TPHCM: Nhiều giáo viên phải bán hàng online, làm gia sư

Lương và phụ cấp của giáo viên trong 5 năm đầu làm việc chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/tháng khiến nhiều người không đủ trang trải cuộc sống. Họ phải bán hàng online, làm gia sư để bám trụ với nghề hoặc chấp nhận nghỉ việc để làm công việc có thu nhập cao hơn.

Vấn đề trên được ông Lê Văn Lực, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Tấn Tài (TP Thủ Đức), trình bày tại buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM với cử tri ngành y tế, giáo dục về vị trí việc làm, tiền lương ngày 17/10.

Ông Lực nói việc tăng lương cơ bản ngày 1/7 từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng chỉ có tính chất động viên tinh thần cho đội ngũ nhà giáo chứ không tăng kịp giá cả hàng hóa và nhu cầu cuộc sống. Thực tế tại Trường THCS Đặng Tấn Tài, lương và phụ cấp của giáo viên trong 5 năm đầu làm việc chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. “Mức lương này còn thua cả lao động phổ thông. Giáo viên trẻ, nuôi con nhỏ, ở nhà thuê không thể sống được với mức lương này. Chỉ riêng thuê phòng trọ đã hết 3 triệu đồng. Để bám trụ với nghề, nhiều giáo viên làm đủ thứ, từ bán hàng online đến gia sư. Số khác phải có sự hỗ trợ từ gia đình mới sống được. Phương án cuối cùng là họ bỏ nghề, tìm các cơ hội tốt hơn”, ông Lực bày tỏ.

Theo nhiều cử tri, lương giáo viên hiện nay còn thua lao động phổ thông khiến nhiều người không thể bám trụ với nghề. Ảnh: Anh Nhàn

Ông Lương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TPHCM), nhìn nhận chế độ phụ cấp hiện nay là tương đối phù hợp, song nếu Nhà nước quan tâm đúng mức đến một số phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp độc hại… sẽ tác động tích cực đến hiệu quả làm việc của người lao động. “Một khó khăn khác của các trường THPT hiện nay là không có nguồn thu để trả lương cho nhân viên bảo vệ, phục vụ. Trong khi quy định của Chính phủ thì không sử dụng ngân sách để trả lương cho nhóm nhân sự theo diện hợp đồng này”, ông Minh nói.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, lắng nghe những kiến nghị liên quan chính sách tiền lương khiến nhiều trường không tuyển đủ giáo viên, nhiều người phải bỏ nghề. Trong thời gian tới, những kiến nghị thực tế này sẽ được các đại biểu trình lên Quốc hội khóa XV, bà nói.

Theo bà Trần Thị Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Văn Bền (huyện Nhà Bè, TPHCM), quy định hiện hành yêu cầu, vị trí nhân viên văn thư, kế toán, y tế, thủ quỹ ở các trường từ 28 lớp trở lên được bố trí tối đa 3 người, các trường từ 28 lớp trở xuống được bố trí 2 người. Tuy nhiên, việc này gây khó khăn trong việc bố trí nhân sự đảm bảo đúng chuyên môn, nghiệp vụ.

“Chức danh nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và công nghệ thông tin các trường chưa tuyển dụng được do lương, phụ cấp của các vị trí này thấp. Đề nghị tất cả các viên chức làm việc trong ngành giáo dục đều được hưởng thâm niên nghề, kể cả nhân viên văn phòng”, bà Lợi trình bày.

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, dù thành phố có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt nhưng chưa đủ sức thu hút số lượng giáo viên, cán bộ công nhân đáp ứng nhu cầu. Nhiều giáo viên bỏ việc, bỏ nghề vì chưa đảm bảo cuộc sống. Lãnh đạo ngành giáo dục thành phố đề nghị quan tâm hơn tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục.

Nhàn Lê - Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tphcm-nhieu-giao-vien-phai-ban-hang-online-lam-gia-su-post1579104.tpo