CSHS CATP Rạch Giá, lực lượng trinh sát sử dụng ca nô chuyên dụng tiếp cận tàu cá đang đánh bắt tại khu vực đảo Thổ Chu, cách đất liền 120 hải lý và thực hiện lệnh bắt Thung trước sự ngỡ ngàng của các thuyền viên. Phạm nhân Ngô Thanh Tâm sau khi trốn trại từ năm 1986 đã nhiều lần thay tên đổi họ, tham gia vào các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội tỉnh Đắk Nông và tham gia tổ chức phản cách mạng tại tỉnh Gia Lai. Trinh sát đã trải qua nhiều khó khăn vất vả, đi xác minh nhiều nơi, lần theo dấu vết và cuối cùng bắt giữ Tâm tại nơi làm việc.

Phạm nhân được gia đình động viên

Đặc biệt phong trào “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” có đồng chí Nguyễn Văn Hoàn, chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ trong thời gian nghỉ tranh thủ về thăm người thân ở quận 12, TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện một vụ cướp giật tài sản, bất chấp nguy hiểm, anh truy đuổi bắt được tên cướp, thu hồi tài sản, giao đối tượng cho Công an quận 12 xử lý, được Bộ Công an tặng Bằng khen và Ủy ban nhân dân quận 12 tặng Giấy khen. Đồng chí Trịnh Quốc Hồng, cán bộ trinh sát trong hơn một tháng đã bắt và đề xuất thanh loại 4 đối tượng trốn trại có lệnh truy nã. Đồng chí Nguyễn Văn Thành, cán bộ giáo dục phân trại số 2 đã nhảy xuống giếng nước cứu một em bé trước sự cảm phục của mọi người. Ngoài ra còn nhiều cán bộ chiến sĩ tiêu biểu, nhất là cán bộ quản giáo không quản ngại khó khăn, tận tụy với công việc, cảm hóa, giáo dục phạm nhân giúp họ nhận ra lỗi lầm và cải tạo tốt sau khi được về sum họp gia đình.

Trại giam An Phước còn là đơn vị làm kinh tế giỏi, trồng và chăm sóc 800 ha cây cao su cùng hàng trăm hécta cây trồng khác, mỗi năm đem lại hơn 20 tỉ đồng đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước. Công tác trồng rừng cũng đem lại hiệu quả cao về kinh tế trong nhiều năm qua.

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trên, ngày 29-7-2008 Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng đơn vị danh hiệu Anh hùng LLVTND. Và hôm nay đơn vị được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=708&id=527217&mod=detnews&p=