TP.HCM sẽ 'vay' tiền của nhà đầu tư để bồi thường cho người dân?

Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) vừa có văn bản gửi UBND TP để báo cáo về cơ chế triển khai dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2.

Cầu Bình Triệu là cửa ngõ của TP.HCM đi một số tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên nhưng thường xuyên ùn tắc do mật độ xe quá cao. Ảnh: Nguyễn Tuấn.

Theo đó, hiện dự án nói trên do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố (CII) đầu tư, gồm 5 tiểu dự án sau:

Tiểu dự án 1: Nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu, quận Thủ Đức.

Tiểu dự án 2: Hoàn trả chi phí đầu tư toàn bộ các hạng mục mà Cienco 5 đã triển khai thực hiện trước đây và nâng cấp mở rộng các tuyến đường quanh Bến xe Miền Đông.

Tiểu dự án 3: Sữa chữa, nâng cấp cầu Bình Triệu cũ.

Tiểu dự án 4: Mở rộng đường Nguyễn Xí (từ cầu Đỏ đến nút giao thông ngã năm đài Liệt sĩ và xây dựng nút giao thông ngã năm đài Liệt sĩ, quận Bình Thạnh).

Tiểu dự án 5: Nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm đoạn từ ngã năm đài Liệt sĩ đến Tân Cảng, quận Bình Thạnh.

Tiểu dự án 6: Bồi thường, giải phóng mặt bằng tại quận Thủ Đức (để thực hiện tiểu dự án 1).

Tiểu dự án 7: Bồi thường giải phóng mặt bằng tại quận Bình Thạnh (để thực hiện tiểu dự án 4, 5). Tiểu dự án 6 và 7 do quận Thủ Đức và Bình Thạnh làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên vì nhiều lý do, trong đó có vướng mắc về tiền bồi thường nên nhà đầu tư không thể cùng lúc thực hiện 5 dự án.

Do vậy vừa qua đơn vị này đã có công văn kiến nghị TP cho phép ứng tiền bồi thường một phần tiểu dự án 6, 7 và thực hiện trước hạng mục cầu Ông Dầu trên quốc lộ 13 để giải quyết tình trạng ùn tắc, và CII sẽ thu phí hoàn vốn theo hình thức BOT qua cầu Bình Triệu 2.

Khi được hỏi ý kiến, sở GTVT cho rằng việc cho phép nhà đầu tư tạm bỏ tiền bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng là phù hợp.

Sở cũng đã kiến nghị TP giao quận Bình Thạnh và Thủ Đức căn cứ vào tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để đề nghị CII tạm ứng kinh phí bồi thường.

Bù lại CII sẽ được hưởng lãi tính trên số ngày và số tiền đã tạm ứng theo mức quy định. Khoản chi phí phát sinh (bao gồm tiền lãi) được tính là chi phí đầu tư dự án và được xác định trong quá trình đàm phán phụ lục Hợp đồng.

Ngoài ra Sở còn kiến nghị TP chấp thuận cho CII triển khai thực hiện trước hạng mục cầu Ông Dầu, đồng thời cho phép Sở tổ chức thẩm định hồ sơ thiết kế song song với quá trình điều chỉnh dự án nhằm đảm bảo đồng bộ với việc tổ chức thi công ngoài hiện trường.

Khi được TP giao xem xét nội dung kiến nghị nói trên của Sở GTVT, Sở KH&ĐT cũng thể hiện sự đồng tình vì cho rằng giao thông tại các tuyến đường trên đang bị ùn tắc nghiêm trọng, do đó cần nhanh chóng triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm thực hiện các tiểu dự án còn lại.

Về cách tính lãi vay, Sở KH&ĐT cho rằng thời gian sẽ được tính từ thời điểm giải ngân khoản vay đầu tiên và tối đa không vượt quá thời gian thực hiện dự án quy định trong hợp đồng dự án.

Từ các nhận định trên, Sở KH&ĐT kiến nghị TP đồng ý với đề xuất tạm ứng kinh phí bồi thường và xây dựng cầu ông Dầu nói trên.

Đây sẽ là cơ sở để UBND TP quyết định cho phép thực hiện đề xuất của nhà đầu tư hay không.

Nguyễn Cường

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tphcm-se-vay-tien-cua-nha-dau-tu-de-boi-thuong-cho-nguoi-dan-post217506.info