Trách nhiệm công dân trước lá cờ Tổ quốc

Cả nửa tháng trời xa nhà và bận rộn với một dự án đòi hỏi tính kỷ luật cao khiến nỗi lo trong tôi cứ lớn dần khi thời hạn hoàn thành bài vở cho tòa soạn càng đến gần. Và, cái nỗi lo đó lại lên tới đỉnh điểm khi mỗi ngày lần giở mục 'memories' (ký ức) trên trang Facebook cá nhân thì chẳng nhặt ra được mảnh 'ký ức mạng' nào đáng giá cả.

Toàn những chuyện vụn vặn, không trào lộng tầm phào thì cũng bóng banh sân cỏ. Để rồi cứ như đánh đố, đến đúng hôm tới hạn giao bài, hai dòng ngắn ngủi với bức ảnh được chụp ngay ngắn ở sân cơ quan ập vào và cộng hưởng với mấy chuyện liên quan suốt thời gian gần đây đã giúp tôi bật ra tiếng "eureka" thần thánh.

Lễ chào cờ tại cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang)

"Kể từ hồi COVID-19 đến giờ mới được chào cái cờ. Cây bàng vuông sân cơ quan vẫn tươi tốt quá", tôi đã đính kèm những dòng ấy với tấm ảnh "tự sướng" lúc chuẩn bị chào cờ thứ Hai đầu tuần. Đó là ký ức mạng của 2 năm trước, ở thời điểm dịch COVID-19 mới tạm yên một chút, đời sống mới trở lại "bình thường mới" với vô vàn những e dè. Tôi còn nhớ, buổi đi chào cờ đầu tuần đó phố vẫn vắng lắm. Trong ảnh, anh chị em cũng vẫn còn đeo khẩu trang hết.

Chuyện chào cờ đầu tuần tại cơ quan tôi là chuyện quá thường tình rồi, không có gì còn là ấn tượng lớn nữa để mà dù gợi ra được một "ký ức mạng" có chuyện. Song, vô tình sao, chỉ cách đây chừng hơn 1 tháng, trên lề đường Võ Văn Tần, TP Hồ Chí Minh, cậu em đồng nghiệp của tôi đã nói một câu khiến tôi giật mình. Khi ấy, cậu chỉ lá quốc kỳ được cắm ở bên đường đối diện, ở sân trụ sở của một công ty thương mại nào đó mà tôi không buồn nhớ tên, và nói: "Em cực kỳ khó chịu với chỗ nào treo quốc kỳ mà ẩu tả, treo ngược lá cờ cũng không buồn để ý mà chỉnh lại luôn". Tôi giật mình nhớ ra cái hình ảnh lá quốc kỳ bị treo cẩu thả tương tự thế không phải là ngoại lệ hiếm hoi. Dường như, có một số người chỉ quan niệm cứ treo cờ lên là xong nhiệm vụ của mình rồi.

Và nhân nói đến quốc kỳ, đến chào cờ đầu tuần, bạn hãy thử tự hỏi chính bản thân mình xem "đã bao lâu rồi mình chưa hát Quốc ca". Chắc sẽ có không ít người sực nhớ ra lần cuối cùng mình hát Quốc ca là khi xem Đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu ở một đấu trường nào đó. Lỗi có phải chỉ do một mình cá nhân chúng ta hay không, khi chúng ta bỏ qua những buổi chào cờ vốn dĩ cần phải có để bồi đắp niềm tự hào chung trong lòng mình? Đúng là sự lãng quên là do cá nhân nhưng cũng cần nhìn vào những người chịu trách nhiệm điều hành các tập thể. Khi họ, vì lý do nào đó, "lờ" đi cái việc cần tổ chức buổi chào cờ cho nhân viên của mình, đó là lúc họ đã tước đi một cái quyền rất đơn sơ của mỗi cá nhân trong tập thể: quyền được bày tỏ sự tôn trọng những biểu tượng quốc gia cũng như bày tỏ tinh thần quốc dân của mình.

