TPHCM: Đề xuất thành lập chợ đầu mối theo mô hình hiện đại

Theo Sở Công thương TPHCM, để thích ứng với tình hình mới, việc nghiên cứu, đề xuất phát triển thêm chợ đầu mối theo mô hình hiện đại, tạo sự kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa TPHCM với các địa phương là rất cần thiết.

Triển khai dự án chợ đầu mối bình điền giai đoạn 2

Trong đề xuất nghiên cứu, phát triển chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM, Sở Công thương TP đã đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng hàng hóa của TP. Theo đó, Sở Công thương cũng đã thông tin về tiến độ thực hiện dự án khu thương mại Bình Điền giai đoạn 2 tại Đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu phố 6, Phường 7, Quận 8.

Được biết, dự án Khu thương mại Bình Điền do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV làm chủ đầu tư đã triển khai từ năm 2002 với quy mô 547.626m2 gồm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 247.500m2 và giai đoạn 2: 300.126m2). Từ năm 2002 đến nay, Quy hoạch chi tiết 1/500 khu thương mại này đã không còn phù hợp với nhu cầu thực tế và công tác vận hành.

Thời gian qua, Sở Công Thương cũng đã phối hợp cùng các Sở, ngành, đơn vị liên quan đã hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai thực hiện các nội dung liên quan đối với dự án đầu tư Khu Thương mại Bình Điền giai đoạn 2; đồng thời thực hiện các bước rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch để thực hiện phương án đề xuất lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết phân lô tỷ lệ 1/500.

Chợ đầu mối Thủ Đức

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Nhằm hướng đến tính hiệu quả, khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường trong tương lai, Sở Công Thương đề nghị trong quá trình nghiên cứu, định hình mô hình hoạt động, phát triển, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV và đơn vị tư vấn cần xem xét, nghiên cứu, tích hợp những nội dung khuyến nghị, đề xuất từ Kế hoạch chiến lược phát triển chợ đầu mối Bình Điền để xác định mô hình hoạt động phù hợp.

Cụ thể, chợ Bình Điền cần phát huy thế mạnh gồm: vị trí thuận tiện so với các vùng sản xuất và tiêu dùng chính, khả năng mở rộng chợ kết hợp cùng các giải pháp thúc đẩy phát triển chợ theo hướng hiện đại hóa, cải thiện chất lượng sản phẩm và hậu cần, nâng hoạt động của đơn vị quản lý chợ để phát triển chợ đầu mối Bình Điền là một trong các chợ hiện đại, hiệu quả của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.

Qua khảo sát thực tế, kết hợp nghiên cứu các xu hướng phát triển, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong tương lai, ngoại trừ chợ đầu mối Bình Điền giai đoạn 2, Sở Công Thương nhận thấy khả năng phục vụ, cung ứng hàng hóa của 3 chợ đầu mối hiện hữu là chợ đầu mối Thủ Đức (20 héc-ta, nằm ở cửa ngõ phía Đông TP, chuyên về các ngành hàng trái cây, rau củ, hoa); chợ đầu mối Hóc Môn (10 héc-ta, nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc TP, chuyên về ngành hàng thịt heo, rau củ); chợ đầu mối Bình Điền (giai đoạn 1 là 15 héc-ta, nằm ở phía cửa ngõ phía TP) đang ở trạng thái gần như đã bão hòa, không có khả năng mở rộng.

