TPHCM: Vẫn Loay hoay chống ngập

Cơn mưa lớn vào chiều 15-8 khiến nhiều khu vực của thành phố chìm trong biển nước. Do mưa diễn ra kéo dài vào giờ cao điểm, hàng trăm ngàn phương tiện phải di chuyển trong dòng nước đen ngòm. Cùng cảnh ngộ là hàng loạt nhà dân từ các quận 1, 3, 4, 5, Bình Thạnh, TP.Thủ Đức... bị nước tràn vào. Điều gì đang xảy ra khi thành phố nhiều năm qua đã triển khai các dự án, nhưng ngập thì vẫn ngập?

Nỗi lo sau cơn mưa

Tuy đã nhận được thông tin từ trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn, thế nhưng ít ai ngờ rằng cơn mưa chiều 15-8 lại ngập nặng đến vậy. Đúng 15 giờ, bầu trời thành phố bắt đầu xám xịt. Nhiều cơn gió lớn nổi lên và chỉ chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, mưa bắt đầu nặng hạt. Trận mưa kéo dài hơn 4 giờ đã trút nước xuống cả một diện rộng toàn bộ trung tâm quận 1 và các quận liền kề như 3, 4, 5, Bình Thạnh, TP.Thủ Đức, khiến giao thông khu vực này gần như liệt.

Trong dòng nước đen ngòm đang rút ùn ục xuống những lỗ cống ngầm, hàng đống rác trôi nổi lềnh bềnh rồi bị rít chặt ngay đầu nắp cống khiến tình trạng thoát nước càng thêm chậm chạp. Tại khu vực đường Nơ Trang Long (Bình Thạnh), chúng tôi ghi nhận nước bắt đầu tràn vào nhiều hộ dân. Ban đầu, mọi người cứ nghĩ sẽ ổn nhưng khi thấy lượng mưa càng lớn và kéo dài qua nhiều giờ, nhiều gia chủ trở nên lo lắng.

Hình ảnh sau cơn mưa trên đường Kha Vạn Cân

Hình ảnh sau cơn mưa trên đường Kha Vạn Cân

Chị Hoàng (ngụ P13, Q.Bình Thạnh) than thở: "Dù đã lường trước sự việc nhưng không ngờ cơn mưa lần này to và kéo dài làm căn nhà ngập gần nửa mét. Chính vì không kịp trở tay, toàn bộ hàng tạp hóa trưng bày đã bị ngấm nước và chỉ một số ít được đưa đến nơi cao hơn. Thiệt hại lần này cũng khá nhiều".

Tuyến đường Điện Biên Phủ (đoạn từ Q10 đến Bình Thạnh) cũng chẳng khá gì hơn. Cơn mưa trút nước nhiều giờ đã để lại cảnh hỗn loạn giao thông trên suốt đoạn từ ngã tư Hàng Xanh về vòng xoay Điện Biên Phủ, lực lượng CSGT và TNXP dù đã cố gắng hết mực nhưng cũng đành lắc đầu ngao ngán. Những chiếc xe cứu thương cũng đành tắt còi ưu tiên, chịu thua trước ma trận giao thông hỗn loạn.

Tại các tuyến Tô Ngọc Vân, Phạm Văn Đồng và khu vực chợ Thủ Đức, dòng nước mưa kết hợp nước cống dâng lên đen ngòm, bẩn thỉu cuốn theo hàng đống rác thải băng băng trôi rồi bám vào những chiếc xe máy làm người đi đường tỏ ra khó chịu. Nhiều phụ nữ đi xe máy không giữ vững được tay lái nên ngã nhào ra đường. Tuyến trung tâm như: Trần Hưng Đạo, Trần Đình Xu, Nguyễn Khắc Nhu... cũng chẳng khá hơn. Ngay cả đường Nguyễn Du - tuyến đường có độ thoát nước tốt và ổn định cũng cùng cảnh ngộ lênh láng nước.

Trận mưa chiều 15-8 không chỉ làm ngập và tê liệt phần lớn hệ thống giao thông đường bộ của thành phố, mà còn khiến hoạt động bay của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất bị gián đoạn. Theo đại diện Cảng vụ hàng không Miền Nam, do cơn mưa kéo dài đã khiến 30 chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất bị điều hướng và thay đổi lịch bay. Hoạt động bay được khôi phục lại và hoạt động bình thường chỉ khi cơn mưa chấm dứt.

Theo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, đây là trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Bắc bộ, tiếp nối với một vùng xoáy thấp ở Biển Đông gây mưa lớn. Lượng mưa đo đạc nhiều nơi tại TP.Hồ Chí Minh trên 50mm. Riêng tại khu vực quận 1 với 102mm.

Ngập nặng khu vực trung tâm thành phố

Ngập nặng khu vực trung tâm thành phố

Vì sao càng chống càng ngập nặng?

Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, TP.Hồ Chí Minh đã có phác thảo về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, quy mô thoát nước sẽ được mở rộng gấp 3 lần so với quy hoạch được duyệt từ năm 2001. Cụ thể, thành phố sẽ mở rộng phạm vi chống ngập ở 23 quận, huyện (trừ Cần Giờ) thay vì chỉ tập trung vào khu vực ở nội thành và vùng lân cận. Thế nhưng, cùng với lựa chọn giải pháp chống ngập trên, người ta lại thấy thành phố tiếp tục xuất hiện nhiều tòa cao ốc, công trình bê tông hóa nằm san sát nhau nên ngay từ ban đầu triển khai, nhiều chuyên gia, nhà khoa học dù không nói thẳng nhưng ai cũng bày tỏ sự không đồng tình vì nếu như thế, cho dù có mở rộng thoát nước đến gấp chục lần, thành phố vẫn không thể nào thoát ngập.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia nghiên cứu về đô thị học của Việt Nam, người đã đóng góp rất nhiều phản biện trong vấn đề phát triển đô thị tại TP.Hồ Chí Minh, đã cho rằng vấn đề bê-tông hóa đang làm thành phố ngày càng "chìm" dần. Bên cạnh đó, chính việc phá vỡ hay nói đúng hơn là san phẳng những hồ điều tiết tự nhiên cũng làm thành phố ngày càng ngập nặng.