Chuyện gần nhất cũng liên quan tới chào cờ chính là việc tôi gặp ở Nhật Bản trong chuyến đi công tác của mình lần này. Khi được mời lên phát biểu trong các buổi lễ, điều tôi nhận ra rất rõ là tất cả các nhân vật phía Nhật Bản đều cúi đầu chào hình ảnh lá quốc kỳ của họ trước khi quay xuống chào khán phòng. Ngay cả khi cái hình ảnh lá quốc kỳ khi ấy chỉ được thể hiện bé xíu bằng lòng bàn tay trên phông nền sân khấu thôi, cái cúi chào của họ cũng không thay đổi. Ở đây, vấn đề không chỉ còn là chuyện yêu nước như thế nào, yêu sâu đậm hay không nữa rồi. Nó đã trở thành một nghi thức bắt buộc mà mỗi công dân Nhật Bản được dạy từ khi còn trên ghế nhà trường. Khi nghi thức bắt buộc đó được hình thành thành một thói quen, nó tạo ra một tập quán chung của cả xã hội. Và nếu khi đã thành tập quán của cả xã hội, kẻ nào đi ngược lại nó, kẻ đó sẽ cảm thấy mình trơ trọi, lạc loài tới mức xấu hổ.

Những bạn nào có con đang học tiểu học, hãy thử một lần dừng lại ở buổi chào cờ đầu tuần của con mình tại trường học và thầm đứng chào cờ với các cháu từ xa một cách bí mật. Chắc chắn, bạn sẽ thấy tiếng hát Quốc ca khỏe khoắn hơn, hào hùng hơn. Cơ bản, những đứa trẻ còn ngây thơ được dạy đó là điều tốt đẹp và chúng tin vào điều tốt đẹp ấy nên biểu hiện ra một cách hết mình. Chúng ta cũng từng là những đứa trẻ như thế. Vậy thì tại sao khi trưởng thành, chính chúng ta lại để mình phai nhạt dần cái tinh thần đáng quý ấy? Mưu sinh hay sự lười biếng của một vài cá nhân cá biệt nào đó chỉ là lý do bề mặt. Cái cơ bản là chúng ta chưa được đặt vào một tinh thần quy củ đủ để sự tôn trọng biểu tượng quốc gia một cách tuyệt đối trở thành tập quán truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Lễ chào cờ tại một trường phổ thông

Nếu như có một quy định ngắn gọn yêu cầu mọi công dân khi gặp hình ảnh quốc kỳ thì phải đứng nghiêm thực hiện động tác chào nhanh gọn chẳng hạn, tôi tin rằng chỉ sau 1-2 năm, thói quen sẽ đủ mạnh để tạo nên tập quán chung. Tất nhiên, đọc đến đây, sẽ có những kẻ ưa "cà khịa" cho rằng "Ơ thế ví dụ những ngày quốc lễ cả nước treo cờ thì cứ phải đi một bước lại chào một cái à". Những ý kiến dạng này thực tế chẳng đóng góp được gì bởi bản thân họ đã không chịu hiểu thế nào là "hình ảnh quốc kỳ". Gặp duy nhất 1 lá quốc kỳ xuất hiện hay bước ra phố thấy nhà nhà, phố phố, phường phường treo quốc kỳ thì cũng tương đồng nhau ở chỗ "hình ảnh quốc kỳ". Và vì thế, chỉ cần thực hiện nghi thức chào một lần thôi là đủ rồi. Nhưng tranh cãi nào thì cũng vậy cả. Một khi quy định đề ra là đúng, và kể cả chế tài thật nghiêm cho hành vi vi phạm cũng được xây dựng chuẩn chỉ, chắc chuyện tranh cãi cũng xẹp sau dăm ba ngày để thói quen sẽ được hình thành trong mỗi người.

Và cái vượt trên hết, cơ bản nhất của chuyện tập quán tôn trọng biểu tượng quốc gia được hình thành chính là nó sẽ từ cái nghi thức thông thường dẫn tới niềm tự hào được đắp bồi trong trái tim mỗi con người. Khi ấy, cái phấp phới của lá quốc kỳ không còn chỉ là hình ảnh có thể được nhìn thấy bằng mắt thường ở ngoài đời thực nữa mà còn là cái phấp phới từ trong trái tim. Từ cái phấp phới trong tim kia, mỗi người sẽ ý thức được cái gì mình cần làm để vừa có lợi cho bản thân mà vừa mang lại lợi ích cho xã hội. Đó mới chính là tinh thần quốc dân cao cả nhất.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/trach-nhiem-cong-dan-truoc-la-co-to-quoc-i713791/