Trách nhiệm cộng đồng - Ý thức công dân

'Thủy, hỏa, đạo, tặc' hay 'Nhất thủy, nhì hỏa' là mối đe dọa thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt và hỏa hoạn, trộm cắp, giặc cướp gây ra đã được ông cha ta đúc kết, lưu truyền, trong đó nước và lửa đứng hàng đầu. Thực tế đã chứng minh, ít có tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của con người như trong các vụ hỏa hoạn, mà nguyên nhân gây cháy chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ, một sự cố chập điện hoặc do những bất cẩn của con người. Do đó, trách nhiệm phòng chống cháy nổ không phải của riêng cá nhân, đơn vị nào, mà là của cộng đồng xã hội, trong đó đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi công dân.

Lực lượng PCCC& CNCH TP Việt Trì dập đám cháy do chập điện tại đường Trần Nguyên Hãn, phường Thanh Miếu. Ảnh: Phạm Kim

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh, trong chín tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 47 vụ cháy và sự cố liên quan đến cháy (13 vụ cháy và 34 sự cố cháy), gây thiệt hại về tài sản khoảng 1,3 tỷ đồng, thiêu rụi 860m2 kho chứa nguyên liệu chè, 1.000m2 kho chứa giấy thành phẩm và 6,2ha rừng. Nguyên nhân của các vụ cháy đa phần là do: Sự cố hệ thống, thiết bị điện; bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa; có một số vụ không xác định được nguyên nhân và đang điều tra làm rõ...

Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nhưng có thể khẳng định trong đó có cả ý thức của con người. Qua các vụ cháy cho thấy, công tác PCCC ở nhiều cơ quan, công xưởng, nhà máy, trung tâm thương mại, cơ sở buôn bán, thậm chí cả nhà dân… chưa được quan tâm đúng mức; việc đầu tư các trang thiết bị chữa cháy chỉ để đối phó với các đoàn kiểm tra hơn là để phòng cháy. Do vậy, mỗi khi có cháy nổ, các lực lượng PCCC chuyên nghiệp đến nơi thì đã muộn hoặc gặp rất nhiều khó khăn.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Cẩm Khê, UBND xã Phú Lạc ra mắt điểm chữa cháy công cộng tại khu Bắc Tiến 2, xã Phú Lạc.

“Phòng cháy hơn chữa cháy”, làm tốt công tác phòng ngừa ngay từ đầu, sẽ hạn chế được tối đa hậu quả của cháy nổ gây ra. Trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh đã đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với Báo Phú Thọ và Đài PT&TH tỉnh, Phòng PX03 xây dựng phóng sự, các chuyên đề liên quan đến công tác PCCC; tổ chức tuyên truyền về PCCC tại 86 khu dân cư, 20 trường học với trên 6.500 nghìn lượt người tham dự; mở 206 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, CNCH cho lực lượng cơ sở với trên 9.000 người tham gia học tập. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng, củng cố 2.161 đội dân phòng tại khu dân cư, với trên 20.800 người tham gia; hướng dẫn xây dựng mới 23 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại khu dân cư và 11 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” phát huy hiệu quả công tác chữa cháy theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Với mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, mỗi gia đình được lắp đặt một phương tiện báo cháy để báo động cho các thành viên trong tổ liên gia khi có sự cố cháy nổ xảy ra và trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ.

Tổ liên gia có trách nhiệm nắm tình hình liên quan đến công tác PCCC, CNCH kịp thời phản ánh đến UBND xã, công an xã để nhanh chóng xử lý; tuyên truyền, vận động các thành viên hộ gia đình thuộc tổ liên gia tự giác chấp hành các quy định pháp luật về PCCC; thực hiện các điều kiện an toàn PCCC; các phương án thoát nạn, tổ chức lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ khi có cháy, nổ, sự cố tai nạn xảy ra...

Lực lượng chức năng kiểm tra các thiết bị PCCC tại cơ sở kinh doanh karaoke Top New, thành phố Việt Trì.

Mô hình “điểm chữa cháy công cộng” được bố trí tại các ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà có chiều sâu 50m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận; được trang bị sẵn các phương tiện như: Bình chữa cháy, xà beng, búa, kìm thủy lực. Các điểm chữa cháy luôn được bố trí ở các vị trí thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện chữa cháy, CNCH; không cản trở đi lại của người dân, tránh mưa nắng và có biển thông báo.

Qua thời gian triển khai thực hiện, mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” đã và đang phát huy tác dụng, góp phần thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác PCCC, làm giảm thiểu các sự cố cháy nổ xảy ra tại khu dân cư, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Trong chín tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh tập trung triển khai ba chuyên đề kiểm tra PCCC đối với các cơ sở trọng điểm nguy hiểm về cháy, nổ như: Chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh, bảo quản xăng dầu, cơ sở chế biến gỗ và các cơ sở sản xuất sản phẩm cao su. Qua kiểm tra 384 lượt/364 cơ sở kinh doanh karaoke, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 32 trường hợp, phạt tiền 82,65 triệu đồng, ra quyết định tạm đình chỉ 20 trường hợp.

Trong thực hiện kiểm tra công tác PCCC&CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, phòng đã ký cam kết an toàn PCCC đối với trên 22.000 hộ, 2.300 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn gần 9.000 hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ hai; tuyên truyền 15.000 hộ trang bị bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thô sơ.

Tiến hành kiểm tra an toàn PCCC&CNCH trên 13.800 lượt cơ sở quản lý; kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính về PCCC 510 trường hợp, phạt tiền trên 1,5 tỉ đồng, ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động 47 cơ sở không đảm bảo quy định về PCCC, đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử tỉnh.

Mỗi vụ cháy xảy ra luôn để lại hậu quả vô cùng to lớn về vật chất và con người. Vì thế, để công tác phòng chống “giặc lửa” thực sự hiệu quả, cùng với việc trang bị phương tiện PCCC ngày càng hiện đại, hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về PCCC bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và có tính khả thi cao, thì việc nâng cao ý thức của mỗi người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền cơ sở, các tổ chức, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác PCCC, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và chủ hộ. Mỗi người dân, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định về PCCC, cần phải tự nâng cao kỹ năng về PCCC, kỹ năng thoát nạn khi cháy xảy ra đồng thời trang bị những phương tiện chữa cháy tại gia đình…

Thượng tá Nguyễn Quốc Cường - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh khẳng định: “Mọi hoạt động PCCC đều phải được giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Vì vậy cần chú trọng xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC với phương châm “bốn tại chỗ” là: Lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân, chỉ huy ở trong dân. Người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là lực lượng trực tiếp, tại chỗ, ban đầu tham gia chữa cháy.

Song song với xây dựng phong trào toàn dân, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục được kiện toàn theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến lên hiện đại; trong đó ưu tiên xây dựng và triển khai các đội Cảnh sát PCCC&CNCH tại các địa bàn, khu vực trọng điểm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực PCCC, CNCH; ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác PCCC và CNCH”.

PCCC không phải là việc của riêng ai, đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, mỗi người dân, chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể cần tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Có như vậy, công tác PCCC mới thực sự có những chuyển biến tích cực, hạn chế tối đa những thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Thu Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/trach-nhiem-cong-dong-y-thuc-cong-dan/187444.htm