Khu vực bán hải sản tại chợ đầu mối Bình Điền

Sẽ có thêm một chợ đầu mối diện tích trên 100 héc-ta

Nhằm bảo đảm duy trì hoạt động chuỗi cung ứng hàng hóa của TP, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của chợ đầu mối như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, Sở Công Thương xác định cần tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, chuẩn hóa quy trình vận hành và tiến đến thực hiện chuyển đổi số trong mô hình hoạt động kinh doanh hiện nay của 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Trong đó, cần chú trọng xác định mô hình hoạt động của khu Thương mại Bình Điền trong tương lai bảo đảm phù hợp định hướng phát triển của TPHCM, xu hướng phát triển của ngành thương mại và đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt, trên cơ sở định hướng hợp tác trong thời gian tới giữa TPHCM và thành phố Paris (Pháp) và tận dụng cơ hội mang lại từ cam kết hỗ trợ của phía đơn vị quản lý chợ đầu mối Quốc tế Rungis (về công nghệ quản lý chợ đầu mối, quy định, quy chuẩn, quy cách đóng gói hàng hóa, quy trình sơ chế hàng hóa, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin), Sở Công Thương nhận thấy cần thiết nắm bắt cơ hội hợp tác, học tập kinh nghiệm quản lý chợ đầu mối từ mô hình chợ đầu mối Quốc tế Rungis để nghiên cứu, đề xuất phát triển chợ đầu mối tại TP theo hướng hiện đại. Đồng thời, Sở cũng trình UBND TP xem xét về đề xuất Tập đoàn Semmaris, Ban Quản lý chợ đầu mối Quốc tế Rungis tham gia tư vấn xây dựng, đầu tư phát triển chợ đầu mối Bình Điền giai đoạn 2.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện chuỗi cung ứng hàng hóa của TPHCM hoạt động ổn định, liên tục với mạng lưới cung ứng, phân phối trải đều khắp địa bàn các quận, huyện và TP.Thủ Đức với 3 chợ đầu mối, 231 chợ truyền thống, 267 siêu thị, 48 trung tâm thương mại và hơn 3.300 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động.

Trên cơ sở góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động của các chợ đầu mối hiện hữu, Sở Công Thương cho rằng việc nghiên cứu, đề xuất phát triển thêm một chợ đầu mối theo mô hình hiện đại, tạo sự kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa TPHCM với các địa phương là cần thiết. Từ việc đánh giá thực trạng, rà soát các yêu cầu, điều kiện, tiềm năng, cơ hội thực tế, nhận thấy huyện Hóc Môn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chợ đầu mối (vị trí, diện tích, giao thông, khả năng kết nối, liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía nam và giao lưu quốc tế...), Sở Công thương dự kiến nghiên cứu, đề xuất phát triển chợ đầu mối tại vị trí khu đất tọa lạc tại ấp Tân Thới 3 (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) với quy mô dự kiến khoảng trên 100 héc-ta.

Chợ đầu mối này sẽ tổng hợp các chức năng của Trung tâm giao dịch hàng hóa, chợ đầu mối, trung tâm logistic; cung cấp các điều kiện cần thiết để thực hiện giao dịch mua - bán hàng hóa nông sản và các loại hàng hóa khác (hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp, xuất khẩu...); thực hiện khâu phân phối trong chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; phát triển hạ tầng phục vụ dịch vụ, nhất là dịch vụ logistic; phát triển các dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, giám định chất lượng hàng hóa và các dịch vụ thương mại khác); cung cấp thông tin thị trường; kết nối hình thành điểm đến tham quan, mua sắm phục vụ người dân, khách du lịch, hình thành các sản phẩm kinh tế đêm để gia tăng giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế đêm trên địa bàn TP.

Sở Công thương nhấn mạnh, mô hình hoạt động của chợ đầu mối mới sẽ được tổ chức theo hướng hiện đại; đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; góp phần kết nối giữa các nhà sản xuất với nhà phân phối. Do đó, chợ đầu mối sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, có hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm; các giao dịch mua bán được thực hiện công khai, minh bạch, được quản lý và vận hành theo một quy trình mua bán thống nhất.

Đáng nói, việc nghiên cứu, đề xuất phát triển chợ đầu mối theo mô hình hiện đại dự kiến sẽ là kênh cung ứng hàng hóa không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu và là một trong các điểm đến du lịch, thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan, mua sắm, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Trung Hiếu

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thi-truong/de-xuat-thanh-lap-cho-dau-moi-theo-mo-hinh-hien-dai_159961.html