Trách nhiệm với chính mình

Xin hãy đừng vì ảo tưởng của quyền lực thứ 4 mà quên đi trách nhiệm “trung thực thông tin” của người cầm bút.

Công bằng mà nói, nếu như không có những bài báo “thấu tình đạt lý”, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã không có một quyết định vào phút chót hay tử tù Hồ Duy Hải (Long An) được hoãn thi hành án vào giờ ngọ ngày 4.12.2014.

Nếu không có sự đeo đuổi sự việc, tìm đến tận cùng của sự thật, suốt mười mấy năm trời, hẳn người tù xuyên hai thế kỷ Huỳnh Văn Nén sẽ không có ngày được minh oan, từng đã giết tới hai mạng người.

Nếu không có sự vào cuộc của báo chí, “ông chủ quán Xin Chào”, chủ “cái lều vịt”… chắc cũng không có cái ngày được “giải oan” như trong mơ…

Ông chủ quán cafe "Xin chào" đã thoát tội nhờ sự vào cuộc của báo chí (Ảnh: Zing.vn)

Chỉ xin điểm lại những vụ việc làm dư luận nóng hổi những ngày gần đây. Và còn rất nhiều vụ việc tiêu cực, oan sai, những mặt trái của xã hội được báo chí phanh phui. Không ai phủ nhận những tác động tích của báo chí với xã hội - những cú "đòn xoay" ngoạn mục. Và không ít lời “nếu không có báo chí thì…”.

Tuy nhiên, bên những “nốt thăng” vẫn còn những “nốt trầm loạn nhịp" của nghề báo, để rồi dư luận phải trách than, để dư luận hoài nghi về sự trung thực, về đạo đức của người cầm bút.

Một nhà báo đã lĩnh án tù vì tống tiền doanh nghiệp, một nhà báo vừa mới sa vào vòng lao lý cũng liên quan đến tội danh tống tiền. Chuyện doanh nghiệp thở than bị nhà báo nhũng nhiễu, vòi phong bì, bị đánh hội đồng…không phải là không có cơ sở.

Thông tin sai sự thật, điển hình như “cây chổi quét rau” làm người dân trồng rau lao đao, dư luận thêm “hao hụt” niềm tin sự thật ở báo chí.

Trong khi hàng triệu trái tim đang hướng về vùng biển Nghệ An, nơi mà hai phi công lâm nạn trên biển trong buổi diễn tập, báo chí đưa tin, một phi công đã bơi vào bờ. Báo thì đưa tin, người bơi là Thượng tá Khải, có báo lại đưa là Thiếu tá Cường.

Thực tế là, mười mấy tiếng đồng hồ sau, rạng sáng ngày 15.6, Thiếu tá Cường được tàu của ngư dân cứu.

Dư luận bày tỏ thái độ với cách thông tin được cho là “nhẫn tâm”. Bởi, người đau nhất, khắc khoải nhất khi đọc được những thông tin theo kiểu “dự đoán” này, chính là người thân của các phi công lâm nạn.

Cũng không ít lời than, phản ứng “tôi không trả lời, tôi không gặp nhà báo”, sao lại có tên trên báo, nói cứ như thật. Kết quả của những bài báo “ngồi phòng lạnh, sao chép báo bạn”.

Không ít những thông tin bị hớ, phải nói lại cho rõ, phải đính chính, phải nhận phạt… khi nguồn tin được khai thác từ mạng xã hội. Hậu quả tất yếu của thời buổi bùng nổ báo điện tử, trang thông tin.

Cạnh tranh thông tin là sức ép lớn nhất với người làm báo điện tử. Sức ép này đã khiến một sự kiện, nhưng đã có những thông tin làm người đọc không biết tin vào sự thật ở báo nào.

Dư luận bị loạn thông tin. Chưa kể đến những nhận định, phán đoán từ góc nhìn chủ quan của nhà báo, đã hướng dư luận đến phản ứng lệch chiều, để rồi người đọc phải than thở rằng “mình đã bị lừa”.

Chỉ một vụ án giết người man rợ - thủ phạm Lê văn Luyện mà theo thống kê có tờ báo đã đăng trên trăm bài. Tương tự, vụ thảm án ở Bình Dương, dư luận bị bội thực. Có tờ báo còn đăng cả hình ảnh sáu nạn nhân.

Đành rằng, nghề nào cũng có mặt trái, nhưng với nghề báo thì đòi hỏi về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp phải đặt lên hàng đầu. Một thông tin sai sự thật trên báo chí, giết chết một doanh nghiệp. Bởi hàng triệu người đọc sẽ quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Một người tù oan từng đau đớn: Tôi bị bắt, chưa có bản án pháp luật, nhưng tôi đã nhận được bản án, phán quyết, kết tội từ báo chí.

Thế mới có chuyện, người tù xuyên hai thế kỷ Huỳnh Văn Nén đã gửi đơn đến Bộ Thông tin- Truyền thông, Hội Nhà báo khiếu nại một tờ báo đã có những bài báo quy kết ông tội giết người, khi chưa vụ án chưa được tòa án xét xử.

Nhân ngày nhà báo Việt Nam sắp đến, điểm lại đôi chút những “nốt trầm loạn nhịp” cũng là để nhà báo thấy được trách nhiệm cao cả của nghề nghiệp với xã hội, đó cũng là trách nhiệm với chính mình. Xin hãy đừng vì ảo tưởng của quyền lực thứ 4 mà quên đi trách nhiệm “trung thực thông tin” của người cầm bút.

Sự sống còn của báo chí chính là quyết định của người đọc.

Lê Hiếu

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/trach-nhiem-voi-chinh-minh-c8a419005.html