TP.Hồ Chí Minh: Xử lý nghiêm nạn vẽ bậy

Nạn vẽ bậy lan rộng trên khắp các tuyến đường từ trung tâm đến ngoại ô TPHCM. Điều đáng nói, các cây cầu lớn cùng nhiều công trình biểu tượng (nghiêm trọng nhất là cầu Ba Son) liên tục bị xịt sơn, vẽ bậy. Trước vấn nạn trên, hiện TPHCM đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết căn cơ những vấn đề trên, trong đó chú trọng đến việc lắp camera an ninh.

"Bôi bẩn" phố phường

Theo quan sát của chúng tôi, hình vẽ bậy xuất hiện đa dạng, từ chân cầu, cửa cuốn nhà dân, tủ điện đến dải phân cách. Từ các công trình đến tường nhà dân, bức tường nào cũng có thể trở thành "nạn nhân" của hình vẽ bậy. Nhiều công trình giao thông, tường bệnh viện, trường học... tại nhiều khu vực TPHCM bị bôi bẩn bởi những hình vẽ bậy bằng bình xịt sơn đen, trắng, đỏ, vàng... với đủ hình dạng. Thậm chí, tường của trụ sở cơ quan chính quyền cũng bị các "họa sĩ đường phố" vẽ nham nhở.

Ngay cả các công trình giao thông lớn ở TPHCM cũng bị vẽ nhem nhuốc. Lướt qua những tuyến đường như Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Trường Sa (quận 3), Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú), hầu như nơi nào cũng thấy những hình vẽ này. Đặc biệt tại các vị trí chân cầu, nhà chờ xe buýt, nơi có những bức tường rộng... sẽ dễ dàng nhìn thấy các hình phun sơn nguệch ngoạc với những nội dung phản cảm, hình thù thô kệch.

Một số bức tường mới sơn lại, các công trình lớn như trường học, bệnh viện và điểm du lịch nổi tiếng đều không thoát khỏi "bàn tay đen" của những kẻ ăn không ngồi rồi. Nhiều nỗ lực xóa bỏ hình vẽ bậy ngay lập tức bị thay thế bằng những "tác phẩm" mới. Điển hình là khu vực chờ tái lập cửa Nam chợ Bến Thành, nơi những hình vẽ nghệch ngoạc xuất hiện không kiểm soát.

Nhà chờ xe buýt trên đường Hàm Nghi, quận 1 và chân cầu Ba Son bị vẽ bậy

Bên cạnh đó, một số cầu đi bộ (cầu bộ hành), hầm đi bộ ở khu vực nút giao Bình Thuận (Nguyễn Văn Linh và Quốc lộ 1, huyện Bình Chánh) bị nhiều người đến ngủ, phóng uế, tụ tập hút chích... gây mất trật tự, mất vệ sinh nên người dân không mặn mà với việc đi lại trong các khu vực này. Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ có khu vực trung tâm mà ở những quận, huyện khác, tình trạng vẽ bậy cũng diễn ra tràn lan khiến nhiều người ngán ngẩm. Có những vị trí hình vẽ bậy từ năm này qua năm khác vẫn chưa được xử lý.

Chấn chỉnh bằng giải pháp lắp đặt camera

Chiều 04/01/2024, tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch trên địa bàn do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức, ông Phạm Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM) cho biết, thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết căn cơ những vấn đề trên, trong đó chú trọng đến việc lắp đặt camera.

Theo ông Phạm Minh Hải, cầu Ba Son do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ chịu trách nhiệm quản lý. Hiện cầu đang được khai thác bình thường, còn một số cá nhân lợi dụng việc tham quan để sơn, vẽ bậy. Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đã có nhiều văn bản gửi UBND quận 1 và TP.Thủ Đức để đề nghị hỗ trợ việc tăng cường công tác tuần tra, bảo đảm an ninh khu vực, chống các hành vi sơn vẽ bậy, ăn cắp vật tư công trình cầu, vận động người dân không buôn bán lấn chiếm vỉa hè tại công trình cầu Ba Son.

