Trách nhiệm không của riêng ai

Từ ngàn đời nay, di sản văn hóa luôn là báu vật mà thiên nhiên ban tặng, là kết tinh của quá trình lao động, sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng.

Hiện nay, nước ta có hệ thống di sản quý giá, bao gồm: Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; di sản văn hóa phi vật thể; di sản tư liệu thế giới; di tích quốc gia đặc biệt; hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia; di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Trong những năm qua, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của nước ta đã đạt nhiều thành tựu, góp phần bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của quá khứ, đồng thời khai thác tốt phương diện kinh tế - xã hội của di sản, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và niềm tự hào của mỗi người dân về di sản cha ông ta đã gây dựng...

Tuy vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nổi lên là chưa xử lý tốt quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo đảm quyền lợi cho người dân nơi có di sản. Việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp ở một số di sản làm theo kiểu “hiện đại hóa”, “hào nhoáng” đã làm mất đi nét chân thực, tính độc đáo vốn có của di sản. Sức ép của quá trình đô thị hóa, thực trạng biến tướng trong khai thác di sản, tận thu mà không đầu tư cho giữ gìn, bảo tồn; sự xuống cấp của di sản văn hóa và thiên nhiên do thời gian, tác động của thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu...

Di sản văn hóa không dễ hình thành, nhưng lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất đi. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa mang tính lâu dài; đặc biệt, không phải nhiệm vụ riêng của một cấp, ngành hay địa phương nào, mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

Trên tinh thần này, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách để nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản. Đặc biệt, việc xã hội hóa trong lĩnh vực này là xu hướng tất yếu và cần thiết. Di sản cần được bảo tồn, phát huy từ gia đình, thôn bản, trường học và xã hội; đồng thời cần đặt trong tổng thể các mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa các địa phương, các dân tộc, giữa văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn và phát triển để bảo đảm văn hóa và di sản sẽ gắn kết cộng đồng, tăng tình đoàn kết, mang lại thêm sức mạnh nội sinh cho công cuộc phát triển.

Để bảo vệ di sản một cách bền vững, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực thi các quy định pháp luật, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đồng thời kịp thời, nghiêm khắc xử lý vi phạm (nếu có). Song song đó là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý di sản, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, kiểm kê, làm hồ sơ khoa học cho di sản, là căn cứ cho công tác bảo tồn và phát huy. Huy động hiệu quả trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội, đặc biệt là tận dụng vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản.

Di sản văn hóa là sự phản ánh của tinh hoa và bản sắc văn hóa của mỗi địa phương, vùng miền. Do vậy, việc lưu giữ, bảo tồn, trao truyền di sản là nhiệm vụ hết sức cần thiết, thể hiện sự tri ân đối với tiền nhân, đồng thời là trách nhiệm của chúng ta với thế hệ sau.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1047827/trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai