TP HCM tìm hướng xử lý bãi chôn rác

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM phối hợp doanh nghiệp nghiên cứu đấu thầu xử lý rác với mục tiêu xử lý sạch môi trường, khả thi cho nhà đầu tư và ngân sách ít tốn nhất

Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp (DN) về giải pháp xử lý các bãi chôn rác lâu năm, xử lý ô nhiễm môi trường và tạo quỹ đất phát triển đô thị trên địa bàn TP.

Sẽ có cơ chế thuận lợi nhất

Cuộc họp tổ chức ngày 10-8, nằm trong chuỗi các hoạt động lắng nghe ý kiến của người dân góp ý, sáng kiến cho phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo TP HCM.

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết môi trường là vấn đề được người dân TP và các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm. Định hướng của TP thời gian qua là chuyển xử lý rác từ chôn lấp chủ yếu sang biến rác thành điện. UBND TP cũng đã có văn bản chỉ đạo, dự kiến trong tháng 9-10 năm nay sẽ khởi công 2 nhà máy biến rác thành điện với công suất 2.000 tấn/bãi rác.

"Mỗi ngày, TP thải ra khoảng 9.000 tấn rác, với việc hình thành mỗi nhà máy xử lý 2.000 tấn rác này, đến năm 2025 có thể xử lý 70% - 80% rác thành điện. Khi đó, rác thải sinh hoạt hằng ngày sẽ cơ bản được xử lý" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Dù vậy, hiện TP vẫn còn một số bãi rác với hàng triệu tấn chôn lấp nhiều năm nhưng chưa được xử lý. Khu vực các bãi rác này, nếu xử lý tốt sẽ không chỉ dừng lại ở phát triển thành công viên, cây xanh.

"Trong bối cảnh này, có DN báo cáo TP hướng xử lý hàng triệu tấn rác để không còn ô nhiễm, trả lại môi trường sạch cho TP và đã làm ở địa phương khác nên có thể khả thi. TP đã tổ chức họp để lắng nghe. Sắp tới, TP sẽ tổ chức định kỳ cuộc gặp gỡ DN khi có sáng kiến mới, đột phá nhằm trân trọng sáng tạo của đồng bào, kiều bào và sẽ có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi nhất nếu hiệu quả" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, cho biết hiện TP còn 2 bãi rác chôn lấp lớn, đã đóng cửa trên 10 năm là bãi rác Gò Cát (quận Bình Tân, rộng 25 ha) và bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, rộng 40 ha), đủ điều kiện xử lý rác chôn lấp và cải tạo bãi rác rồi sử dụng quỹ đất đó phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã tiếp xúc với 1 nhà đầu tư tham gia cải tạo bãi rác Gò Cát và 8 nhà đầu tư tham gia cải tạo bãi rác Đông Thạnh. Theo chủ trương của UBND TP, việc lựa chọn các nhà đầu tư phải thực hiện theo quy định. Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, liên quan chủ trương cải tạo, phục hồi các bãi chôn lấp Đông Thạnh và Gò Cát, TP đã có công văn chỉ đạo UBND quận Bình Tân, huyện Hóc Môn rà soát nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch khu vực các bãi rác này theo hướng bổ sung các khu chức năng khác.

"Nhận thức trước đây cải tạo bãi rác chôn lấp xong chỉ có thể làm công viên, cây xanh, nhưng nay nhiều đề xuất có thể phát triển thành khu đô thị, khu dân cư… và đã có địa phương làm thực tế nên TP lắng nghe, nhằm tăng tính khả thi và thuận lợi trong việc mời gọi đầu tư" - ông Võ Văn Hoan nhìn nhận.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sẽ tổ chức định kỳ cuộc gặp gỡ doanh nghiệp nhằm trân trọng sáng tạo của đồng bào, kiều bào Ảnh: TẤN THẠNH

Công khai chọn nhà đầu tư

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Công Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, nhìn nhận sau khi nghiên cứu các bãi rác chôn lấp ở Gò Cát, Đông Thạnh, DN thấy bãi rác ở Gò Cát phù hợp chi phí và phương án có thể tối ưu, ít tốn ngân sách của TP. Công ty đã từng thành công với dự án tương tự về xử lý bãi rác chôn lấp lâu năm ở Hải Dương nên có kinh nghiệm và tự tin với dự án ở TP HCM.

