Trách nhiệm của thế hệ hôm nay với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Chủ nhân khởi thủy của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là cộng đồng người Việt ở 122 làng thuộc tỉnh Phú Thọ.

Họ là nông dân sinh sống bằng nghề trồng lúa và hoa màu. Hiện tại, chủ nhân của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tất cả người dân Việt Nam sống trong nước và nước ngoài.

Nghi lễ rước kiệu lên Đền Hùng. Ảnh: TUẤN ĐỨC

Các thế hệ người Việt sáng tạo ra hình ảnh vị vua dựng nước, giữ nước vừa thực vừa ảo, vừa thiêng liêng như tổ tiên của dân tộc, đồng thời như một thánh vương dạy dân trồng lúa, nguồn lương thực chính của người Việt. Chính vị trí đặc biệt của nhân vật thờ cúng và lễ vật đặc trưng của người Việt như bánh chưng, bánh giầy thu hút sự quan tâm của người Việt ở trong nước, nước ngoài và bạn bè quốc tế. Việc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng nghìn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt. Không gian thờ cúng Hùng Vương tập trung nhiều người thực hành nhất là các ngôi đền: Hạ, Trung, Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh, TP Việt Trì. Tín ngưỡng này còn được thực hiện ở một số nơi thuộc các tỉnh Bắc Bộ, từ đây lan tỏa vào Trung Bộ, Nam Bộ và ở một số quốc gia có người Việt Nam sinh sống.

Lễ hội tái hiện Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Ảnh: ĐINH QUANG TÚ

Được coi là Thủy Tổ của dân tộc-đất nước, nên người Việt rất coi trọng thờ cúng Hùng Vương. Ý thức này trở thành tập quán, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hàng nghìn năm nay. Trong các làng, xã thờ cúng Hùng Vương, lễ vật: Bánh chưng, bánh giầy, bánh mật, tam sinh (thịt lợn, bò, dê) được chuẩn bị công phu, nghi thức thờ cúng tuân thủ những quy định truyền lại từ nhiều đời. Những người thay mặt dân làng tham gia đám rước, hành lễ, đọc chúc văn được cộng đồng lựa chọn cẩn thận theo tiêu chuẩn: Có hiểu biết, có tư cách đạo đức, sống hòa thuận, được cộng đồng tin tưởng, kính trọng. Những người chủ tế và bồi tế được những người già có kinh nghiệm truyền dạy các động tác lễ bái thuần thục theo quy chuẩn truyền thống, hài hòa với đội tế. Nghi lễ thờ cúng, lễ hội, bí quyết, kinh nghiệm làm các lễ vật như bánh chưng, bánh giầy, bánh mật, tam sinh dâng cúng, các diễn xướng dân gian như hát xoan, trò tùng dí, bách nghệ khôi hài, lễ xuống đồng, lễ rước vua về ăn Tết... liên quan đến Hùng Vương được các thế hệ trước lưu giữ, trao truyền cho thế hệ kế tiếp theo kiểu truyền khẩu.

Trước năm 1945, các vương triều quân chủ từ nhà Lê đến nhà Nguyễn đã ghi nhận tập quán xã hội này thông qua việc cấp sắc phong cho cư dân các làng thờ cúng Hùng Vương. Cư dân các làng quanh núi Nghĩa Lĩnh còn được cấp “công điền” để có hoa lợi phục vụ cho việc thờ cúng. Nghi lễ thờ cúng tại các ngôi đền ở núi Nghĩa Lĩnh do cộng đồng tiến hành với vai trò chủ lễ của người đại diện chính quyền trung ương, địa phương trước đây theo quy định của triều đình.

Từ năm 1945 đến nay, Đảng, Nhà nước ta càng chú trọng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thông qua nhiều đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy. Từ năm 2012 đến nay, sự nghiệp bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được nâng lên thành công việc không chỉ có ý nghĩa quốc gia mà còn có tác dụng với quốc tế: Bảo vệ, phát huy một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở Việt Nam. Nhiều công việc được Đảng, Nhà nước, cộng đồng đã và sẽ thực hiện để tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hành trình cùng dân tộc Việt Nam đến tương lai.

