Trách nhiệm không của riêng ai

BPO - Để có môi trường sống trong lành, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế - xã hội phát triển như ngày nay phần lớn nhờ vào hệ sinh thái của rừng tự nhiên, nhất là tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Chính vì vậy, tăng cường hoạt động làm đa dạng sinh học có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bảo vệ môi trường sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Và nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hiện nay Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới.

Bài 1:
TRÁI TIM NHÂN ĐẠO VÀ HÀNH ĐỘNG NHÂN VĂN

Cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay nhiều loài động, thực vật bị đe dọa và một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng với muôn vàn lý do khác nhau. Bởi vậy, bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ là việc riêng của chủ rừng, chủ vườn, cộng đồng nhận khoán mà cả xã hội cùng chung tay vào cuộc, trong đó có các cá nhân, tổ chức quốc tế.

Hành động vì thiên nhiên

Sinh sống, lập nghiệp tại Cộng hòa Liên bang Đức nhưng vì tình yêu, trách nhiệm với thiên nhiên, chị Martina Junges đã lên đường sang Vườn quốc gia Cát Tiên làm tình nguyện viên cứu hộ gấu tại Trung tâm cứu hộ gấu Free the Bears. Chị Martina Junges chia sẻ: Tôi là người hâm mộ các hoạt động của Tổ chức Free the Bears, bởi họ đang làm những điều tuyệt vời cho thiên nhiên và loài gấu. Tôi tự hào khi đến Vườn quốc gia Cát Tiên và có thể làm việc với Trung tâm cứu hộ gấu Free the Bears lâu dài để bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Các cá thể gấu được cứu hộ, chăm sóc tại Vườn quốc gia Cát Tiên

Cá thể vượn đen má vàng được cứu hộ, chăm sóc và tái thả khu vực bán hoang dã Vườn quốc gia Cát Tiên

Chị Martina Junges là một trong số rất nhiều tổ chức, cá nhân đang chung tay bảo tồn động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cát Tiên cùng Tổ chức Free the Bears (một tổ chức phi chính phủ quốc tế Úc về bảo vệ động vật hoang dã được thành lập năm 1995).

Giám đốc điều hành Tổ chức Free the Bears tại Việt Nam Nguyễn Văn Dũng cho biết, việc xây dựng và vận hành các trung tâm gấu khu vực ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung nhằm chấm dứt tình trạng các trang trại nuôi lấy mật và đem cá thể gấu về trung tâm sống an toàn, hạnh phúc đến cuối đời. Hiện nay, nhiều cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong trang trại và các hộ dân không được đối xử nhân đạo. Các cá thể gấu này phải chịu chế độ ăn nghèo nàn, sống trong những chuồng cũi chật hẹp, không được chăm sóc về thú y… Cũng giống như con người, gấu cần được hưởng cuộc sống tự do trong rừng - nơi thuộc về nó, có quyền được sống, được yêu thương, chăm sóc và bảo vệ. Hiện cả nước còn khoảng 300 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt trong hơn 100 cơ sở tư nhân. Con số này đã giảm hơn 90% trong gần 20 năm qua từ 4.300 cá thể (năm 2005).

“Chúng tôi mong rằng các chủ nuôi cần có “trái tim nhân đạo cùng với hành động nhân văn”, sớm chuyển giao gấu nuôi nhốt đến các trung tâm cứu hộ ở Việt Nam để chúng có cuộc sống tốt đẹp hơn, tạo điều kiện cho các quần thể gấu trong tự nhiên được phục hồi và phát triển”.

Ông NGUYỄN VĂN DŨNG, Giám đốc điều hành Tổ chức Free the Bears tại Việt Nam

Ngoài cứu hộ, Trung tâm cứu hộ gấu Free the Bears cho phép khách du lịch tham quan để giáo dục về nhận thức bảo tồn gấu nói riêng và bảo tồn động vật hoang dã nói chung. Đồng thời nghiên cứu tái thả gấu về tự nhiên từ các cá thể gấu có thể phục hồi. Tất cả cá thể gấu khi về trung tâm theo một quy trình khép kín: chăm sóc, cách ly, chữa trị, phục hồi và tái thả.

