Trà Cú: Dân vận khéo góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội

Phong trào thi đua 'Dân vận khéo' trên địa bàn huyện Trà Cú được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, MTTQ và các đoàn thể, đa dạng các hình thức vận động, tập hợp quần chúng nhân dân. Đặc biệt là phát huy vai trò công tác dân vận trong việc thực hiện an sinh xã hội ở địa phương. Qua đó, góp phần XDNTM, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thực hiện phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” cùng với phương châm “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, năm 2023, huyện Trà Cú quyết liệt thực hiện các tiêu chí xây dựng huyện NTM. Trong đó, tập trung thực hiện “Dân vận khéo”, huy động nguồn lực chăm lo đời sống người dân ngày càng tốt hơn.

Đồng chí Trần Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Trà Cú cho biết: năm qua, Ban Dân vận Huyện ủy tiếp tục triển khai thực hiện hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện về tiêu chí xây dựng, bình xét, công nhận mô hình Dân vận khéo huyện Trà Cú để chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai trên các lĩnh vực gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, XDNTM, các phong trào hành động cách mạng khác tại địa phương. Trong năm, các cấp ủy đảng đã đăng ký thực hiện mới 31 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Đến nay, toàn huyện có 85 mô hình Dân vận khéo, trong đó có 31 mô hình mới và 10 mô hình nổi bật được nhân rộng.

UBMTTQ Việt Nam các cấp trong huyện phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, hiểu đầy đủ và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo nhằm tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến trong xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy vai trò đoàn kết của các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền đổi mới nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, vận động Nhân dân thi đua học tập, lao động để khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực thực hiện an sinh xã hội, XDNTM, giảm nghèo bền vững.

Năm 2023, UBMTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp vận động Quỹ Vì người nghèo, Quỹ An sinh xã hội với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đã hỗ trợ xây dựng 190 căn nhà Đại đoàn kết, xây dựng 12 công trình cầu, đường, trao 430 suất học bổng, khám cấp thuốc miễn phí cho trên 700 lượt người, trao trên 12.000 phần quà. Quỹ An sinh xã hội tỉnh hỗ trợ xây dựng 173 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn huyện, với tổng số tiền gần 07 tỷ đồng.

Đặc biệt, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện chỉ đạo 123/123 khu dân cư trong toàn huyện tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua ngày hội, UBMTTQ Việt Nam các cấp đã vận động hỗ trợ kinh phí xây dựng 183 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ khó khăn về nhà ở và trao gần 4.000 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, với tổng số tiền vận động trên 02 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Văn Hùng cho biết: trong điều kiện hộ nghèo còn cao, đầu năm 2023, huyện còn gần 2.000 hộ nghèo. UBMTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể luôn nỗ lực, quyết tâm cao, ở đâu có hộ dân còn khó khăn thì MTTQ và các đoàn thể nơi đó đóng vai trò làm cầu nối, để huy động sức mạnh của cộng đồng, chung tay giúp đỡ hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên.

Từ thực tế đó, UBMTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức xây dựng 24 mô hình chăm lo cho hộ nghèo, XDNTM, nổi bật như: Mô hình khám, chữa bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, già neo đơn không có điều kiện khám, chữa bệnh tại chùa Long Trường, xã Tân Hiệp, hàng tuần tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho hơn 150 lượt người, với kinh phí gần 05 triệu đồng/tuần; tuyến đèn đường nông thôn, ấp Chợ Dưới, xã Phước Hưng; vận động Nhân dân làm hàng rào cây xanh, với chiều dài 2,5km tại xã Tân Sơn; nâng cao chất lượng xã NTM nâng cao ở Đại An; vận động hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, xã Long Hiệp.

