TP.HCM thừa nhận chưa khắc phục được tình trạng ngập nước

Trong báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2016, TP.HCM thừa nhận chưa khắc phục được tình trạng ngập nước

TP.HCM ngập lụt sau mỗi cơn mưa lớn

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện mưa đầu mùa trên diện rộng, đặc biệt là từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 xuất hiện nhiều cơn mưa nặng hạt đã gây ngập cục bộ ở một số tuyến đường, nhất là cửa ngõ phía đông ra vào thành phố.

Tuy nhiên, tình hình tiến độ khắc phục các vị trí ảnh hưởng do thi công dự án và xử lý các điểm lấn chiếm kênh rạch, cửa xả còn rất chậm. Đến tháng 6/2016, trên địa bàn thành phố còn 12 vị trí hệ thống thoát nước bị xâm hại gây ngập; 61 vị trí lấn chiếm kênh rạch, 88 tuyến cống, 91 hầm ga, 61 cửa xả bị lấn chiếm, trong đó phát sinh thêm 4 vị trí lấn chiếm kênh rạch và chưa xử lý dứt điểm được vị trí nào.

Cùng với tình trạng úng ngập, thành phố đang nỗ lực để giảm ùn tắc giao thông. Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm mặc dù không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút nhưng đã có 12 vụ ùn ứ giao thông.

Để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thành phố đang hoàn chỉnh Dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó, có một số công việc đã được thực hiện như tiếp tục phân luồng giao thông hợp lý tại một số khu vực thông qua phương án tổ chức giao thông phục vụ thi công các công trình và tăng cường các giải pháp xử lý các điểm đen giao thông.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, thành phố đang nghiên cứu phương án xây dựng cầu tạm cho xe 2 bánh lưu thông qua cầu Ông Dầu, đồng thời thực hiện một số giải pháp khác về phân luồng như thí điểm cho xe 2 bánh lưu thông vào 1 làn xe ô tô trên đường Trường Chinh trong giờ cao điểm, phân luồng giao thông các tuyến đường khu vực sân bay Tân Sơn Nhất...

Ngoài ra, thành phố cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình như: đường Trần Não; đường Lương Định Của; tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2); tuyến đường sắt đô thị số 1; đường Phạm Văn Đồng; Xa lộ Hà Nội…

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý các lĩnh vực ngành giao thông vận tải như hoàn thiện phương án mở rộng tổ chức giao thông theo mô hình làn sóng xanh trên tuyến đường Lê Thánh Tôn – Lý Tự Trọng – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Pasteur (Quận 1); chuyển đổi phương thức thu phí thủ công sang phương thức thu phí điện tử không dừng ETC áp dụng cho 5 trạm thu phí BOT và 2 trạm thu phí đường cao tốc trên địa bàn thành phố...

Qua rà soát của Sở GTVT, trong 4 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn thành phố đã phát sinh thêm 2 điểm đen tai nạn giao thông tại giao lộ Trường Chinh – Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình) và đoạn từ số nhà 404 đến số nhà 428 Nguyễn Tất Thành (quận 4). Với các điểm phát sinh mới này, Sở GTVT đã thực hiện các giải pháp trước mắt như sơn vạch giảm tốc, lắp cọc tiêu nhựa, sơn vạch kẻ đường, bổ sung biển báo, lắp đèn chớp vàng, nghiên cứu điều chỉnh tổ chức giao thông...

Bạch Dương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tphcm-thua-nhan-chua-khac-phuc-duoc-tinh-trang-ngap-nuoc-post201728.info