TPHCM: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán 2024

Ngày 1-2, UBND TPHCM họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và nhiệm vụ giải pháp tháng 2. Chủ trì cuộc họp gồm các Phó chủ tịch Nguyễn Văn Dũng, Ngô Minh Minh Châu, Bùi Xuân Cường.

Quang cảnh buổi họp

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 1, Giám đốc Sở KHĐT Lê Thị Huỳnh Mai, cho biết tổng thu ngân sách đạt 54.728 tỷ đồng, đạt 11,33% dự toán; tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 4.604 tỷ đồng, đạt 3,07% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển 1.698 tỷ đồng; xuất nhập khẩu ước đạt 3,79 tỷ USD, tăng 23,3% so cùng kỳ, doanh thu du lịch ước tăng 57% so cùng kỳ.

Trong tháng 1, cấp 738 Giấy chứng nhận nhà, đất lần đầu cho cá nhân. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, như tháo gỡ cho bất động sản chưa được như kỳ vọng; thu hút FDI giảm 29,8% so cùng kỳ, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 23,4% so cùng kỳ.

Giám đốc Sở KHĐT Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại kỳ họp

Phó giám đốc phụ trách Sở Tài chính Nguyễn Trần Phú cho biết, để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách sắp tới tiếp tục chính sách giảm thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, giảm 30% tiền thuê đất, tăng cường thu ngân sách trên địa bàn, đẩy nhanh chính sách hoàn thuế, phối hợp với các cơ quan trên địa bàn để đảm bảo nguồn thu, tránh thất thu, tăng nguồn thu từ đất…

Về giá cả, nhìn chung giá cả phục vụ tết ổn định, nguồn cung đa dạng phong phú, sức mua tăng nhẹ.

Sở LĐTB & XH cho biết có 43 đoàn đi thăm gia đình chính sách, đơn vị bộ đội… có 625.424 đối tượng được chăm lo tết với kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng; thưởng tết của các doanh nghiệp bình quân 12,3 triệu đồng/người, tổ chức xe về quê cho công nhân, giúp đỡ, thăm hỏi công nhân khó khăn…

UBND TPHCM cho biết, trong tháng 2 sẽ tập trung triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường, phát triển du lịch dịp cuối năm; tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa Tết theo đúng kế hoạch, kịch bản đề ra; tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến dịp Tết; chủ động có phương án hoặc để xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.

Phối hợp Sở Công Thương các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết,… đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng gạo, thịt gia súc, rau củ quả và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng; đặc biệt đẩy mạnh đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác.

Phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, lưu thông hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên thị trường; thực hiện cung cấp thông tin về chủ trương chính sách của Nhà nước, tình hình diễn biến thị trường.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề với văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp FDI, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM triển khai thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn năm 2024; tăng cường các biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tphcm-dam-bao-nguon-cung-hang-hoa-binh-on-gia-dip-tet-nguyen-dan-2024-post111759.html