TPHCM muốn thu hẹp khu vực được nuôi chim yến

Những khu vực được phát triển nghề nuôi chim yến trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới sẽ bị giới hạn và chỉ còn phường Long Phước của thành phố Thủ Đức, 6 xã dọc theo sông Sài Gòn thuộc huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ.

Đây là thông tin được đưa ra trong dự thảo Nghị quyết Quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến trên địa bàn TPHCM đang được đưa ra lấy ý kiến người dân.

Cụ thể, tại thành phố Thủ Đức, vùng nuôi chim yến tập trung tại phường Long Phước, với tổng diện tích khoảng 508 ha (số lượng không quá 50 nhà nuôi chim yến), khu vực huyện Củ Chi vùng nuôi chim yến tập trung ở 6 xã dọc theo sông Sài Gòn. Huyện Cần Giờ vùng nuôi chim yến phát triển trên đất nông nghiệp khác ở các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp và Lý Nhơn.

Một nhà nuôi chim yến trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Website Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.

Các quận, huyện, thành phố Thủ Đức có nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành (ngày 5-3-2020) nhưng không thuộc vùng nuôi chim yến trong quyết định do HĐND TPHCM phê duyệt thì phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới; nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh và đến ngày 1-1-2025 phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp.

Trong báo cáo nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý, phát triển bền vững nghề nuôi yến ở TPHCM do Viện Sinh học nhiệt đới (thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiến hành trong giai đoạn 2019-2022 cho thấy, nghề nuôi chim yếu ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Theo nghiên cứu này, độ ồn trung bình tại khu vực nhà nuôi yến ở Cần Giờ và phường Long Phước, quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức) cao hơn QCVN 26:2010/BTNMT về độ ồn lần lượt là 71,1 và 71,4 DbA (DbA là đơn vị đo độ ồn âm thanh, là khoảng đo độ ồn tiêu chuẩn, theo đó, một nơi yên tĩnh thông thường có độ ồn dưới 30DbA – PV). Nghiên cứu cũng chỉ ra, đa số các nhà yến nằm trong khu vực nội thành, đông dân cư đều gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như tiếng ồn mở liên tục, mùi hôi từ lông và phân chim yến.

Liên quan đến vi sinh vật gây bệnh, cũng theo kết quả nghiên cứu kể trên thì mật độ nhóm vi khuẩn salmonella ghi nhận được tương đối cao so với giá trị trung bình trong đất. Salmonella là một loại vi khuẩn có thể gây chứng bệnh ở đường tiêu hóa của người và động vật.

Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, trong những năm qua số lượng nhà nuôi yến tăng lên rất nhanh ở các quận, huyện. Cả thành phố ghi nhận có 19 quận, huyện nuôi chim yến với tổng số 727 nhà. Trong đó, nhiều nhất là huyện Cần Giờ với 496 nhà, chiếm 70%, quận 9 (nay là một phần của thành phố Thủ Đức) với 62 nhà, chiếm 8,7%, huyện Nhà Bè có 31 nhà, chiếm 4,3%. Còn các quận/huyện khác có số lượng nhà yến dưới 30 chiếm 17% tổng số lượng nhà yến trên toàn thành phố.

N.H

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tphcm-muon-thu-hep-khu-vuc-duoc-nuoi-chim-yen/