Nhằm khắc phục triệt để nạn sơn, vẽ bậy tại cầu Ba Son, cũng như các công trình cầu giao thông khác, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ làm chủ đầu tư 2 dự án. Đầu tiên là gắn bổ sung hệ thống camera quan sát giao thông tại các vị trí dưới những dạ cầu có giao thông thủy; riêng đối với cầu Ba Son sẽ lắp đặt 5 camera để theo dõi việc tàu thuyền đi lại và tham quan của người dân tại khu vực công viên dưới dạ cầu. Việc này sẽ góp phần theo dõi các đối tượng xấu lợi dụng việc tham quan để sơn vẽ bậy. Trung tâm đang trong quá trình thực hiện dự án này, dự kiến hoàn thành trong tháng 01/2024.

Dưới gầm Cầu Mống

Thứ hai là dự án sửa chữa, sơn chỉnh trang, chống vẽ trên các cầu lớn đã được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt, khởi công trong quý 2 năm 2024. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tác dụng của việc sơn vẽ bậy trên cầu vì sử dụng sơn chuyên dụng chống việc sơn vẽ bậy, trường hợp nếu có sơn vẽ lên chỉ cần dùng vải lau qua là sạch.

Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cũng đề nghị UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức, các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân để tránh việc làm mất mỹ quan đô thị; đồng thời hỗ trợ trung tâm thực hiện công tác tuần tra, xử lý các đối tượng sơn vẽ bậy bằng các hình thức: phạt tiền, khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu, đồng thời khen thưởng người phát hiện hành vi sai trái. Địa phương cũng có thể lắp các biển tuyên truyền cấm sơn, vẽ bậy bằng ngôn ngữ Việt, Anh tại một số vị trí trên cầu, ghi chú mức phạt nếu vi phạm.

Liên quan đến tình trạng cầu bộ hành, hầm đi bộ biến thành nơi tụ tập hút chích, phóng uế bừa bãi, ông Phạm Minh Hải cho biết, các công trình cầu bộ hành, hầm đi bộ được xây dựng nhằm phục vụ cho người dân sang đường bảo đảm an toàn, kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, tình trạng tụ tập, xả rác... trên một số cầu bộ hành, hầm đi bộ vẫn xảy ra. Nguyên nhân chính là do một số người dân thiếu ý thức, hoặc do các đối tượng sống lang thang thường xuất hiện trên các cầu bộ hành gây ra.

Tường của Bệnh viện Nhi Đồng 2 nham nhở các nét vẽ nguệch ngoạc

Thời gian qua, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và Công ty Cổ phần Công trình cầu phà TPHCM thường xuyên tuần tra phát hiện, báo chính quyền địa phương hỗ trợ xử lý các tình trạng nêu trên. Sau công tác giám sát, xử lý của cơ quan chức năng, tình trạng mất an ninh tại các cầu và hầm đi bộ có cải thiện hơn so với trước đây nhưng vẫn chưa xử lý triệt để. Sắp tới, công ty sẽ tiếp tục giám sát, báo cáo tình hình mất an ninh, trật tự tại khu vực hầm cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ để kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý. Đồng thời, lắp đặt các biển cảnh báo "Khu vực hầm đi bộ. Cấm tụ tập, buôn bán trong khu vực hầm" tại các cửa lên xuống hầm để người dân biết, tuân thủ theo quy định; tăng cường công tác vệ sinh các cầu, hầm đi bộ thuộc phạm vi do trung tâm thực hiện.

Về phía chính quyền địa phương, UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý triệt để đối với việc người dân tập kết vật tư xây dựng, tập kết rác, lấn chiếm xung quanh cầu, hầm đi bộ làm nơi kinh doanh buôn bán..., tạo thông thoát cho khu vực cầu, hầm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi bộ qua hầm an toàn.

Công an các quận huyện, TP.Thủ Đức thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý đối với các đối tượng tập trung ngủ, sinh hoạt, hút chích... (nếu có) trong khu vực cầu, hầm đi bộ; phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ gắn các bảng công bố "số điện thoại đường dây nóng" tại các cửa lên xuống hầm để người dân, lực lượng trực gác cầu... thông báo kịp thời nhằm phối hợp xử lý; bố trí các chốt an ninh, trật tự (chốt dân phòng) tại khu vực các hầm để phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng mất an ninh, trật tự, bảo vệ người dân đi bộ qua hầm an toàn; xem xét lắp đặt camera an ninh để theo dõi, nhanh chóng xử lý tình trạng mất an ninh, trật tự tại khu vực cầu, hầm đi bộ.

HỒNG CHÂU

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/xu-ly-nghiem-nan-ve-bay_157674.html