TP.HCM triển khai quy trình cứu hộ cứu nạn qua mạng thông tin di động

Trong vòng 15 phút kể từ khi nhận được yêu cầu, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại TP.HCM phải cung cấp thông tin định vị thuê bao di động để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

UBND TP.HCM vừa ban hành quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ và nhắn tin cảnh báo thiên tai qua mạng thông tin di động trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 10-1.

Quy trình này xác định cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ và nhắn tin cảnh báo thiên tai qua mạng thông tin di động trên địa bàn của tổng đài điện thoại 113 (an ninh trật tự), 114 (cứu nạn cứu hộ, phòng cháy chữa cháy) và 115 (cấp cứu y tế).

Trong trường hợp nội dung cuộc gọi yêu cầu cứu nạn, cứu hộ, nhân viên trực tổng đài chuyển tiếp thông tin cuộc gọi đến Công an TP.HCM theo tổng đài điện thoại 114.

Sau khi tiếp nhận, Công an TP.HCM phân tích xử lý thông tin được cung cấp để triển khai lực lượng; đồng thời báo cáo kịp thời, chính xác tình hình cho Ban chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM (gọi tắt là Ban chỉ huy) và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ.

Trong trường hợp sự cố, tai nạn vượt quá khả năng xử lý như sự cố lớn, thảm họa, khu vực vùng biển xa bờ... Công an TP.HCM khẩn trương báo cáo Ban chỉ huy để tổ chức điều hành, chỉ huy các lực lượng cứu nạn, cứu hộ triển khai phương án ứng phó.

Đáng chú ý, quy trình mới của UBND TP.HCM cũng cho phép định vị thuê bao di động ở một số trường hợp cần thiết.

Sau 5 phút kể từ khi nhận được yêu cầu, doanh nghiệp thông tin di động phải gọi điện thoại, nhắn tin SMS, fax (bắt buộc), gửi thư điện tử, công văn hỏa tốc thông báo cho Ban chỉ huy hoặc Công an TP.HCM biết đã nhận được thông tin và khẩn trương định vị thuê bao, cung cấp thông tin định vị trong vòng 10 phút sau đó.

Trong trường hợp không thể định vị, các doanh nghiệp cũng báo cáo Ban chỉ huy và Công an TP.HCM biết để kịp thời xử lý.

Các thông tin định vị gồm: số thuê bao, thời gian nhận tin, thông tin khu vực vùng phủ sóng phục vụ thuê bao (tọa độ, vị trí, địa chỉ, bán kính phủ sóng của trạm thu phát sóng thông tin di động đang quản lý thuê bao di động cần định vị), thời gian thực hiện định vị, thông tin khác của cá nhân thuê bao…

Việc cho phép định vị thuê bao di động giúp các lực lượng chức năng có thể biết vị trí tương đối chính xác của người gặp nạn, góp phần ứng cứu kịp thời, không bỏ lỡ "thời gian vàng".

Siết an toàn lao động

Thông tin tại họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế- xã hội và phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM chiều 5-1, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Trương Công Nam đã nói về việc đảm bảo an toàn lao động tại các công trình trên địa bàn TP từ sự cố thương tâm bé trai ở Đồng Tháp lọt vào trụ bê-tông.

Ông Nam cho biết, TP.HCM là địa bàn có hoạt động xây dựng lớn nhất cả nước.

Để siết chặt công tác quản lý, lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm soát nghiêm ngặt từ khi khởi công đến lúc nghiệm thu.

"Trong quá trình đó, nếu nhà thầu, chủ đầu tư không chấp hành quy định về an toàn lao động thì lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng, UBND quận, huyện kiên quyết xử lý và xử lý rất nghiêm"- ông Nam nói và cho biết qua vụ việc ở Đồng Tháp, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND TP chấn chỉnh, có quy định để hoạt động an toàn trên công trình lao động được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, triệt để.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-trien-khai-quy-trinh-cuu-ho-cuu-nan-qua-mang-thong-tin-di-dong-post715372.html