TPHCM: vốn cam kết đầu tư vào KCX-KCN giảm mạnh

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư trong nước cam kết vào các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TPHCM bị sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm nay và chưa thấy có dấu hiệu khả quan hơn trong những tháng còn lại.

Thu hút vốn đầu tư ở các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM sụt giảm mạnh trong 9 tháng qua. Trong ảnh là một góc của khu chế xuất Tân Thuận - Ảnh minh họa: Hùng Lê

Tại cuộc họp báo định kỳ thông tin về tình hình hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố trong 9 tháng năm diễn ra hôm nay 11-10, Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh trong 9 tháng qua chỉ được gần 355 triệu đô la Mỹ, đạt 50,68% kế hoạch của năm 2016 (700 triệu đô la Mỹ) và giảm hơn 53,95% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, thu hút nguồn vốn FDI vào các KCX-KCN chỉ đạt hơn 167 triệu đô la Mỹ, giảm 67,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, theo Hepza, trong 9 tháng qua các KCX-KCN của thành phố chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư được 14 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký chưa đến 50 triệu đô la Mỹ, giảm đến gần 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, có 23 doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở khu vực này tiếp tục điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 120 triệu đô la Mỹ, tăng 33,88% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ còn chưa đến 3 tháng nữa là kết thúc năm 2016 nhưng theo Hepza chưa có tín hiệu gì mới để có thể gia tăng số vốn FDI đầu tư bị sụt giảm nói trên.

Tương tự, cùng thời gian trên, nguồn vốn đầu tư trong nước vào các KCX-KCN của thành phố cũng cho thấy bị sụt giảm, chỉ đạt hơn 4.091 tỉ đồng (tương đương hơn 187 triệu đô la Mỹ), giảm 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, trong 9 tháng qua diện tích đất cho thuê của các KCX-KCN của thành phố chỉ đạt 50,12 héc ta, giảm 57,71% so với cùng kỳ năm ngoái. Và cùng thời gian này, diện tích nhà xưởng xây sẵn cho thuê tại đây chỉ đạt khoảng 39.940 mét vuông, giảm 25,52%.

Theo Hepza, nhìn chung các lĩnh vực đầu tư của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước trong 9 tháng qua đều đúng theo chủ trương thu hút đầu tư của thành phố như các dự án đầu tư FDI liên quan đến điện tử (chiếm 76,29% tổng vốn đầu tư), thực phẩm (5,73%), dệt may cao cấp (4,05%), cơ khí (2,02%), nhựa-cao su (1,26%),...

Dù thu hút nguồn vốn đầu tư chung sụt giảm, nhưng theo Hepza thì tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại đây trong 9 tháng qua vẫn tăng trưởng, đạt kim ngạch xuất khẩu 4,325 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,76% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 70% kế hoạch.

Tính đến hết tháng 9, tại các KCX-KCN có 1.413 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9,317 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 564 dự án, vốn đầu tư đăng ký là 5,47 tỉ đô la Mỹ; dự án có vốn đầu tư trong nước là 849 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 57.597 tỉ đồng (khoảng 3,83 tỉ đô la Mỹ).

Hiện có gần 1.160 dự án đang hoạt động; 19 dự án đang xây dựng cơ bản, 121 dự án chưa triển khai (trong đó 85 dự án trong thời hạn triển khai theo giấy phép, 13 dự án đã gia hạn thời gian triển khai, 23 dự án đã quá hạn); 63 dự án ngưng hoạt động; 19 dự án tạm ngưng hoạt động và 32 dự án đang thực hiện thủ tục giải thể (còn tồn tại theo Luật Đầu tư 2005).

Trong số 64 dự án được cấp mới, có 12 dự án đã hoạt động, 8 dự án đang triển khai xây dựng, 4 dự án đang cải tạo nhà xưởng và 40 dự án đang khảo sát, lập thiết kế để xin giấy phép xây dựng.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152490/tphcm-von-cam-ket-dau-tu-vao-kcx-kcn-giam-manh.html/