Trái Đất đang ghi nhận cơn bão mặt trời 'cực đoan' đầu tiên sau 20 năm

Cơn bão mặt trời mạnh nhất trong hơn 2 thập kỷ đã tấn công Trái Đất vào ngày 10/5, tạo nên hiện tượng cực quang tại một số khu vực và gây ra nguy cơ gián đoạn các vệ tinh và lưới điện trong những ngày tới.

Cực quang trên bầu trời New Zealand ngày 10/5/2024. Ảnh: Dr. Andrew Dickson

Theo hãng tin AFP trích dẫn Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), một vụ phóng vật chất từ vành nhật hoa của Mặt Trời (CME) – cụm từ chỉ hiện tượng từ trường và plasma được giải phóng – xảy ra lần đầu tiên ngay sau 16:00 GMT hay 11:00 đêm ngày 10/5.

Ngay sau đó, các nhà khoa học nâng cấp hiện tượng này thành một cơn bão địa từ “cực đoan” - cơn bão đầu tiên được phân loại này kể từ “Cơn bão Halloween” tháng 10/2003 gây mất điện ở Thụy Điển và làm hư hỏng cơ sở hạ tầng điện ở Nam Phi. Trong những ngày tới, các nhà khoa học dự đoán nhiều đợt CME sẽ xảy ra hơn nữa.

Ngay khi đợt CME đầu tiên xảy ra, các phương tiện truyền thông tràn ngập các hình ảnh về cực quang được đăng tải bởi người dùng mạng xã hội tại các nước Bắc Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Ireland và Bắc Âu

AFP dẫn lời giáo sư vật lý vũ trụ của Đại học Reading Mathew Owens cho biết mức độ ảnh hưởng của các tác động trên các vĩ độ phía bắc và phía nam của hành tinh sẽ phụ thuộc vào sức mạnh cuối cùng của cơn bão. Ông đưa ra lời khuyên người dân nên đi ra ngoài và quan sát bầu trời bởi hiện tượng cực quang “sẽ rất ấn tượng”.

Trong khi đó, ông Brent Gordon, giám đốc chi nhánh dịch vụ không gian tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của NOAA, khuyến khích người dân cố gắng chụp bầu trời đêm bằng camera điện thoại ngay cả khi họ không thể nhìn thấy cực quang bằng mắt thường.

Ông cho biết: “Chỉ cần giơ điện thoại lên và chụp ảnh, bạn sẽ ngạc nhiên trước những gì bạn nhìn thấy trong bức ảnh đó so với những gì bạn nhìn thấy bằng mắt của mình”.

Không giống như ánh sáng có thể tới Trái Đất trong vòng 8 phút, CME di chuyển với tốc độ chậm hơn vào khoảng 800km/giây. Các CME phát ra từ một cụm vết đen mặt trời khổng lồ rộng gấp 17 lần hành tinh của chúng ta.

Từ trường dao động liên quan đến bão địa từ tạo ra dòng điện trong các dây dẫn dài, bao gồm cả đường dây điện, do đó dẫn đến khả năng mất điện. Đường ống dẫn cũng có thể bị nhiễm điện, dẫn đến các vấn đề kỹ thuật. Vì vậy, chính quyền nhiều quốc gia trong khu vực dự kiến bị ảnh hưởng bởi bão từ nhanh chóng thông báo cho các nhà khai thác vệ tinh, hãng hàng không và các nhà khai thác lưới điện thực hiện các bước phòng ngừa đối với những gián đoạn có thể xảy ra do thay đổi từ trường Trái Đất.

Ngay cả chim bồ câu và các loài khác có la bàn sinh học bên trong cũng có thể bị ảnh hưởng. Các tàu vũ trụ ngoài bầu khí quyền còn có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ tới từ bão từ. Trong bối cảnh đó, NASA có một đội ngũ chuyên trách đảm bảo an toàn cho phi hành gia và có thể yêu cầu họ di chuyển đến những nơi trong tiền đồn được bảo vệ tốt hơn trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Cơn bão địa từ mạnh nhất trong lịch sử từng được ghi lại là Sự kiện Carrington, xảy ra vào tháng 9/1859. Sự kiện này được đặt theo tên nhà thiên văn học người Anh Richard Carrington. Dòng điện quá mức trên đường dây điện báo vào thời điểm đó đã gây ra hiện tượng điện giật cho các kỹ thuật viên và thậm chí khiến một số thiết bị điện báo bốc cháy.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trai-dat-dang-ghi-nhan-con-bao-mat-troi-cuc-doan-dau-tien-sau-20-nam-post34525.html