TP.HCM: Kiến nghị thành lập doanh nghiệp chuyên biệt để quản lý nhà ở xã hội

Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng để các địa phương triển khai thực hiện, nhằm cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện… Đồng thời, thành lập doanh nghiệp chuyên biệt để đầu tư, quản lý nhà ở xã hội…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong buổi giám sát việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2025 đối với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế TP.HCM (do HĐND TP.HCM tổ chức vào sáng 25/10/2023), Trưởng ban Đô thị HĐND TP. HCM Nguyễn Thị Thanh Vân đề nghị các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn để triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM trong giai đoạn tiếp theo; Sở Tài nguyên và Môi trường cần rà soát nguồn gốc đất đối với 12 dự án trình Ban chỉ đạo để giải quyết các bước tiếp theo và rà soát các khu đất chậm đưa vào sử dụng để trách lãng phí nguồn lực đất đai…

21 DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI ĐƯỢC ĐƯA VÀO SỬ DỤNG

Báo cáo tại buổi giám sát, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết giai đoạn 2016 – 2020, thành phố đã có 19 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,23 triệu m2 sàn, tương ứng 14.954 căn hộ. Giai đoạn này có 1 dự án nhà lưu trú công nhân, tổng diện tích đất 7 ha, quy mô 1.449 phòng, đáp ứng 7.596 chỗ ở cho công nhân.

Giai đoạn 2021 – 2025 (đến hết quý 2/2023), TP.HCM đã hoàn thành đưa vào sử dụng 02 dự án với diện tích đất 18.459,6 m2, diện tích sàn xây dựng 59.893 m2, quy mô 623 căn hộ.

Đồng thời có 07 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn hộ, tổng diện tích sàn 383.258 m2.

Trong đó, có 06 dự án nhà ở xã hội với quy mô 3.956 căn hộ, tổng diện tích sàn 289.326 m2; và 01 dự án nhà lưu trú công nhân với 1.040 căn, tổng diện tích sàn 93.932 m2; có 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, phát biểu tại buổi giám sát - Ảnh: PA.

Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, phát biểu tại buổi giám sát - Ảnh: PA.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, kết quả phát triển nhà ở xã hội của thành phố trong thời gian qua chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của các nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội, nhưng đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần được tháo gỡ liên quan bồi thường, giải phóng mặt bằng đất đai, quy hoạch, thủ tục đầu tư...

Trong đó, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, bao gồm: thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ...

Bên cạnh đó, các dự án nhà ở xã hội còn phải được thẩm định giá bán; xác nhận đối tượng mua, thuê; kiểm soát lợi nhuận định mức... trong khi rất khó vay vốn ưu đãi. Những điều này khiến phân khúc nhà ở xã hội không thu hút nhiều nhà đầu tư.

KIẾN NGHỊ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP CHUYÊN BIỆT

Theo đó, Sở Xây dựng kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng để các địa phương triển khai thực hiện, nhằm cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện…

Sở cũng cho rằng cần điển hình hóa thiết kế nhà ở xã hội để xây dựng hàng loạt, góp phần giảm thời gian thực hiện, thủ tục đầu tư và giá thành căn hộ.

Về nghĩa vụ nhà ở xã hội với các dự án nhà ở thương mại (quy mô 2-10 ha), đơn vị này đề xuất cho phép UBND TP.HCM tự quyết định 03 hình thức thực hiện gồm dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội, chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư cần thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước để làm nhà ở xã hội hoặc doanh nghiệp nộp tiền bằng với giá trị quỹ đất 20%.

Đặc biệt, Sở Xây dựng còn đề xuất cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc TP.HCM để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn. Nghiên cứu xây dựng đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở để tạo suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ chính đối tượng có nhu cầu.

Ngoài ra, đối với vấn đề thu tiền từ việc chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%, đại diện Sở Tài chính TP.HCM, cho biết sở này được UBND thành phố giao thống kê tổng hợp số liệu về nguồn tiền này. Nhưng đến nay, sở vẫn chưa có số liệu để báo cáo, bởi phải chờ thông tin từ Cục Thuế TP.HCM, mà Cục Thuế thành phố lại đang chờ thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường...

Ban Mai

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-kien-nghi-thanh-lap-doanh-nghiep-chuyen-biet-de-quan-ly-nha-o-xa-hoi.htm