TPHCM thu phí sử dụng vỉa hè: Bảo đảm trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đối với các tuyến đường do Sở GTVT quản lý. UBND cấp huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do UBND cấp huyện quản lý. Toàn bộ số tiền phí thu nộp vào ngân sách, được sử dụng cho mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.

5 khu vực thu phí

Tháng 09/2023, tại kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TPHCM khóa X đã thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Theo đó, TPHCM chính thức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè từ ngày 01/01/2024. Người dân thành phố quan tâm đến việc thu phí này, đặc biệt là các hộ gia đình, đơn vị, công ty... kinh doanh buôn bán có vỉa hè phía trước vừa làm sao bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), vừa bảo đảm mỹ quan đô thị.

Theo đó, về cách tính thời gian thuê, nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong một tháng thì tính nửa tháng; từ 15 ngày trở lên trong một tháng sẽ tính 1 tháng. Toàn thành phố chia ra làm 5 khu vực: Khu vực 1 gồm Q1, Q3, Q4, Q5, Q10, Q.Phú Nhuận, khu A - khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khu vực 2, gồm: Q2 (nay thuộc TP.Thủ Đức, trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm), Q6, Q7 (trừ khu A - khu đô thị mới Nam thành phố), Q11, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Bình, Q.Bình Tân. Khu vực 3, gồm: Q8, Q9 (nay thuộc TP.Thủ Đức), Q12, Q.Thủ Đức (nay thuộc TP.Thủ Đức), Q.Tân Phú, Q.Gò Vấp. Khu vực 4, gồm các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi. Khu vực 5 gồm huyện Cần Giờ. Các tuyến đường trung tâm là các tuyến đường có giá đất bằng hoặc cao hơn giá đất bình quân khu vực. Các tuyến đường còn lại là các tuyến đường có giá đất thấp hơn giá đất bình quân khu vực.

Phải bảo đảm trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị

Các trường hợp không phải cấp phép

Theo đó, các trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố không phải cấp phép sử dụng tại TPHCM bao gồm những trường hợp tại Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 32/2023/QĐ-UBND TPHCM gồm: tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang. Phạm vi sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền tại khoản 2 Điều 18 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 32/2023/QĐ-UBND. Thời gian sử dụng không quá 48 giờ. Trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ đối với đám tang. Đối tượng được phép sử dụng là hộ gia đình có đăng ký cư trú tại địa phương.

Bên cạnh đó, một số quy định khác như: tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần hè phố tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang phải thông báo cho UBND cấp xã nơi cư trú để được hỗ trợ giải quyết. UBND cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát việc thực hiện và tạo điều kiện, hỗ trợ hộ gia đình các biện pháp về bảo đảm trật tự, ATGT, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, việc sử dụng tạm thời hè phố làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa phải thuộc danh mục do UBND cấp huyện ban hành. UBND TPHCM phân cấp cho UBND cấp huyện ban hành danh mục vị trí hè phố đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa.

Đỗ xe ngay dưới bảng cấm dừng đậu

Phạm vi sử dụng, một phần hè phố tại vị trí tiếp giáp với địa điểm mà nơi tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa. Đối tượng được phép sử dụng là tổ chức, cá nhân có phương án sử dụng tạm thời hè phố làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa theo hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe. Việc sử dụng tạm thời hè phố làm điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe phải thuộc danh mục do UBND cấp huyện ban hành. UBND TPHCM phân cấp cho UBND cấp huyện ban hành danh mục vị trí hè phố đủ điều kiện tổ chức điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe tại cửa hàng, trụ sở hoạt động của tổ chức, cá nhân. Phạm vi sử dụng là một phần hè phố tại vị trí tiếp giáp công trình nhà ở, hộ kinh doanh, trụ sở nơi tổ chức, cá nhân đăng ký cư trú, hoạt động kinh doanh, mua, bán hàng hóa tại địa phương. Đối tượng được phép sử dụng là tổ chức, cá nhân có đăng ký cư trú, đăng ký hoạt động kinh doanh tại địa điểm nêu tại điểm b, khoản 2 Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 32/2023/QĐ-UBND.

Đối với điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông, UBND TPHCM phân cấp cho Sở GTVT xem xét chấp thuận. Việc bố trí đường dành cho xe đạp do UBND TPHCM phân cấp cho Sở GTVT xem xét chấp thuận.

Không đậu ôtô trên vỉa hè nơi không có biển cấm

Tại Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 32/2023/QĐ-UBND TPHCM quy định về nguyên tắc quản lý và trách nhiệm sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, không gây mất trật tự, ATGT; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức. Chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ (không tính phần bó vỉa) tối thiểu từ 1,5m.

Bảng giá thu phí tại 5 khu vực trên địa bàn TPHCM

Sử dụng tạm thời một phần lòng đường ngoài mục đích giao thông (không áp dụng trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị) phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ôtô cho một chiều lưu thông; trường hợp đặc biệt do UBND TPHCM quyết định. Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận. Các hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố được UBND TPHCM ban hành kế hoạch cụ thể sẽ không phải cấp giấy phép. Việc đỗ xe ôtô trên hè phố chỉ được thực hiện tại nơi có biển báo hiệu giao thông cho phép đỗ xe. Bảo đảm phù hợp công năng và kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố, công trình hạ tầng kỹ thuật và cây xanh xung quanh; có giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị và công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh phù hợp. Tổ chức, cá nhân làm hư hỏng công trình đường bộ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh phải có trách nhiệm sửa chữa, khôi phục theo hiện trạng ban đầu hoặc ở điều kiện tốt hơn.

Về phạm vi được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải được phân định cụ thể. Tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự, ATGT theo phương án đã được cơ quan giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chấp thuận; thu dọn các phương tiện, thiết bị, vệ sinh và hoàn trả nguyên trạng lòng đường, hè phố khi kết thúc sử dụng. Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải nộp phí theo quy định.

VĂN TOÀN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-va-my-quan-do-thi_153428.html