TP.HCM: Tăng 37% số ca nhập viện trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024

Thông tin từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận 13.065 trường hợp, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngày 15/2, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, so với cùng kỳ năm 2023 trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 (từ ngày 8/2 đến ngày 14/2), các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận 13.065 trường hợp nhập viện (tăng 37%); thực hiện hơn 2.800 ca phẫu thuật (tăng 26%), trong đó có 327 ca phẫu thuật do tai nạn (giảm 57 ca). Số lượt đến cấp cứu tai nạn giao thông giảm 28%, nhưng có 5 ca tử vong (tăng 3 ca so với cùng kỳ).

Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 604 ca tai nạn giao thông dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Số lượng cấp cứu do tai nạn giao thông giảm

Theo Sở Y tế TP.HCM, số lượng cấp cứu do tai nạn giao thông dịp Tết Nguyên đán năm nay giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện các bệnh viện trên địa bàn Thành phố đang tiếp nhận và điều trị cho hơn 12.000 bệnh nhân, tăng 28%; số lượng các ca cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông giảm 28%, nhưng có 5 ca tử vong, tăng 3 ca so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, năm Giáp Thìn 2024, trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn, TP.HCM chào đón 1.916 bé sơ sinh chào đời. Từ 00h00 đến 00h05, có 10 “rồng con” lần lượt chào đời bằng phương pháp sinh mổ và sinh thường; trong đó, có 7 em được sinh tại Bệnh viện Từ Dũ và 3 em bé được sinh tại Bệnh viện Hùng Vương.

Cùng ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn, bệnh viện bệnh viện đã tiếp nhận 1.870 bệnh nhân vào cấp cứu, trung bình 267 ca/ngày.

Liên quan đến tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố, trả lời phóng viên Báo Lao động Thủ đô PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết TP.HCM không ghi nhận sự cố về ngộ độc thực phẩm hay mất ATTP.

Theo TS Phong Lan, Sở đã triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân 2024 với các hoạt động như: Tăng cường theo dõi giám sát, đẩy mạnh thông tin, truyền thông về ATTP; kiểm tra và thực hiện kịp thời công tác cấp giấy kiểm dịch sản phẩm động vật ra ngoài địa bàn thành phố theo đề nghị của cơ sở khi có nhu cầu.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm kiểm tra tại chợ đầu mối Bình Điền.

“Nhìn chung, năm nay 100% Tết an toàn về thực phẩm, không có ca nào liên quan đến ngộ độc”, TS Phong Lan nói.

Cùng ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng có số liệu thống kê trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024. Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, số ca tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đả thương và ngộ độc các loại nhập viện dịp Tết Giáp Thìn 2024 đều giảm so với Tết Quý Mão 2023.

Cụ thể, số ca nhập viện cấp cứu là 1.890 ca, giảm 20 ca; số ca tai nạn do đả thương là 33 ca, giảm 14 ca; số ca ngộ độc các loại bệnh viện cấp cứu là 14 ca, trung bình 2 ca/ngày, giảm 18 ca so với năm 2023.

Từ ngày 2/12 -14/12 (tức 23 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng), Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 635 ca nhập viện do tai nạn giao thông, trong đó chỉ có 2 ca liên quan đến sử dụng rượu, bia.

Con số bệnh nhân bị tai nạn giao thông nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã giảm so với năm 2023 (748 ca).

Số ca nhập viện do pháo nổ tăng

Theo thống kê của các bệnh viện trên cả nước gửi về Bộ Y tế, có tổng số 604 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, tăng 51% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023 (315 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 15% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023).

Tổng số khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế khác là 87 trường hợp, tăng 56 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023 (39 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 17 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023; tử vong 4 trường hợp, tăng 2 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023).

Bệnh nhi 5 tuổi mất táy trái vĩnh viễn do pháo nổ.

Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa cấp cứu cho một bệnh nhi 5 tuổi bị pháo nổ, tổn thương nhiều bộ phận, dập nát bàn tay trái, không có khả năng phục hồi.

BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, khai thác bệnh sử, gia đình kể, chiều mùng 3 Tết, bệnh nhi chơi trước sân thì nhà hàng xóm đốt pháo hoa. Sau đó, bệnh nhi nhặt một viên pháo đại trên sân, viên pháo phát nổ làm bàn tay trái của bệnh nhi bị thương nặng. Gia đình nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

“Bàn tay trái của bệnh nhi bị dập nát, vùng mạn bụng trái tổn thương mô mềm; đùi phải bị bỏng cháy đen khoảng 3x2cm do mảnh pháo văng vào”, BS Tiến cho biết.

BS Tiến khuyến cáo, phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ chơi với pháo, hay đến quá gần nơi có đốt pháo vì rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương nặng ở các bộ phận cơ thể, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Đặc biệt, mọi người cần tuân thủ pháp luật về việc thực hiện hành vi đốt pháo.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-tang-37-so-ca-nhap-vien-trong-7-ngay-nghi-tet-giap-thin-2024-166350.html