'Trả lại tên' cho 'mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin'. Bài 1: Khắc khoải đi tìm

Chiến tranh đã qua đi hơn nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu trong tâm thức của hàng trăm nghìn gia đình có người thân ra trận nhưng mãi mãi không trở về. Mong muốn được biết chính xác nơi yên nghỉ và danh tính, quê quán của các anh hùng liệt sĩ luôn là nỗi trăn trở, khắc khoải khôn nguôi của người thân, gia đình, mối quan tâm và trách nhiệm của toàn xã hội…

Gia đình và đồngđội xác định vị trí chôn cất liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên trên bản đồ - Ảnh: V.V.H

Cho đến bây giờ, vẫn còn nhiều người thân của các anh hùng liệt sĩ đang lặn lội khắp các nghĩa trang liệt sĩ hoặc tận chốn rừng sâu, núi thẳm với nguyện ước cùng hy vọng mong manh là “trả lại” tên tuổi, quê hương bản quán cho các anh hùng liệt sĩ.

“Đến khi nào tìm được hài cốt của ông thì bà mới yên lòng mà nhắm mắt xuôi tay. Giờ thì đêm nào bà cũng mơ thấy ông mặc bộ áo quần sờn rách về đứng ở sân nhà mà không nói gì cả. Hay ông giận bà không đi tìm ông về nên không nói chuyện với bà. Mà đến khi nào thì bà mới tìm được ông về để tự tay đắp cho ông nắm đất, khắc cho ông cái tên… Hàng chục năm qua, năm nào bà cũng đến Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Long, huyện Triệu Phong thắp hương. Có thể ông đang nằm đâu đó trong các phần “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” ở nghĩa trang liệt sĩ này. Mỗi lần đến thắp hương là bà cứ thắp hết lượt các phần mộ liệt sĩ. May ra, hương khói làm ấm lòng ông cùng đồng đội”, bà Trần Thị Thương (83 tuổi) ở thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong đã nói như vậy trong buổi chiều chúng tôi theo bà thắp hương các phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Long.

Bà Thương kể, buổi sáng ngày 4/6/1966, ông Dương Văn Bốc cùng đồng đội trong đơn vị K8 (Tỉnh đội Quảng Trị) khi hành quân qua làng Phú Liêu (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong) thì lọt vào ổ phục kích của địch. Địch quá đông, tấn công bất ngờ nên đồng đội của ông Bốc hy sinh gần hết. Chỉ còn lại vài người nhưng ông Bốc cùng đồng đội đã tận dụng bờ mương, góc ruộng làm vật cản để đánh trả quyết liệt khiến địch không dám xông lên. Trận đánh ác liệt kéo dài cho đến cuối ngày thì ông Bốc và đồng đội hết đạn. Không thấy tiếng súng đánh trả, bọn địch vẫn bắn như vãi đạn về phía ông Bốc cùng đồng đội đang chờ giặc đến với lưỡi lê tuốt trần cho trận tử chiến cuối cùng với kẻ thù và đã ngã xuống. Liệt sĩ Dương Văn Bốc hy sinh sau hai năm nhập ngũ (nhập ngũ ngày 20/7/1964). Đêm hôm đó, người dân làng Phú Liêu đã bí mật chôn cất liệt sĩ Dương Văn Bốc cùng đồng đội. Ngày đất nước hòa bình, hài cốt liệt sĩ Dương Văn Bốc và đồng đội được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, nhưng trong quá trình quy tập đã có sai lệch sơ đồ mộ chí. Phần mộ liệt sĩ Dương Văn Bốc trở thành “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” từ đó đến bây giờ.

Trong một lần tình cờ, tôi có dịp gặp anh Võ Văn Hạ ở thôn Thi Ông, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng và được nghe anh kể về hành trình gia đình anh Nguyễn Hiền Thái ở Thành phố Hà Nội đi tìm hài cốt anh trai là liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên (đơn vị Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308), hy sinh ngày 2/6/1972 ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng mà anh tham gia. Do không có sơ đồ, tọa độ, điểm cao mai táng và chưa tìm được đồng đội nên gia đình nhiều lần vào Quảng Trị tìm kiếm liệt sĩ đều không có kết quả. Cảm thông, sẻ chia với những khắc khoải của thân nhân liệt sĩ, anh Hạ đã cung cấp tên, số điện thoại, nơi sinh sống của các CCB đã từng chiến đấu cùng thời điểm với liệt sĩ Yên để gia đình liệt sĩ liên lạc. Qua kết nối, chỉ vài tháng sau gia đình đã tìm được đồng đội của liệt sĩ Yên hiện đang sinh sống ở tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh.

Qua lời kể của đồng đội liệt sĩ Yên thì: “Khẩu đội cối 82, Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88 được bố trí ở cao điểm 19 để đánh chặn các đợt tấn công của địch từ Quốc lộ 1 lên đánh chiếm điểm cao 35-52 (là khu vực hậu cứ trung đoàn). Sáng ngày 2/6/1972, khi trời vừa hửng sáng thì địch tổ chức tấn công. Tình thế trận chiến lúc đó diễn ra căng thẳng và ác liệt. Thấy cơ số đạn đã cạn, địch tiếp tục tấn công cộng với pháo từ căn cứ Động Lâm bắn dồn dập vào trận địa đơn vị nên Đại đội trưởng Nguyễn Hiền Yên liên lạc với tiểu đoàn xin rút khỏi trận địa để bảo toàn lực lượng và vũ khí.