Đồng chí Thạch Kim Sĩ, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Long Hiệp cho biết: với phương châm gần dân, trọng dân, hiểu dân, chăm lo đời sống Nhân dân, năm 2023, UBMTTQ Việt Nam xã phối hợp vận động, hỗ trợ 790 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, bàn giao 08 căn nhà đại đoàn kết, với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Hỗ trợ những người yếu thế, gia đình đặc biệt khó khăn, hỗ trợ thường xuyên bằng các nhu yếu phẩm cho 19 lượt người, trị giá 35 triệu đồng. UBND xã rà soát, thực hiện tốt các chính sách dân tộc, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội địa phương. Trong năm, có 10 hộ dân được hỗ trợ nhà ở, 23 hộ được giải ngân vay vốn, xây dựng, sửa chữa nhà ở theo nghị quyết của HĐND tỉnh với số tiền 912 triệu đồng.

Đàn bò của bà Thạch Thị Rây, sau gần 01 năm chăm sóc giờ đã tái đàn.

Bà Thạch Thị Rây, 60 tuổi, ngụ ấp Giồng Tranh B, từng là hộ nghèo nhiều năm liền, không đất sản xuất. Bà có 08 người con, tất cả đều có gia đình riêng, nhưng cuộc sống không mấy khá giả nên cũng không giúp đỡ cho bà được nhiều. Hằng ngày, bà Rây ở nhà chăm sóc ông chồng bị bệnh phổi nhiều năm nay không làm được việc nặng và trông nom 03 đứa cháu còn nhỏ. Căn nhà bà Rây ở đã hư hỏng nhiều nhưng bà không có điều kiện sửa lại. Đầu năm 2023, bà Rây được xét vay vốn 25 triệu đồng để sửa lại căn nhà và vay vốn 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay, bà đã mua 02 con bò sinh sản, hiện đàn bò đã tái đàn. Năm 2023, bà được xét thoát nghèo.

Bà Thạch Thị Rây chia sẻ: được hỗ trợ vay vốn sửa nhà, nuôi bò tôi mừng lắm. Nhờ đó, tôi mới thoát nghèo. Tôi cố gắng nuôi bò để sau này có tiền trả nợ ngân hàng và để có cuộc sống có phần khá giả hơn.

Không chỉ thực hiện công tác an sinh xã hội, năm 2023, xã Long Hiệp còn phát động phong trào Dân vận khéo lao động tốt, sản xuất tốt, xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả như mô hình trồng bắp giống, ớt chỉ thiên, trồng đậu phộng và hoa màu ở các cấp Giồng Chanh A, Giồng Chanh B với diện tích 120ha, khi thu hoạch có nơi tiêu thụ và bao tiêu sản phẩm. Tập trung xây dựng mô hình trồng lúa chất lượng cao như các giống lúa OM 5451, OM 6162, ST 25, OM 576, tập trung các ấp như Trà Sất A, Trà Sất B và Trà Sất C sản xuất 03 vụ lúa/năm.

Các hội, đoàn thể xã đã cụ thể hóa công tác vận động quần chúng gắn với những việc làm cụ thể, điển hình như: Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; xung kích phát triển kinh tế - xã hội, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp… qua đó góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nhờ thực hiện lồng ghép các cuộc vận động với phong trào thi đua Dân vận khéo, cuối năm 2023, huyện có 880 hộ thoát nghèo, tương đương 2,04%; giảm hộ nghèo của huyện xuống còn 1.058 hộ, chiếm 2,43%; hộ cận nghèo còn 1.223 hộ, chiếm 2,81%. Giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động trong và ngoài tỉnh; đưa 204 lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài. Đến nay, huyện có 15/15 xã đạt chuẩn NTM, 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 02 xã NTM nâng cao đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Ban Chỉ đạo tỉnh kiểm tra, công nhận; thị trấn Trà Cú và thị trấn Định An hoàn thành 09/09 tiêu chí đô thị văn minh; huyện thực hiện đạt 09/09 tiêu chí huyện NTM và đã hoàn thành hồ sơ đề nghị Trung ương kiểm tra, công nhận.

Với những kết quả đạt được, tin tưởng rằng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Trà Cú ngày càng có nhiều mô hình hiệu quả và lan tỏa trong đời sống xã hội, huy động được mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài, ảnh: SƠN TUYỀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/doan-the/tra-cu-dan-van-kheo-gop-phan-thuc-hien-tot-cong-tac-an-sinh-xa-hoi-35831.html