Vấn đề bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang đặt ra nhiều nội dung cần giải quyết. Trong số 181 đền, đình, miếu có liên quan đến Hùng Vương thì khoảng 20% là phế tích do thời gian, chiến tranh, khí hậu, thì cộng đồng đều có nguyện vọng xây dựng lại và khôi phục lễ hội, tế lễ liên quan. Có nhiều làng đã tự nguyện đóng góp tiền, công sức để phục dựng các cơ sở thờ tự, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của mình. Ở một số làng, các bậc cao niên đã tự sưu tầm, biên soạn hoặc biên dịch các truyền thuyết và các thư tịch khác liên quan đến Hùng Vương cung cấp cho đông đảo bạn đọc.

Trở ngại cho việc bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự “hành chính hóa” nghi thức thờ cúng, gần đây về cơ bản đã được hạn chế bằng cách tăng cường vai trò của cộng đồng. Người dân ở các làng, xã phục hồi những diễn xướng dân gian liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương đã mai một, thất truyền, phục dựng một số không gian thờ cúng Hùng Vương với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Một trong những giải pháp phục dựng không gian thờ cúng Hùng Vương tại các làng, xã, có thể kể tới: Xây dựng kế hoạch điều tra tổng thể các thành tố, các tác phẩm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tập trung nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá các loại hình văn hóa phi vật thể, tìm ra những khâu trọng yếu để kịp thời bảo vệ và từng bước phục hồi, phát huy giá trị di sản phi vật thể trên toàn tỉnh Phú Thọ nói riêng, cả nước nói chung; tổ chức phục dựng bảo đảm được nghi lễ truyền thống và các trò diễn dân gian để cộng đồng thỏa mãn được nhu cầu tín ngưỡng và giải trí; tiếp tục đầu tư bổ sung để hoàn chỉnh các nội dung tổ chức lễ hội hiện nay; khôi phục sinh hoạt văn hóa, trò diễn dân gian của các lễ hội gắn với các vị Hùng Vương.

Ngoài ra, chúng ta cần mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với các cộng đồng trên địa bàn cả nước và một số cộng đồng người Việt Nam thờ Hùng Vương ở một số nước; xây dựng một ngân hàng dữ liệu về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ phục vụ công cuộc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, phát huy tác dụng của trạm vệ tinh thuộc ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể tại Đền Hùng; hoàn thiện việc sưu tập dịch ra tiếng Việt các tư liệu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung và những thứ tiếng khác liên quan đến Hùng Vương và thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài để lưu trữ, phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng đối với các tư liệu đã có từ trước đến nay. Cần phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mới đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng cao trong thời đại mới nhằm đề ra hướng bảo vệ, phát huy tác dụng của các di sản văn hóa, cả vật thể lẫn phi vật thể một cách cao nhất. UNESCO có một diễn ngôn: “Sự sáng tạo của quá khứ là văn hóa của ngày nay: Hãy bảo vệ nó cho thế giới tương lai”.

Năm 2012, UNESCO đã vinh danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hơn 10 năm qua, tỉnh Phú Thọ và các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực có những biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Điều đó có ý nghĩa nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong bối cảnh cuộc sống đương đại, thực hiện chương trình hành động quốc gia mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với UNESCO là bảo đảm di sản trường tồn và giữ vững danh hiệu mà UNESCO đã ghi danh. Với sự đồng thuận của các cấp, các ngành, đặc biệt là của cộng đồng, di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và sẽ được thực hành, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trường tồn cùng với sự phát triển của dân tộc. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự nặng nề nhưng cũng vinh quang.

GS, TS NGUYỄN CHÍ BỀN, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/trach-nhiem-cua-the-he-hom-nay-voi-tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-773224