Ngay lúc đó, khẩu đội bị trúng một quả đạn pháo làm Đại đội trưởng Nguyễn Hiền Yên, B trưởng Đoàn Thống Nhất và một chiến sĩ tên Bảo hy sinh…”. Năm 2013, đồng đội của liệt sĩ Yên đã cùng với gia đình liệt sĩ tiếp tục trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm liệt sĩ. Lần ấy, đồng đội cùng gia đình liệt sĩ Yên chỉ tìm được chính xác công sự và vị trí liệt sĩ Yên hy sinh. Không lâu sau đó, gia đình kết nối thêm những đồng đội của liệt sĩ Yên để trở lại tìm kiếm liệt sĩ. May mắn trong chuyến trở lại tìm kiếm ấy là gia đình liệt sĩ Yên đã gặp bà Nguyễn Thị Cày ở thôn Tân Trưng, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, hiện đang sinh sống ở khu vực mai táng liệt sĩ Yên. Biết tin gia đình liệt sĩ Yên đang tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, bà Cày tìm đến rồi cho biết, khoảng đầu tháng 6/1972, bà cùng chồng từ thôn Trung Chánh lên vùng Tân Trưng chặt củi thì gặp một anh bộ đội hy sinh khoảng 2 - 3 ngày ở trong bụi cây gần bên khe suối. Vợ chồng bà Cày bàn nhau về lấy cuốc, xẻng và chuẩn bị hương đèn rồi lên mai táng cho anh bộ đội.

Thương anh bộ đội hy sinh đang nằm lại giữa núi rừng hoang lạnh, năm 1974 bà Cày bàn với chồng con đưa hài cốt liệt sĩ về gần nơi gia đình bà sinh sống để tiện hương khói. Năm 1976, gia đình người con của bà Cày lên vùng Tân Trưng lập nghiệp. Chính vùng đất này là nơi anh bộ đội đã hy sinh. Khi biết được thông tin này, gia đình liệt sĩ Yên đã xin phép bà Cày được cất bốc phần mộ liệt sĩ. Thấu hiểu nguyện vọng của gia đình liệt sĩ, bà Cày đã đưa gia đình đến nơi liệt sĩ đang yên nghỉ. Sau 2 tháng gửi mẫu sinh phẩm để xét nghiệm ADN, gia đình liệt sĩ Yên đã nhận được kết quả hài cốt liệt sĩ là cùng huyết thống với người thân trong gia đình. Nước mắt mừng vui ngày đoàn tụ của người thân liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên đã rơi sau bao tháng năm khắc khoải kiếm tìm.

Hẳn trong ký ức của bà Võ Thị Thu hiện đang sinh sống, làm việc tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không thể nào nguôi quên ngày 6/5/2022, hài cốt cậu ruột mình là liệt sĩ Võ Ngọc Lần được đưa về đến quê nhà trong niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến của người thân, xóm làng sau 54 năm đằng đẵng kiếm tìm. Sáng ngày 8/5/2022, hài cốt liệt sĩ Võ Ngọc Lần đã được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, trong lòng đất mẹ yêu thương.

Bà Thu cho biết, liệt sĩ Võ Ngọc Lần (sinh năm 1940) tại thôn Hồng Tân, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; nhập ngũ ngày 10/10/1964 (đơn vị D3, E7, B5). Trong quá trình tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Quảng Trị, liệt sĩ Lần đã chiến đấu và hy sinh anh dũng vào ngày 13/9/1968 tại huyện Gio Linh và được đơn vị mai táng tại huyện Gio Linh.

Năm 2019, hài cốt liệt sĩ Lần được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh nhưng nằm trong diện “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. “Với sự giúp đỡ của Sở LĐ - TB&XH, các ban, ngành của tỉnh Quảng Trị cũng như huyện Gio Linh, năm 2022 gia đình tôi đã lấy mẫu sinh phẩm, sau đó làm hồ sơ rồi gửi đi xét nghiệm ADN. Tháng 3/2022, gia đình tôi nhận được kết quả hài cốt liệt sĩ Võ Ngọc Lần là cùng huyết thống với người thân trong gia đình.

Đến ngày 5/5/2022, gia đình và họ tộc đã vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh với nguyện vọng được đưa liệt sĩ Võ Ngọc Lần về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc để gia đình thuận tiện trong việc hương khói cho liệt sĩ. Nguyện vọng ấy đã được các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Trị đáp ứng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho gia đình tôi”, bà Võ Thị Thu chia sẻ.

Nhơn Bốn - Sỹ Hoàng

Bài 2: Tiếp tục việc làm đầy trách nhiệm và nhân văn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=168954&title=%E2%80%9Ctra-lai-ten%E2%80%9D-cho-%E2%80%9Cmo-liet-si-chua-xac-dinh-duoc-thong-tin%E2%80%9D-bai-1-khac-khoai-di-tim