TP.HCM sẽ chịu nhiều áp lực với việc bị cắt ngân sách đột ngột

Chiều ngày 22/10, Quốc hội đã thảo luận về ngân sách và TP.HCM chỉ còn được giữ 18% ngân sách trong giai đoạn 2017 - 2020 thay vì 23% như trước đây.

Tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, bản thân bà cũng là Chủ tịch HĐND TP.HCM và sẽ không biết phải làm sao để phân bố ngân sách trong năm 2017, khi mà bị cắt giảm nhiều đến vậy.

Cũng theo bà Tâm, trước đây, thành phố luôn thực hiện những chỉ tiêu mà Trung ương giao. “Năm 2016, thực tế những chỉ tiêu thu nội địa, thu xuất khẩu là rất cao. Nhưng không thể vì thế mà Chính phủ và Quốc hội dồn mức độ khó cho TP.HCM là không ổn” - bà Tâm nói.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Internet

Bà Tâm cũng đưa ra những lý do khiến thành phố cần nguồn ngân sách lớn như cơ sở hạ tầng của TP.HCM đang quá bức bối và cần phải đầu tư trên 500.000 tỷ đồng. Đầu tư không chỉ cho thành phố mà cả vùng và khu vực xung quanh.

Nếu ngân sách giảm, thì chỉ còn cắt giảm việc chi đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng, mà điều này để lại hệ lụy rất lớn, tác động nhiều chiều cho xã hội.

Bà Tâm cũng cho biết thêm, mỗi năm thành phố có hàng trăm ngàn sinh viên về TP.HCM nhập học, riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có hơn 250.000 người… TP.HCM đang chịu một áp lực lớn từ xã hội.

Việc cắt giảm ngân sách như vậy thì đầu tư cho an sinh xã hội giảm, người dân sẽ không an tâm đầu tư, sinh sống... “TP.HCM không thể nào mà chịu nổi. Giảm một cách đột ngột như vậy nền kinh tế trở tay không kịp. Chính phủ và Quốc hội cần phải xem xét” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Bà Tâm đề nghị, chỉ giảm 2% từ 23% xuống 21% tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại. “TP.HCM rất hiểu nghĩa vụ là phải chia sẻ nhưng ngược lại Chính phủ, Quốc hội tạo điều kiện cho thành phố phát triển” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Quang Thuận

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tphcm-se-chiu-nhieu-ap-luc-voi-viec-bi-cat-ngan-sach-dot-ngot-d48501.html