TPHCM: hàng trăm biệt thự cổ bị phá dỡ không thương tiếc

Gần 50% trong 1.300 biệt thự cổ tại TPHCM đã bị phá dỡ không thương tiếc với nhiều lý do khác nhau. Nguyên nhân được đổ cho chưa có tiêu chí phân loại và quản lý các biệt thự cổ này.

Theo kết quả khảo sát được do Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM), gần 50% biệt thự cổ trên địa bàn TPHCM đã "biến mất". Trong khi theo thống kế trước đó, TPHCM có 1.300 căn biệt thự cổ (xây trước năm 1975). Các căn biệt thự này tập trung chủ yếu ở quận 1 và 3 trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai... Song đến nay, đường Nguyễn Đình Chiểu chỉ còn 24 biệt thự, đường Hai Bà Trưng chỉ còn 20 biệt thự, đường Lê Quý Đôn và Mạc Đỉnh Chi chỉ còn 6 căn biệt thự, trong khi số biệt thự từng được thống kê tại các đường này lần lượt là 53-40-20-20 căn.

Điều đáng nói là từ năm 1996, TPHCM đã có công văn quy định việc phá bỏ biệt thự cổ phải có ý kiến của Kiến trúc sư trưởng thành phố, trình Chủ tịch UBND TPHCM quyết định. Tuy nhiên, việc không có tiêu chí đánh giá, phân loại biệt thự cổ khiến các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện công văn này cũng như tạo kẽ hở để các đối tượng trục lợi.

Đơn cử: do chưa có tiêu chí phân loại và quản lý cụ thể với các ngôi biệt thự cổ, nên tình trạng người dân sống trong các biệt thự cổ tự ý sửa chữa, phân chia, tháo dỡ vẫn diễn ra thường xuyên. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến với các biệt thự cổ mà nhà nước phân chia cho nhiều hộ cùng ở. Để rồi UBND TPHCM buộc phải cho phép phân chia, tháo dỡ với những biệt thự này trước thực tế các căn biệt thự loại này đã bị “xẻ thịt” từ trước đó. Đó là chưa kể đến những trường hợp chủ sở hữu cố tình phá dỡ vì mục đích riêng. Việc công tác quản lý không theo kịp nhu cầu thực tế đã khiến hàng trăm biệt thự cổ “biến mất” trong sự tiếc nuối của dư luận xã hội.

Trước thực trạng này, lãnh đạo TPHCM đã giao cho Viện Viện Nghiên cứu phát triển lập dự thảo phân loại và quản lý biệt thự cổ. Hội đồng phân loại biệt thự chịu trách nhiệm đánh giá và phân loại biệt thự cũ thành ba nhóm 1, 2, 3 để trình UBND TPHCM phê duyệt. Theo đó, chỉ các biệt thự cổ thuộc nhóm 3 (công trình ít có giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử) mới được tháo dỡ khi có nhu cầu xây dựng công trình mới. Các công trình mới này vẫn phải có kiến trúc biệt thự với 3 tầng lầu phù hợp với quy hoạch khu biệt thự cổ.

Hiện tại, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM đã trình dự thảo tiêu chí quản lý và phân loại biệt thự. Tuy nhiên, dự thảo này vẫn chưa được thông qua. Việc chậm trễ trong công tác ban hành các văn bản quản lý này có thể khiến số biệt thự cổ ở TPHCM “biến mất” chưa dừng ở đây và rồi cũng chẳng ai phải chịu trách nhiệm về số biệt thự cổ tiếp tục bị phá dỡ. Tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến ở Hà Nội khiến dư luận cho rằng: Có sự buông lỏng trong công tác quản lý biệt thự. Bởi nếu không có sự bao che, dung túng của các cơ quan quản lý, thì không có nhiều biệt thự bị “biến mất” đến thế. Điều này khiến dư luận không thể không đặt ra câu hỏi: Phải chăng đang tồn tại lợi ích nhóm trong việc quản lý biệt thự cổ ở TPHCM?

Quang Huy

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-khong-gian-song/tphcm-hang-tram-biet-thu-co-bi-pha-do-khong-thuong-tiec