Cái kết có hậu

Trung bình mỗi năm Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập tiếp nhận khoảng 100 cá thể động vật hoang dã thuộc nhóm 1B (nhóm cực kỳ quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng) và nhóm 2B (nhóm nguy cơ cao) do các đơn vị, tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp và tang vật trong các vụ án do lực lượng chức năng thu giữ từ hoạt động bẫy bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép. Các cá thể động vật hoang dã sau khi tịch thu, tiếp nhận được bàn giao cho Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch, Cứu hộ và Bảo tồn của vườn cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng, tập luyện, phục hồi bản năng hoang dã, khi đủ điều kiện sẽ thả về rừng tự nhiên.

Các cá thể động vật hoang dã được cán bộ, nhân viên Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch, Cứu hộ và Bảo tồn, Vườn quốc gia Bù Gia Mập tận tình chăm sóc, xem như bạn nên nhanh phục hồi, tỷ lệ tái thả về tự nhiên cao

Với số lượng tiếp nhận luôn quá tải, trong khi kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực eo hẹp chưa thể đáp ứng đủ nhưng với tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên nơi đây nên tỷ lệ tái thả về rừng tự nhiên luôn ở mức cao, gần 90%. Sau khi tái thả sẽ theo dõi thêm một thời gian ở rừng tự nhiên để đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho động vật, đúng nghĩa với công tác tái thả, để động vật có thể tồn tại tốt nhất trong môi trường tự nhiên.

Anh Nguyễn Đức Trọng, nhân viên gắn bó với công tác cứu hộ thuộc Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch, Cứu hộ và Bảo tồn, Vườn quốc gia Bù Gia Mập từ nhiều năm qua cho biết: Trung tâm cứu hộ còn khá mới, trong khi cơ sở vật chất thiếu thốn, sơ sài, xuống cấp nên luôn trong tình trạng quá tải nếu tiếp nhận hết động vật do các đơn vị, tổ chức, cá nhân bàn giao. Để làm tốt công tác cứu hộ, ngoài đầu tư cơ sở vật chất thì cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân nói không với săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã trái pháp luật.

Dù khó khăn nhưng với tình yêu thiên nhiên, động vật hoang dã, các cán bộ, nhân viên luôn nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi những phương pháp tốt nhất để cứu hộ thành công. Đặc biệt, cán bộ, nhân viên xem động vật hoang dã như là bạn thân thiết, tìm cách gần gũi, tiếp cận, lắng nghe hằng ngày để nhận biết được tập tính riêng của “bạn”, từ đó đưa ra phương pháp phục hồi tốt nhất, sớm tái thả về môi trường tự nhiên.

Tâm huyết, trách nhiệm với công việc đã viết nên câu chuyện đẹp, hy hữu tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Đó là 1 cặp vượn đen má vàng đã sinh 3 cá thể con khỏe mạnh trong môi trường nuôi nhốt, trong đó 1 cá thể con đã tái thả thành công vào môi trường tự nhiên. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, bởi loài động vật nguy cấp quý hiếm này rất ít sinh sản trong môi trường tự nhiên, còn môi trường nuôi nhốt, bán hoang dã thì độ khó gấp bội.

Cặp vượn đen má vàng nuôi nhốt cho sinh sản cá thể con tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Cặp vượn đen má vàng được người dân giao nộp năm 2013, năm 2015 đã sinh sản và đến nay đã sinh sản 3 lần. Đây là niềm vui lớn, “trái ngọt” cho công tác cứu hộ, nuôi dưỡng, được các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Bởi ngoài phục vụ công tác tuyên truyền, nghiên cứu, học tập thì đây còn là tiềm năng để bảo tồn nguồn gen cực kỳ quý hiếm này.

Hiện khu cứu hộ, bảo tồn Vườn quốc gia Bù Gia Mập có 2 gia đình vượn đen má vàng với tổng 6 cá thể (1 cặp tiếp nhận năm 2013 đã sinh sản, 1 cặp ghép tiếp nhận năm 2018 chưa đến thời kỳ sinh sản). Đây là động vật hoang dã thuộc nhóm 1B được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt, cấm khai thác và sử dụng với mục đích thương mại.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/156108/trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai