TP.HCM: Ngân hàng huyết thanh chính thức đi vào hoạt động

Ngân hàng huyết thanh thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM chính thức đi vào hoạt động với quy mô lưu trữ lớn, phục vụ cho công tác kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, đánh giá miễn dịch cộng đồng…

Ngân hàng huyết thanh tại TP.HCM có sức lưu trữ từ 400.000 - 450.000 mẫu - Ảnh minh họa

Từ ngày 17/8 ngân hàng huyết thanh do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) chính thức được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động.

Ngân hàng huyết thanh có sức lưu trữ khoảng từ 400.000 - 450.000 mẫu. Dự kiến trong giai đoạn 2024 - 2030, ngân hàng huyết thanh này sẽ được HCDC đầu tư mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng thêm dung lượng lưu trữ mẫu.

Việc thành lập ngân hàng huyết thanh nhằm cung cấp bộ công cụ lượng giá gánh nặng bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng và định hướng cho các quyết định y tế công cộng trong tương lai.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, cho biết ngân hàng huyết thanh là đơn vị tổ chức thu thập, bảo quản và cung cấp các nguồn mẫu để thực hiện xét nghiệm, phục vụ công tác kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm với 4 mục tiêu chính là dự đoán hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch; đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng; đánh giá hiệu quả của các biện pháp can thiệp và khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố sẽ xây dựng kế hoạch thu thập mẫu định kỳ cho ngân hàng huyết thanh, xây dựng bộ quy trình bảo quản, truy xuất và sử dụng mẫu phục vụ cho các mục tiêu khác nhau của kiểm soát dịch bệnh. Đơn vị sẽ xây dựng các mô hình phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra những định hướng cho các quyết định y tế công cộng trên địa bàn.

Trước mắt, Trung tâm sẽ khai thác nguồn mẫu từ ngân hàng huyết thanh để đánh giá miễn dịch đối với bệnh sởi, tay chân miệng. Qua đó dự đoán nguy cơ dịch tại thành phố.

Trong tương lai, ngân hàng huyết thanh tiếp tục được mở rộng nguồn mẫu và đa dạng hóa các loại mẫu để đáp ứng nhu cầu kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và hướng đến kiểm soát các bệnh tật khác.

Tại Việt Nam, một số ngân hàng huyết thanh cũng đã được thành lập thông qua chương trình nghiên cứu điều tra dịch tễ của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM. Trọng tâm của các chương trình giám sát này có thể kể đến như HIV, Zika virus, viêm gan siêu vi B và C, cúm A H5N1.

Hiện nay, ngân hàng huyết thanh của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đang được trang bị 5 tủ âm sâu, 3 máy ly tâm lạnh cùng các trang thiết bị và đội ngũ nhân sự đáp ứng cho công tác thu thập, xử lý, lưu trữ và phân phối mẫu.

Trong năm 2022, HCDC phối hợp Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thu thập hơn 2.500 mẫu huyết thanh từ các mẫu máu xét nghiệm đã thực hiện tại các bệnh viện để đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng với Covid-19. Kết quả ghi nhận tỷ lệ dân số có kháng thể đạt trên 90%. Từ kết quả khảo sát này, ngành y tế thấy được vai trò của việc tiêm vaccine với miễn dịch cộng đồng, kêu gọi người dân tiêm nhắc lại nhằm bảo vệ và duy trì khả năng miễn dịch.

Trên thế giới, việc điều tra sự lưu hành kháng thể chống lại một số bệnh truyền nhiễm, thu thập huyết thanh để đánh giá nguy cơ bệnh, đã có từ lâu. Năm 1960-1961, Tổ chức Y tế Thế giới thành lập ba ngân hàng huyết thanh đầu tiên tại Mỹ, Tiệp Khắc và Nam Phi. Từ đó đến nay, nhiều ngân hàng được thành lập tại một số quốc gia trên thế giới và đã có những ứng dụng hữu ích cho y tế công cộng.

Tại Vương quốc Anh, ngân hàng huyết thanh được thành lập vào năm 1986, đến nay đã thu nhận trên 200.000 mẫu huyết thanh từ người dân Anh ở các độ tuổi khác nhau.

Thi Nguyễn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-ngan-hang-huyet-thanh-chinh-thuc-di-vao-hoat-dong.htm