Dù vậy, cùng với việc xử lý rác, nhà đầu tư này mong muốn được tham gia đầu tư phát triển thành khu đô thị sau khi xử lý rác và môi trường, thậm chí đề xuất làm quy hoạch 1/500 khu vực này. Khi xử lý rác xong sẽ quy hoạch, phát triển thành khu đô thị là cơ sở tạo nguồn vốn để bù đắp chi phí xử lý bãi rác, chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật… thêm nguồn thu cho ngân sách.

"Nếu được chấp thuận, DN tin trong khoảng 2 năm xử lý xong bãi rác Gò Cát và 3 năm sẽ phát triển thành khu đô thị, nếu được chọn làm nhà đầu tư triển khai dự án" - ông Nguyễn Công Hồng nói.

Trước đề xuất của nhà đầu tư, lãnh đạo TP cho rằng quan điểm là tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư, nhưng quan trọng nhất là xử lý thành công bãi rác. Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Hoan, nếu khu vực bãi rác chôn lấp sau khi xử lý xong phát triển thành khu đô thị và nhiều chức năng khác thì cần điều chỉnh lại quy hoạch. TP sẽ giao quận, huyện điều chỉnh thêm các hình thức khác, rồi TP điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với mục tiêu ngân sách không phải tốn thêm chi phí.

Ông Hoan cho hay hiện có khá nhiều DN quan tâm đến chủ trương này, TP sẽ chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP chuẩn bị sẵn các tiêu chí để DN tham gia đấu thầu, TP chọn nhà đầu tư.

"Yêu cầu đầu tiên của TP khi lựa chọn nhà đầu tư là phải xử lý bảo đảm về môi trường, tránh ảnh hưởng tới khu vực lân cận. Nhà nước sẽ hỗ trợ về cơ chế, chính sách để tạo lợi ích cho môi trường và không để DN bị thiệt" - ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định.

Ủng hộ điều chỉnh quy hoạch

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, đề xuất xử lý bãi rác chôn lấp lâu năm ở TP đã có nhiều DN đề xuất, nhưng nay có nhà đầu tư đã triển khai thành công ở Hải Dương và có giải pháp cụ thể, sốt sắng muốn tham gia, thậm chí đề xuất phát triển thành khu đô thị sau khi xử lý rác, nên TP ghi nhận. Dù vậy, DN cần phối hợp cơ quan quản lý liên quan để có thể trong 3 tháng sẽ thực hiện xong yêu cầu về đấu thấu xử lý bãi rác này.

Sở Tài nguyên và Môi trường có thể tham khảo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các vấn đề liên quan, đồng thời TP cũng ủng hộ việc điều chỉnh quy hoạch khu vực bãi rác để có thể triển khai các phương án tiếp theo như xây dựng khu đô thị, phát triển hạ tầng giao thông…

Hãy coi rác là tài nguyên

Theo các DN, do tính chất rác đã chôn lấp, hữu cơ đã phân hủy thành mùn đất, cộng với lượng đất phủ bãi tỉ lệ lên tới 40%-45%. Các ô chôn lấp được đào sâu từ 5-6 m, có những chỗ rác chìm sâu trong nước nên công nghệ đốt tất cả thành phần có trong rác là không thể. Nếu vận chuyển tới địa điểm mới để xử lý, sẽ phát sinh ô nhiễm thứ cấp trong quá trình vận chuyển, gia tăng chi phí trong đơn giá xử lý và sẽ vấp phải sự phản đối của người dân địa phương.

Do đó, quan điểm của DN là điểm phát sinh gây ô nhiễm ở đâu sẽ xử lý tại chỗ đó, không thể vận chuyển lượng rác lớn đang ô nhiễm đến địa phương khác. Hãy coi rác là một tài nguyên để tận thu tối đa các phụ phẩm từ đây.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-tim-huong-xu-ly-bai-chon-rac-20190810221525812.htm