Trà Vinh tạo sức bật giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 34% khu vực Tây Nam bộ). Những năm qua, Trà Vinh luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thông qua thực hiện các chính sách, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân, đời sống của đồng bào ngày càng khởi sắc.

Anh Kim Sà Phol, ấp Xóm Chòi, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh (ngoài cùng bên trái) trồng cây màu xen canh, giúp anh có thu nhập ổn định. Ảnh: Gia Uyên

Tạo sức bật giảm nghèo vùng đồng bào DTTS

Trà Vinh đã và đang thực thi nhiều chính sách, tác động to lớn đến các mặt của đời sống xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn và vùng đồng bào DTTS. Ngoài những chính sách chung, đồng bào DTTS ở vùng khó khăn được thụ hưởng thêm chính sách hỗ trợ đặc thù như: Nhà ở, dạy nghề, học nghề ngắn hạn, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để cải thiện sinh kế...

Chúng tôi có dịp về một số vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, đời sống của bà con thay đổi đáng kể, nhờ Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư sản xuất, nhất là thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Nhiều hộ dân, nhất là đồng bào Khmer thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn và hộ gia đình chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển nhiều mô hình sản xuất. Qua đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Một trong những điển hình thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội là gia đình anh Thạch Hoài Phong, ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Anh Phong kể, trước đây gia đình anh là hộ nghèo, được vay 8 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Sau khi có nhà ở, gia đình anh vay vốn ưu đãi để lập nghiệp với số tiền 30 triệu đồng. Anh đầu tư trồng màu chuyên canh trên diện tích 5.000m2 đất. Nhờ chịu khó, chỉ sau vài năm gia đình đã thoát nghèo. Khi đã có vốn, anh Phong đầu tư mua được máy gặt đập liên hợp, mỗi vụ gặt thuê khoảng 500 - 700 công đất, thu lãi 100 triệu đồng.

Còn gia đình anh Kim Sà Phol, ấp Xóm Chòi, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh là hộ nghèo nhận hỗ trợ từ Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh (AMD). Anh đầu tư trồng luân canh các loại cải ngọt, xà lách, củ cải trên diện tích 0,2ha cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Anh Phol cho biết, ngoài 0,3ha đất trồng lúa, anh tận dụng 0,2ha đất xung quanh nhà trồng cây màu các loại. Ba năm trước, gia đình anh được Dự án AMD hỗ trợ hệ thống tưới phun sương để trồng màu, nhờ vậy tiết kiệm chi phí sản xuất, nhất là giảm công lao động; trồng màu 8 đợt/năm, lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/0,2 ha. Sau nhiều năm, gia đình anh đã thoát nghèo.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS, nhiều địa phương đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn để triển khai. Năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh được phân bổ gần 24 tỷ đồng, Trà Vinh bố trí hơn 7,3 tỷ đồng thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; dành gần 3,2 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; gần 8,3 tỷ đồng phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

Nhờ vậy, năm 2022, Trà Vinh giảm 4.803 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (giai đoạn 2022 2025); trong đó, có 3.215 hộ dân tộc Khmer. Toàn tỉnh hiện còn 5.404 hộ nghèo (chiếm 1,88%), hộ nghèo dân tộc Khmer còn 3.239 hộ (chiếm 3,89% so với tổng số hộ nghèo).

Đời sống đồng bào Khmer Trà Vinh không ngừng nâng lên, đó là kết quả triển khai thực hiện kịp thời nhiều Nghị quyết, chính sách dân tộc. Ông Kiên Ninh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã đi đúng hướng là tập trung nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tỉnh cũng hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp hộ nghèo tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống.

“Đi đôi với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, các cấp, các ngành còn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất. Qua đó nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đem lại thu nhập khá cao, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh...” - ông Ninh nói.

Đời sống đồng bào Khmer không ngừng phát triển

Trà Vinh đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 giảm hộ nghèo bình quân 0,5%/năm. Trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 1%/năm; hộ cận nghèo giảm bình quân 1%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều. Trà Vinh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021 - 2025) với tổng kinh phí hơn 278 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Thạch Sô Phone, ngụ tại ấp Hòa Lạc, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đã phát triển đàn bò, giúp anh thoát nghèo bền vững. Ảnh: Gia Uyên

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh: Theo đó, tỉnh xây dựng, nhân rộng 16 mô hình, dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Tỉnh cũng phấn đấu 80% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, tăng thu nhập...

“Trong năm 2023, Trà Vinh hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ DTTS, nhà ở cho hơn 525 hộ, chuyển đổi nghề cho khoảng 275 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 38 hộ, đầu tư xây dựng hai công trình nước tập trung. Đồng thời, thực hiện một dự án trồng cây dược liệu quý tại huyện Trà Cú; hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 60% hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo dân tộc Kinh, cận nghèo ở ấp đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, xây dựng mới 58 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; thực hiện 16 công trình chuyển tiếp của năm 2022; duy tu, bảo dưỡng 36 công trình; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ vùng đồng bào DTTS...” - ông Bình nói.

Trong những năm qua với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của Chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của từng hộ dân, đến nay đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh không ngừng được cải thiện nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.

Gia Uyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tra-vinh-tao-suc-bat-giam-ngheo-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post465224.html