TP.HCM sẽ làm đường sắt đô thị theo cách thức mới

Theo các chuyên gia, TP.HCM cần tận dụng tuyến metro số 1 và coi nhiệm vụ từ Kết luận 49 của Bộ Chính trị là 'cú hích' để TP phát triển đường sắt đô thị.

Nhiệm vụ 12 năm hoàn thành 220 km đường sắt đô thị (ĐSĐT) đã được Bộ chính trị đặt ra cho TP.HCM, vậy TP cần làm gì để hiện thực hóa nhiệm vụ này?

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

Ba trụ cột để hoàn thành 220 km đường sắt đô thị

20 năm qua, TP.HCM mới làm được gần 20 km ĐSĐT với nhiều hạn chế. Trong bối cảnh mới, TP đã có nền tảng về thể chế mới từ kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP. Trong đó, Nghị quyết 98 đã cho phép TP phát triển mạng lưới đô thị dựa trên mạng lưới giao thông và dựa trên nhiều kênh khác nhau để huy động nguồn lực tài chính.

Với Kết luận 49 của Bộ Chính trị, trong vòng 12 năm phải hoàn thành 220 km ĐSĐT buộc TP phải có cách làm mới. Thứ nhất, chúng ta không thể làm cuốn chiếu xong tuyến số 1 mới đến tuyến số 2, số 3 mà cần xây dựng một mạng lưới ĐSĐT để kết nối với nhau.

Thứ hai, cần gắn phát triển giao thông đô thị kết nối với giao thông công cộng ngay từ đầu. TP không thể làm ĐSĐT xong mới làm nhà ga, khu vực xung quanh nhà ga… Mặt khác, các dự án đều triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) rất chậm, vì vậy cần kết hợp với mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) ngay từ đầu, xuyên suốt. Việc chủ động thực hiện theo mô hình TOD ngay từ đầu sẽ chủ động trong việc sử dụng quỹ đất ven đường.

Thứ ba, nghiên cứu mô hình vay vốn, phát hành trái phiếu công trình với quy mô lớn, với vốn vay trên 20 tỉ USD để phát triển hệ thống ĐSĐT. Lúc này chúng ta sẽ chủ động nguồn tiền để làm dự án.

Quá trình thực hiện dự án tuyến metro số 1 chưa có tính đột phá mà quy trình thủ tục lại mất nhiều thời gian. Vì vậy, TP cần có một quy trình thủ tục rút gọn, đột phá để rút ngắn thời gian, quy trình triển khai cho những dự án về sau. Như vậy, chúng ta có thể áp dụng cơ chế mới để làm nhanh các tuyến ĐSĐT như đã từng áp dụng với dự án đường vành đai 3 trong việc gọn thủ tục, bồi thường GPMB, chỉ định thầu một số gói thầu…

TS khoa học NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị:

Tận dụng tuyến metro số 1

Nghị quyết 98 sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho TP.HCM nên ngay từ bây giờ TP cần tận dụng mô hình TOD cho tuyến metro số 1. Từ đó, TP sẽ xây dựng thành một tuyến ĐSĐT thành công và nhân rộng ra hàng loạt tuyến ĐSĐT khác. Phát triển đô thị cần kết hợp với phát triển ĐSĐT. Điều này không những không tạo gánh nặng mà còn tạo nguồn thu cho ngân sách TP. Còn nếu chỉ hoàn thiện tuyến ĐSĐT đơn thuần, độc lập thì TP sẽ phải bù lỗ để đảm bảo cho các tuyến ĐSĐT hoạt động.

Cụ thể, TP cần làm ngay hệ thống xe buýt kết nối, dịch vụ thương mại - nhà xe, hạ tầng dịch vụ thương mại, xây dựng đô thị dọc nhà ga metro để thu hút người dân về dọc tuyến metro số 1. Đồng thời rà soát quỹ đất dọc hai bên metro để thu hồi và đấu giá đất để lấy nguồn vốn làm tuyến metro số 1 và hàng loạt tuyến ĐSĐT khác.

Các chuyên gia đều cho rằng để đường sắt đô thị phát triển thì cần áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng ngay từ đầu, xuyên suốt. Ảnh: ĐÀO TRANG

Ngoài ra, lãnh đạo TP, các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức cần tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 98 để phát triển tuyến metro số 1 và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TP.HCM. Khi tuyến metro được vận hành thì lượng lớn người dân sẽ từ bỏ xe cá nhân, khi đó sẽ gián tiếp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho TP.

TS VŨ ANH TUẤN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức:

Cần một cách làm mới

TP cần lấy đô thị “nuôi” đô thị, phát triển đô thị tạo ra giá trị thặng dư và tái đầu tư cho hạ tầng chiến lược khác. Các tuyến ĐSĐT trong tương lai sẽ tiếp cận với khu đất tiềm năng và làm giá trị “mảnh đất” đó tăng lên. Trong tương lai, TP cũng cần phải có một cách làm mới, cần phải “phá rào” những vướng mắc, quy định pháp luật, đơn cử như đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đối tác công tư (PPP)… để việc thực hiện các dự án được nhanh hơn.

Trường hợp các dự án ĐSĐT chỉ dựa vào nguồn vốn nhà nước sẽ không thực hiện được, bởi các mô hình TOD thành công đều có sự kết hợp giữa Nhà nước, chuyên gia và nhà đầu tư. TP cần cởi mở hơn để đưa những nhà đầu tư tiêu biểu đến với ĐSĐT. Sự phát triển của ĐSĐT sẽ tạo không gian cho người dân, có việc làm, khu vui chơi…•

TP.HCM sẽ có những tuyến đường sắt đô thị nào?

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương); tuyến metro số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn); tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên); tuyến metro số 2, giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm); tuyến số 3b (ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước); tuyến số 4 (Thạnh Xuân - khu đô thị Hiệp Phước); tuyến số 4b (Công viên Gia Định - Lăng Cha Cả); tuyến số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm); tuyến xe điện mặt đất số 1 (Ba Son - Bến xe Miền Tây); tuyến monorail số 2 (Quốc lộ 50 - Bình Quới) và tuyến monorail số 3 (ngã tư Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, Tân Chánh Hiệp).

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-se-lam-duong-sat-do-thi-theo-cach-thuc-moi-post752257.html