TP. Hồ Chí Minh tri ân trí thức kiều bào có đóng góp thiết thực trong công tác giảng dạy

Chiều 14/11, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức gặp mặt trí thức kiều bào nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh Vũ Thị Huỳnh Mai cho biết, thời gian qua, Ủy ban đã tiếp nhận rất nhiều các ý kiến hiến kế, đề xuất của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trí thức người Việt ở nước ngoài nói riêng để cùng xây dựng và phát triển Thành phố.

Lãnh đạo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh tặng hoa các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. (Nguồn: BTC)

Cụ thể, Giáo sư Đặng Lương Mô với tâm huyết về chương trình vi mạch cho Thành phố, các trí thức trong Câu lạc bộ Khoa hoc kỹ thuật người Việt Nam ở nước ngoài với đề án “Đưa tài liệu học tập của nước ngoài đến sinh viên, học sinh trong nước”, hình thành “Tủ sách khoa học kỹ thuật” điện tử với hơn 160 đầu sách gồm hơn 66.000 trang sách khoa học, kỹ thuật thuộc các ngành Toán, Hóa học, Vật lý, Sinh học...

Từ năm 2018 đến nay, thông qua Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh, TS. Võ Tá Hân (kiều bào Mỹ) đã đóng góp hơn 10.000 cuốn sách với khoảng 1.000 đầu sách về các lĩnh vực khoa kỹ thuật, y tế để đưa vào các trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu… phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Thời gian trước, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Ủy ban đã tiếp nhận rất nhiều chia sẻ những kinh nghiệm, đóng góp ý kiến, hiến kế cùng TP chung tay chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế của TS. Nguyễn Đức Thái, TS. Nguyễn Quốc Bình, PGS.TS Bùi Quốc Bảo, GS. Chung Hoàng Chương, GS. Huỳnh Phú Hạnh, Thạc sĩ Lê Duy Cân, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, ông Danny Võ Thành Đăng, PGS.TS Nguyễn Đức Trung cùng rất nhiều nhân sĩ trí thức khác...

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã chia sẻ những suy nghĩ, đánh giá về tinh thần hiếu học của người Việt Nam; những thành tựu và thử thách của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay, đồng thời đưa ra một số đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng công tác giáo dục tại Việt Nam, trong đó, đề nghị quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo kỹ năng mềm; khuyến khích phát triển tính chủ động, sáng tạo của sinh viên, học viên…

Trên cơ sở những chia sẻ, đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự họp mặt, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục là cầu nối để hỗ trợ, kết nối các chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước qua nhiều lĩnh vực như kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Đức Hiển cũng khẳng định: “Đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có lợi thế được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, có kinh nghiệm thực tiễn, làm việc trong môi trường khoa học, công nghệ phát triển cao, đặc biệt có quan hệ sâu rộng ở nước sở tại cũng như trên thế giới. Đây chính là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức”.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tp-ho-chi-minh-tri-an-tri-thuc-kieu-bao-co-dong-gop-thiet-thuc-trong-cong-tac-giang-day-250106.html