Mặc các chuyên gia và nhà khoa học cho ý kiến, nhiều người vẫn nhìn thấy hàng loạt diện tích đất ngày càng được đô thị, bê-tông hóa. Các khu vực được đề xuất làm hồ điều tiết hoặc những luồng lạch, sông - kênh ngày càng biến mất. Trong khi đó, công tác chống ngập của chúng ta được thực hiện theo kiểu "sơn tinh, thủy tinh". Nghĩa là, nước dâng đến đâu đường xá được tôn tạo cao đến đó. Không chỉ các vùng thấp trũng bị ngập mà ngay cả khu vực Gò Vấp, TP.Thủ Đức là những nơi cao so với các khu vực khác vẫn ngập nặng. Đó là do việc phát triển đô thị một cách tự phát, bê-tông hóa quá nhiều, không có không gian tự nhiên.

Tại công trình cống chống ngập do triều cường có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng được quy hoạch từ năm 2008, khởi công 2016. Sau nhiều lần lỗi hẹn, đến nay không ai biết công trình này khi nào phát huy hiệu quả. Điều khiến nhiều người không khỏi thắc mắc là trong khi nhiều khu vực của thành phố điêu đứng vì ngập lụt thì tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng - một trong những khu đô thị được xây dựng ngay giữa vùng đất thấp trũng phía Nam thành phố nhưng ngập rất ít hoặc chỉ bị ngập cục bộ.

Rõ ràng với những gì đang diễn ra, thành phố cần phải giải quyết rốt ráo những vấn đề cơ bản nhất rồi mới có thể nói đến chuyện tiến lên công nghệ 4.0. Còn không, cứ đà này chúng ta chỉ mãi chạy theo và hụt hơi trước sự phát triển của chính xã hội mà chính chúng ta đang quản lý.

Nhiều miệng cống bị "bức tử"

Những ngày qua, chỉ sau vài cơn mưa lớn nhỏ, các tuyến đường xung quanh chợ Thủ Đức bị "biến thành sông". Nước tràn vào chợ khiến nhiều tiểu thương phải tạm ngưng kinh doanh, xe cộ bị chết máy, ôtô đi qua tạo thành sóng bắn nước tung tóe, tràn cả vào nhà dân. Nguyên nhân khiến chợ Thủ Đức thường xuyên bị ngập là do địa hình chợ Thủ Đức thấp hơn xung quanh nên có mưa là nước dồn về. Bên cạnh đó, hệ thống hố ga, miệng cống thoát nước khá nhỏ, một số nơi còn bị "bóp nghẹt" khi người ta nâng cấp mặt đường khiến quá trình thoát nước bị hạn chế.

Nhiều nơi các hố ga đã bị một lượng lớn rác thải làm nghẹt. Quốc lộ 1A - đoạn đi qua trước chợ Tam Bình (TP.Thủ Đức) cũng bị nhiều người dùng ván, bạt bịt kín các miệng hố ga, miệng ống cống khiến nước rất khó thoát. Tại một số tuyến đường khác của TP.Thủ Đức như: Tỉnh lộ 43, Kha Vạn Cân... nhiều hố ga, miệng cống bị bể vỡ, đất đá, cỏ rác che chắn kín như bưng khiến chúng mất khả năng thu gom nước. Để ngăn cản mùi hôi từ các miệng hố ga, nhiều người còn dùng tôn, ván, bạt bịt kín miệng hố ga, miệng cống khiến quá trình thoát nước bị tắc nghẽn.

Các miệng hố ga trên đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) bị rác "bức tử"

Các miệng hố ga trên đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) bị rác "bức tử"

Tương tự, khu vực giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Trần Bá Giao (Q.Gò Vấp) thường xuyên bị ngập. Khu vực này vốn nằm ở dưới con dốc, khi mưa xuống, nước từ các hướng lập tức đổ dồn về khiến nó như một "cái túi" chứa nước. Ở khu vực phía trên dốc, có rất nhiều miệng hố ga bị người dân ngang nhiên dùng nhiều phế liệu bịt kín, làm mất khả năng thu gom, tiêu thoát nước.

Khu vực Phạm Văn Chiêu - Thống Nhất (Q.Gò Vấp) có gần chục hố ga bị "khóa mõm" bằng nhiều tấm ván, bạt, xà bần, rác rưởi bịt kín miệng cống, nhiều miệng cống được người ta phủ bạt hai, ba lớp và lấy đá tảng dằn các gốc lại rất kiên cố. Nhiều bịch rác hoặc thùng xốp đựng rác to tướng nằm chình ình trước miệng cống khiến nước không rút được, gây ngập đường và khó khăn trong việc thu gom, dọn vệ sinh. Giải thích cho việc bịt miệng hố ga, một người dân trên đường Phạm Văn Chiêu cho hay, do hố ga này bốc mùi hôi thối suốt ngày đêm nên gia đình buộc phải lấy bạt bịt lại.

Khảo sát nhiều tuyến đường khác tại TPHCM cho thấy, tình trạng vứt rác bừa bãi, bịt, khóa miệng hố ga, cống thoát nước chiếm 30% nguyên nhân gây ngập lụt khi triều cường và mưa lớn.

HẢI VĂN

Quỳnh Hương

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/loay-hoay-chong-ngap_135625.html