Trà hoa vàng - Cây 'thoát nghèo' của người dân vùng núi

Xuất phát từ một loại cây mọc hoang dã trong rừng, cây trà hoa vàng đang trên đường trở thành đặc sản của tỉnh Nghệ An. Nhưng để có được thành công của ngày hôm nay, cây trà hoa vàng và những người nông dân nơi đây đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm.

Trà hoa vàng là đặc sản nổi tiếng của Nghệ An những năm gần đây. Trà có vị thơm đặc trưng, vị hơi nhẩn đắng... Để có sản phẩm ra lò, những người dân địa phương vào rừng tự nhiên hái hoa. Các cơ sở chế biến phải qua nhiều công đoạn cầu kỳ như "tuyển hoa" và sấy.

Trà hoa vàng, đặc sản riêng có của huyện miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Huyện Quế Phong được xem là "thủ phủ" của cây trà hoa vàng.

Thấy được giá trị của trà hoa vàng, nhiều năm qua, người dân địa phương đã nâng niu, giữ gìn, để mỗi mùa hoa còn cho họ cái ăn cái mặc. Hàng ngàn hộ dân huyện rẻo cao Quế Phong có thu nhập từ trà hoa vàng, có nhiều hộ dân mỗi mùa hoa thu về hàng chục triệu đồng. Hiện nay, Quế Phong có 6 cơ sở chế biến, kinh doanh trà hoa vàng chủ yếu sấy nguyên nụ hoa với số lượng khoảng trên 10 tấn nụ hoa tươi mỗi năm.

Theo người dân địa phương, trà hoa vàng mọc xen lẫn với nhiều loài thực vật trong rừng. Cây cao 2-3 m, tán rộng 1,5-2 m, nở hoa từ tháng 11 âm lịch. Giữa tháng 12 âm lịch là cuối vụ thu hoạch hoa vàng, người dân địa phương thường mang theo bì tải và dao lên rừng hái từ 4h sáng đến cuối giờ chiều mới về nhập lại cho cơ sở chế biến để "tuyển hoa".

Ông Lô Hùng Cường – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Phong người có nhiều duyên nợ với việc biến "loài hoa hoang dại" cho biết, từ nhỏ anh đã có niềm đam mê đặc biệt với những bông trà vàng trên núi. Sau này, khi đi sâu tìm hiểu mới thấy, cây trà hoa vàng là sản vật quý hiếm mà thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất Quế Phong.

Anh Lô Hùng Cường đang đưa hoa trà hoa vàng vào lò sấy.

Vì thế, không thể để lãng phí nguồn sản vật của núi rừng, đồng thời tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, với sự tiếp sức chính quyền địa phương, anh Lô Hùng Cường và một số hộ dân đã đứng ra thu nhận hoa của người dân thu hái mỗi vụ để chế biến trà hoa vàng và bán ra thị trường, dần dần nâng lên đạt sản phẩm OCOP.

Sau 15 tiếng, khi thấy chân nhụy của hoa khô là đạt tiêu chuẩn. Cứ 30 kg hoa tươi sẽ được 4-5 kg hoa sấy khô.

Theo anh Cường, toàn huyện Quế Phong có khoảng 200 hecta trà hoa vàng mọc rải rác ở độ cao 500-800m so với mặt biển. Phần lớn loại cây này mọc trong rừng, xen giữa các nương rẫy hoặc địa hình dốc, nhiều đá hoặc ven khe suối.

Sản phẩm trà hoa vàng trước đây thì giá thành tương đối rẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thương lái đã thu mua, gom hoa tự nhiên rất nhiều với giá khoảng 3 triệu đồng/lượng hoa khô. Cũng theo người dân địa phương thì trà hoa vàng chủ yếu xuất bán sang thị trường Trung Quốc, nên đến mùa ra hoa người dân bản địa tập trung vào rừng thu hái. Có những thời điểm người dân còn chặt cả cây xuống để lấy hoa, làm cho số lượng cây trà hoa vàng tự nhiên còn lại không nhiều.

Vườn ươm giống trà hoa vàng của người dân được kỳ vọng sẽ nhân lên diện tích, mang lại giá trị kinh tế cao ở vùng cao Quế Phong.

Từ thực tế đó, nhiều cá nhân, tổ chức ở huyện Quế Phong đã thực hiện ý tưởng về phát triển chuỗi giá trị sản phẩm trà hoa vàng thành mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, để vừa góp phần bảo tồn loại cây quý, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho người dân bản địa, lại vừa cung cấp cho thị trường sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, từ bảo tồn, sản xuất và trồng bổ sung cây trà hoa vàng nguyên liệu, nâng cao chất lượng bằng công nghệ hiện đại (ứng dụng công nghệ sấy lạnh) để giữ nguyên hoạt chất dược liệu quý của trà hoa vàng. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại rộng khắp.

"Việc bóc tách bông hoa đòi hỏi phải khéo tay, tỉ mẩn. Khi bóc cần giữ được nguyên nhụy hoa, cánh phải đẹp. Nếu sơ ý hoa sẽ rụng cánh, rơi nhụy", chị Lương Thị Huệ - trú thị trấn Kim Sơn cho hay.

Hiện nay, trà hoa vàng đang được tiêu thụ ở trong tỉnh, trong nước và các hội chợ quy mô lớn, tuy nhiên số lượng chưa nhiều, nguyên nhân do là cây đặc sản, sinh sống hoàn toàn tự nhiên, việc bảo vệ và thu hái còn những khó khăn. Nếu được quan tâm và phát triển thì sản vật này rất có giá trị đối với Nghệ An.

Hiện, cây trà hoa vàng đang tạo việc làm cho hàng ngàn hộ dân ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Cắm Muộn, Quang Phong, Nậm Nhoóng, Quế Sơn, Mường Nọc… huyện Quế Phong. Đây thực sự là cây trồng giá trị và bí ẩn của Nghệ An mà các nhà khoa học đang trên hành trình nghiên cứu.

Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, trà hoa vàng ở Quế Phong là một cây đặc hữu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trà hoa vàng thành mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao tại huyện Quế Phong đã giúp thành công trong việc bảo vệ rừng mà vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân, tránh chặt phá rừng. Chuỗi giá trị sản phẩm trà hoa vàng thành công và được áp dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất ổn định tại địa phương.

"Hiện nay, trà hoa vàng đang được nhiều người dân tin tưởng, sử dụng, trà hoa vàng hiện có giá thành rất cao. Chính vì đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các loài dược liệu và cây trồng khác, nên Quế Phong đang mở rộng vùng quy hoạch sản xuất. Từ cây thoát nghèo, hiện nay, trà hoa vàng đã thực sự trở thành cây làm giàu đối với nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới tỉnh Nghệ An." - ông Hiền cho hay.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tra-hoa-vang-cay-thoat-ngheo-cua-nguoi-dan-vung-nui-169240311113412688.htm